03/05/2015 06:00 GMT+7

​Đề xuất cước truyền hình: Có sòng phẳng với người dùng? 

Đ.T - K.XUÂN - BẢO BÌNH - T.PHONG - M.KHANG
Đ.T - K.XUÂN - BẢO BÌNH - T.PHONG - M.KHANG

TTO - Ngay khi Hiệp hội Truyền hình trả tiền VN đề xuất Bộ Thông tin và truyền thông xem xét mức giá sàn dịch vụ truyền hình là 60.000 đồng/tháng, nhiều bạn đọc đặt ngay câu hỏi trên.

Bà Nguyễn Phước Phương Thi (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ hiện nay số lượng kênh có chương trình hay còn ít mà giá cước đòi tăng lên rất thiệt cho người dùng - Ảnh: TIẾN LONG 

Bạn đọc cho rằng mức sàn do hiệp hội đề xuất, mà thành viên hiệp hội chính là chủ các dịch vụ truyền hình trả tiền, vậy làm sao khách quan?

Theo một chuyên gia về truyền hình (khoa báo chí truyền thông Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM), xét về mục đích, đề xuất giá cước sàn cho dịch vụ truyền hình trả tiền là cần thiết.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng còn phải cân nhắc, dựa trên quyền lợi của người dân để đưa ta quyết định cuối cùng vì bản chất của hiệp hội bao giờ cũng là bảo vệ quyền lợi của các thành viên.

Điều đó không tránh khỏi suy nghĩ: các thành viên bắt tay nhau đưa định mức giá sàn cao, người tiêu dùng lãnh đủ.

Vị chuyên gia này cho biết thêm thực tế nhiều gói có số lượng kênh nhiều nhưng giá cước thấp vì phần lớn là các đài địa phương, kênh quảng cáo, tiếp thị. Ngược lại, có những gói giá cước cao nhưng số lượng kênh ít vì phải mua bản quyền từ các đài quốc tế. Do vậy, việc lấy số kênh để so sánh với mức giá là chưa hợp lý.

Chất lượng phập phù

Quanh đi quẩn lại trong các câu chuyện tăng giá, từ điện, nước cho đến mới nhất là chuyện muốn tăng cước 3G, tăng giá cước truyền hình, câu hỏi được người tiêu dùng đặt ra vẫn là: giá cả tăng có đi kèm với chất lượng?

Một người tiêu dùng bức xúc nói: “Khi muốn tăng giá, người ta luôn đưa ra lý do giá VN thấp hơn giá khu vực và thế giới nhưng lại không so sánh chất lượng dịch vụ. Vậy liệu có sòng phẳng với người tiêu dùng?".

Nhiều bạn đọc comment trênTTO phàn nàn số lượng kênh lên tới 60-70, thậm chí cả trăm kênh, nghe rất hoành tráng, nhưng chất lượng thật sự để xem được chỉ khoảng 20 kênh, số còn lại là "cưỡi ngựa xem hoa”, cung cấp cho đủ số lượng.

Anh Nguyễn Mạnh Đình (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bức xúc: có nhiều trường hợp quảng cáo có trăm kênh nhưng khi sử dụng nhiều kênh không cần thiết, còn nhiều kênh rác, kênh quảng cáo bán đồ.

Bạn Tú Phượng (sinh viên Trường ĐH Sài Gòn) cho rằng: “Truyền hình vẫn thường xuyên có những gián đoạn như mất đài, mất kênh nhưng nhà mạng có khi quá một ngày vẫn chưa gửi người xuống sửa lại".

“Trước khi tăng giá, phải tăng chất lượng dịch vụ, hạn chế tối đa sự cố” - anh Mạnh Đình nhấn mạnh.

Anh Tuấn Minh (TP.HCM) bày tỏ: “Tại sao cứ chăm chăm quy định giá sàn, sao không thấy quy định mức cước trần?".

Chống phá giá nhưng không được bắt tay nhau. Ông Lê Đình Cường - phó chủ tịch VNPayTV, tổ trưởng tổ tư vấn nghiên cứu xây dựng đơn giá truyền hình trả tiền - cho rằng việc đưa ra giá sàn là cách để chống lại tình trạng bán phá giá. Theo ông Cường, trong nhiều cuộc làm việc với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính cũng có ý kiến đồng tình xây dựng mức giá đầu vào.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM, mức giá định giá đối với dịch vụ truyền hình trả tiền phải đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng, lợi ích công cộng.

Luật sư Hậu cho biết: Luật cạnh tranh nghiêm cấm các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên.

"Tôi cho rằng mức giá mà Hiệp hội Truyền hình trả tiền đưa ra chỉ là một thông tin để Bộ Thông tin và truyền thông tham khảo khi định giá" - luật sư Hậu nói.

Theo luật sư Hậu, nếu trường hợp có chứng cứ chứng minh được các thành viên Hiệp hội Truyền hình trả tiền bắt tay nhau nâng giá dịch vụ theo một mức cụ thể thì hành vi này sẽ được xem là hành vi thỏa thuận ấn định giá dịch vụ một cách trực tiếp.

Đ.T - K.XUÂN - BẢO BÌNH - T.PHONG - M.KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên