20/07/2017 16:34 GMT+7

ĐH tìm cách thích ứng mới cách mạng công nghiệp 4.0

TRUNG AN
TRUNG AN

TTO - Ngày 20-7 tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã diễn ra hội thảo quốc tế với chủ đề “Mô hình ĐH 4.0 - Nền tảng giáo dục thế kỷ 21”. 

Đại biểu phát biểu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: T.A
Đại biểu phát biểu ý kiến tại hội thảo - Ảnh: T.A

Trong 2 ngày hội thảo, 6 phiên họp, sẽ có 12 bài trình bày của các nhà lãnh đạo ĐH, giáo sư, nhà nghiên cứu uy tín đến từ các trường ĐH danh tiếng, nơi đổi mới sáng tạo giáo dục ĐH đang diễn ra. Các chuyên gia hàng đầu về giáo dục ĐH chia sẻ mô hình ĐH 4.0.

Giáo dục ĐH đứng trước nhiều thách thức

Trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ, giáo dục ĐH cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Ông Lê Trọng Hùng, Vụ Khoa học công nghệ (Bộ GD-ĐT), đánh giá: cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 khiến giáo dục ĐH bị đặt trước nhiều thách thức rất lớn. Sự xuất hiện của các công nghệ mới làm thay đổi nền tảng sản xuất dịch vụ đặt ra những yêu cầu mới năng lực nhân sự, từ đó đòi hỏi các trường ĐH phải thay đổi chương trình đào tạo để đáp ứng được yêu cầu của nền công nghiệp 4.0.

GS Gottfried Vossen đề xuất mô hình ĐH 4.0: Dạy học 4.0 - Nghiên cứu 4.0 - Quản lý 4.0.

Trong đó: dạy học 4.0 gồm: có nhiều hình thức học tập mới, thời gian và địa điểm học tập không bị ràng buộc, có sự thay đổi phù hợp với đối tượng học, cung cấp nhiều kỹ năng phù hợp hơn.

Nghiên cứu 4.0 bao gồm: hình thức nghiên cứu mới (tốc độ, kết quả, quá trình đánh giá), hệ thống dữ liệu quy mô lớn hơn và đa đạng nguồn hơn.

Quản lý 4.0 gồm: giảng dạy (hệ thống phần mềm thực hiện được nhiều mục đích hơn, những công cụ quản lý hiệu quả hơn, hệ thống thông tin lớn hơn), nghiên cứu khoa học (hệ thống thông tin nghiên cứu khoa học, quản lý dự án), quản lý cơ sở đào tạo, bộ phận hỗ trợ tài chính.

Bên cạnh đó, tiến bộ công nghệ thông tin cũng làm xuất hiện những loại hình đào tạo mới. Hệ thống đào tạo trực tuyến đại chúng, đào tạo online là những loại hình đào tạo mới thách thức các phương thức đào tạo truyền thống.

Những thách thức trên đặt ra yêu cầu các trường ĐH phải đẩy mạnh nghiên cứu một mặt phát triển các công nghệ mới đáp ứng yêu cầu công nghiệp 4.0, một mặt tự thay đổi để phù hợp với nền công nghiệp mới.

GS Gottfried Vossen (ĐH Münster, Đức) cho rằng ĐH 4.0 là một trong nhiều thuật ngữ hiện đại, và cố gắng thể hiện mong muốn của các trường ĐH là phải thích ứng với thời hiện đại và nhu cầu của sinh viên ngày nay. Vì sự phát triển quá nhanh của công nghệ, đã dẫn đến một số thách thức trong quá trình giáo dục.

Ghi chú không còn là phương pháp chủ đạo trong việc học nữa. Đọc sách cũng không còn nhận được nhiều quan tâm. Việc có mặt tại lớp học không còn là lựa chọn duy nhất của sinh viên…

Theo giáo sư này, sự phát triển quá nhanh của công nghệ đã dẫn đến một số khó khăn trong quá trình giáo dục: Nhiều lớp SV mới do đó luôn có nhiều điều thay đổi và cần phải thay đổi để thích ứng; tất cả mọi người, không chỉ sinh viên, đều có nhiều nguồn thông tin, dễ bị nhiễu thông tin; những điều SV ngày nay học thực sự không tồn tại mãi trong quá trình làm việc sau này của họ. Thậm chí những kiến thức học ở trường không thực sự hữu ích cho con đường sự nghiệp của SV.

Trường ĐH phải thay đổi

Theo các đại biểu, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã đặt giáo dục ĐH trước nhiều thách thức rất lớn. Các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học từ các trường ĐH đối mặt với các yêu cầu cải cách và cạnh tranh mới, với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi giáo dục phải đem lại cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản lẫn tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với các thách thức và yêu cầu công việc thay đổi liên tục để tránh nguy cơ bị đào thải.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng, hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, chia sẻ: trước những thách thức trong thời đại công nghệ 4.0, chúng tôi tổ chức hội thảo này là để tìm hiểu về mô hình giáo dục ĐH 4.0, các đặc tính của nó, việc áp dụng trên thế giới, khả năng áp dụng tại Việt Nam và từ đó đề xuất phương hướng triển khai tại Việt Nam.

Đây cũng là dịp để các nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ về tầm nhìn, định hướng và kinh nghiệm đổi mới giáo dục quốc tế để định hình nên một nền giáo dục hiện đại cho thế kỷ 21.

Trong khi đó, PGS.TS. Trần Anh Tuấn, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho rằng trước sự tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 tới hệ thống giáo dục, Bộ GD-ĐT đã khuyến khích các trường triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm hướng tới một nền giáo dục hiện đại, hội nhập quốc tế.

Để xây dựng và triển khai giáo dục ĐH 4.0, GS Gottfried Vossen đề xuất các giải pháp: các trường cần phải liên tục suy nghĩ về phương pháp tiếp cận việc dạy học để tìm ra những điểm hạn chế và liên tục cải thiện; liên tục theo dõi, quan sát phản hồi, thái độ của SV về việc học tập, nhưng không cần phải trả lời mọi phản hồi; phải thử nghiệm những công nghệ mới. Có nhiều hình thức học tập mới, thời gian và địa điểm học tập không bị ràng buộc, cung cấp nhiều kỹ năng phù hợp hơn cho SV…

TRUNG AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên