06/06/2015 09:35 GMT+7

Công nghệ mã hóa của Apple, WhatsApp tiếp tay cho IS

TRƯỜNG SƠN
TRƯỜNG SƠN

TTO - Theo quan chức cấp cao của FBI, công nghệ mã hóa của các mạng xã hội khiến việc liên lạc của IS và các nhóm khủng bố diễn ra hoàn toàn trong bóng tối.

Quan chức FBI Michael Steinback tại phiên điều trần hôm 4-6 - Ảnh: AFP

Phần lớn công ty công nghệ hiện nay đều sử dụng các công nghệ mã hóa nội dung cực kỳ phức tạp để bảo vệ người dùng.

Song, Michael Steinbach - phó giám đốc chống khủng bố thuộc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) - cho rằng chính công nghệ này đã “tạo ra các vùng tối”, vốn đang giúp ích rất nhiều cho các tổ chức khủng bố như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), theo AFP.

“Bọn khủng bố lợi dụng công nghệ mã hóa để tuyển mộ, cực đoan hóa (các thành viên) cũng như lên kế hoạch và lập âm mưu” - Steinbach nói tại phiên điều trần của Bộ An ninh nội địa Mỹ hôm 4-6.

Ông Steinback không nêu đích danh công ty nào nhưng nói rõ công nghệ mã hóa mà ông chỉ trích.

"Một vài công ty đang xây dựng hình mẫu doanh nghiệp trên công nghệ mã hóa end-to-end và hiện không có cách nào để chúng ta thấy chúng” - ông nói.

Công nghệ end-to-end đảm bảo chỉ có người gửi và người nhận mới giải mã được nội dung giao tiếp của họ mà không có bất kỳ bên thứ ba nào, kể cả nhà cung cấp dịch vụ, có thể can thiệp.

Ngay cả WhatsApp cũng không thể biết nội dung giao tiếp của người dùng - Ảnh: WhatsApp

WhatsApp, ứng dụng nhắn tin miễn phí được Facebook mua lại hồi năm ngoái, hiện đang mã hóa các đoạn chat của người dùng theo hình thức này, và Apple cũng đã chọn end-to-end làm công nghệ mã hóa mặc định cho hệ điều hành iOS của mình từ năm 2014.

Động thái này của các công ty công nghệ nhằm tăng cường bảo vệ người dùng kể từ khi các chương trình do thám của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) bị Edward Snowden tiết lộ hồi năm 2013.

Do chỉ có người gửi và nhận trong giao tiếp end-to-end mới có thể giải mã nội dung, WhatsApp hay Apple không thể giúp lực lượng thực thi pháp luật tiếp cận với các dữ liệu này, ngay cả khi họ có trát đòi của tòa án.

Quyền riêng tư của người dùng do đó được đảm bảo tuyệt đối, song đây chính là lý do vì sao tại nhiều quốc gia, chính quyền lo ngại giới tội phạm cũng có thể lợi dụng điều này để liên lạc mà không bị phát hiện.

Quan chức FBI Steinbach vì thế kêu gọi phải có "thuốc đặc trị hợp pháp”, giúp các nhân viên thực thi pháp luật có thể tiếp cận các giao tiếp đã được mã hóa.

Steinbach cho rằng các hình thức giao tiếp trên Internet đã phát triển nhanh đến mức các công nghệ vốn giúp chính quyền có thể tiếp cận hợp pháp các nội dung giao tiếp trực tuyến hiện đã không còn tác dụng.

“Kết quả là việc liên lạc của IS và các nhóm khủng bố diễn ra hoàn toàn trong bóng tối” - quan chức FBI khẳng định.

TRƯỜNG SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên