07/05/2015 08:08 GMT+7

​Cộng đồng mạng chung tay hỗ trợ Nepal

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TT - Trước nỗi đau khôn xiết mà người dân Nepal đang gánh chịu, cư dân mạng xã hội (MXH) tại VN những ngày qua đã nhanh chóng bắt tay tổ chức một số hoạt động hỗ trợ quốc gia trên. 

Các thành viên Himalayas Vietnam trao số tiền ủng hộ đợt 1 cho chị Bảo Saru (giữa) tại TP.HCM - Ảnh: Thu Trang

Một trong những hoạt động cứu trợ đầu tiên và quy mô trên MXH ở VN có thể kể đến là trang Facebook Himalayas Vietnam. Anh Nguyễn Mạnh Duy (sáng lập viên Himalayas Vietnam) cho biết đây là nơi các cá nhân yêu thích nền văn hóa vùng Himalaya tạo ra để giao lưu cùng nhau.

“Chúng tôi quyết định kêu gọi cứu trợ ngay sau khi thảm cảnh xảy ra. Tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã quyên góp được khoảng 300 triệu đồng, chưa kể rất nhiều hiện vật như lều, bạt, chăn, màn, gạo... từ các thành viên của trang cũng như người thân, bạn bè... Chúng tôi đã trực tiếp chuyển số tiền ủng hộ đợt 1 (8.000 USD) đến tay chị Bảo Saru - chủ quán Phở 99 tại Nepal. Chị Bảo và bạn bè ở Nepal sẽ dùng số tiền đó cho những hoạt động cứu trợ thiết thực nhất” - Mạnh Duy nói.

Ngoài ra, chàng trai từng nhiều lần qua Nepal này cũng cho biết thêm: “Khoảng giữa tháng 5, các thành viên Himalayas Vietnam sẽ cùng một số tình nguyện viên bay sang Nepal để trực tiếp đem khoản tiền hỗ trợ còn lại, các nhu yếu phẩm cần thiết... đến tay người dân. Hầu hết các bạn tình nguyện viên đều có tuổi đời còn rất trẻ, có bạn thậm chí bay từ Úc về để tham gia cùng đoàn”.

“Có nhiều ủng hộ nhiều, có ít ủng hộ ít. Số tiền nhỏ cũng có ý nghĩa của nó” là quan điểm của chị N.T.D., người từng nhiều lần đặt chân đến Nepal và sáng lập trang “1 triệu cốc trà sữa masala ủng hộ Nepal” đang thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ tại Hà Nội.

“Masala là một loại trà sữa phổ biến tại Nepal chứ không phải tên thương hiệu. Và tôi không phải là người buôn bán trà sữa chuyên nghiệp” - chị N.T.D. nhấn mạnh. Chị N.T.D. cho biết bản thân học được nhiều điều sau mỗi chuyến đến Nepal nên vùng đất này đã để lại một ấn tượng sâu sắc cho chị.

“Vì đã nhiều lần đến đây nên tôi tin chắc người dân Nepal hiện sống rất khổ sở bởi thời tiết ban đêm vô cùng khắc nghiệt, lạnh như cắt da cắt thịt. Tôi cũng có nhiều thầy, bạn bè ở Nepal nên không kềm được cảm xúc khi thấy nhiều hình ảnh tang thương trên mạng” - chị N.T.D. chia sẻ lý do quyết định gác lại công việc chính để tìm cách hỗ trợ Nepal.

Suy nghĩ mãi, chị nhận ra: “Kêu gọi mọi người quyên góp mà họ đóng góp một cách khiên cưỡng thì cũng không hay, chưa kể mình cũng không thể tác động đến người lạ... vì vậy việc bán trà sữa vừa không quá tốn kém, vừa có thể giúp mọi người quyên góp một cách thoải mái nhất”.

Với mỗi ly trà sữa có giá 15.000 đồng, chị và các tình nguyện viên được lãi 4.000 đồng. Toàn bộ số tiền lãi thu về sẽ được chị N.T.D. trực tiếp đem qua Nepal để đóng góp cho tổ chức phi lợi nhuận Live to Love (tạm dịch: Sống để yêu thương) vào đầu tháng 6-2015.

“Mỗi ngày chúng tôi bán được 300 - 400 ly. Do vừa phải nấu vừa phải đi giao hàng tận nơi nên phải nói là mệt bở hơi tai, nhất là khi tôi và các bạn tình nguyện viên đều không phải dân buôn bán chuyên nghiệp. Có ngày tôi chỉ ngủ được ba tiếng. Mệt nhưng thấy hạnh phúc lắm” - chị N.T.D. cho biết.

Còn tại trang Facebook của chị Bảo Saru - chủ quán Phở 99 tại Nepal - thì cập nhật đến ngày 5-5 cho thấy cộng đồng mạng VN đã đóng góp hơn 209 triệu đồng và rất nhiều hàng cứu trợ... cho những người dân đang trong hoàn cảnh khốn khó ở Nepal.

San sẻ đồng lương đầu tiên cho Nepal

Đó là câu chuyện của bạn sinh viên năm 3 Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, tên Tường. Số tiền 2.150.000 đồng Tường đem đến báo Tuổi Trẻ sáng 6-5 để ủng hộ người dân Nepal bị động đất có phần san sẻ từ tháng lương đầu tiên đi làm thêm của Tường, còn lại là đóng góp của bạn bè.

Tường nói đi làm thêm mới thấu hiểu nỗi vất vả khó nhọc khi kiếm ra được đồng tiền, nhưng theo dõi thông tin vụ động đất ở Nepal, Tường nghĩ mình nên san sẻ để giúp đỡ những người khó khăn hơn mình.  

Khi chia sẻ ý định của mình, một số bạn trong lớp Tường đã ủng hộ, mỗi người góp thêm một ít. Một cô trong mái ấm mà Tường hay đến dạy tiếng Anh miễn phí cũng góp vào... 

Phòng tiếp bạn đọc sáng 6-5 lại đón một khách quen: ông Vọng. Ông mới đến cách đây hai ngày, góp tiền của mình và của những người hàng xóm ở đường Lê Văn Phan (P.Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú) gửi cho người dân Nepal. Thông tin ấy xuất hiện trên báo, hai người hàng xóm sang hỏi thăm và gửi ông ít tiền.

Vậy là 7g sáng ông lại đón xe buýt lên tòa soạn báo Tuổi Trẻ. Ông nói đi giùm cho người ta để người ta còn làm việc, ông cũng chẳng có việc gì, đi đi lại lại cho vui, vừa giúp được người dân Nepal đang khốn khó, vừa giúp được những người hàng xóm làm việc tốt.

Rồi, giữa trưa nắng như trút lửa xuống đường, có ba bà cụ gần 70 tuổi tới. Hai người đạp xe từ Bình Thạnh qua, một người tự chạy xe máy từ Q.1 tới. “Đây là tiền cả nhà tui góp lại đó, chẳng đáng là bao nhưng thấy người dân ở bên ấy gặp họa như vậy, tụi tui sốt ruột như là chuyện nhà mình nên có nhiêu góp nhiêu” - một bà nói.

Khi chiều xuống, một bà cụ 85 tuổi đến bàn bảo vệ báo Tuổi Trẻ, đưa ra một bao thư nắn nót ghi tên bà Lê Thị Sinh và địa chỉ nhà cùng 1 triệu đồng.

Con gái bà đứng bên, trìu mến tháo chiếc nón bảo hiểm cho mẹ, cười bảo: “Lâu lắm rồi mẹ tôi chưa ra khỏi nhà vì bà cao tuổi, hơi nặng tai. Vậy mà bữa nay đọc báo, bà nhất định đòi tôi đưa đi cho bằng được, bà muốn đi ủng hộ cho người bị nạn động đất”.

MAI HOA

 

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên