11/01/2016 11:17 GMT+7

Chặn tin nhắn rác: nhà mạng vô can?

NHÓM KHẢO SÁT
NHÓM KHẢO SÁT

TT - Theo một số bạn đọc quản lý tin nhắn rác nên được xem là một tiêu chí quan trọng đánh giá chất lượng phục vụ của nhà mạng. 

Chị Mai (bìa phải), chủ số thuê bao 0938...., cho biết ngày nào chị cũng nhận được rất nhiều tin nhắn rác và phải mất thời gian xóa những loại tin nhắn này trên điện thoại của mình - Ảnh: Hoài Linh
Chị Mai (bìa phải), chủ số thuê bao 0938...., cho biết ngày nào chị cũng nhận được rất nhiều tin nhắn rác và phải mất thời gian xóa những loại tin nhắn này trên điện thoại của mình - Ảnh: Hoài Linh

Trong số 100 người tham gia cuộc khảo sát mà Tuổi Trẻ vừa thực hiện về quản lý thuê bao di động trả trước bằng việc ký hợp đồng dịch vụ, tỉ lệ đồng tình và không đồng tình không chênh lệch nhiều: 57% đồng tình và 43% không đồng tình.

Theo giải thích của Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM, yêu cầu phải ký hợp đồng sử dụng với thuê bao di động trả trước là một biện pháp quan trọng nhằm giảm tình trạng tin nhắn rác “khủng bố” người dùng điện thoại. Tuy nhiên, đã có nhiều ý kiến lo ngại việc đăng ký phiền hà trong khi hiệu quả thì không chắc chắn.

Cần thêm điều kiện

“Tôi đồng tình việc phải ký hợp đồng thuê bao di động trả trước nhưng với điều kiện thủ tục dễ dàng, nhanh gọn. Và khi đăng ký như vậy thì nhà mạng phải cam kết và chịu trách nhiệm khi thông tin khách hàng bị rò rỉ” - anh Bùi Nguyễn Đăng Khoa, lập trình viên 30 tuổi ở Q.Bình Tân, TP.HCM, nêu ý kiến.

Còn anh Hoàng Khắc Lâm, 25 tuổi, biên đạo múa, nói: “Chúng tôi ký hợp đồng với điều kiện phải đảm bảo không còn tin nhắn rác. Bởi hiện tại, chúng tôi đã đăng ký thông tin cá nhân với nhà mạng nhưng vẫn bị quấy rầy liên tục”.

Những băn khoăn này cũng là lý do khiến nhiều người trả lời khảo sát không đồng tình với quy định phải ký hợp đồng sử dụng dịch vụ với thuê bao di động trả trước. Trong số 43 người trả lời không đồng tình, có 84% nêu lý do ngại thủ tục đăng ký phiền hà, 49% cho rằng biện pháp này không đảm bảo chống được tin nhắn rác.

Ngoài ra, có ý kiến dù là thiểu số nhưng rất đáng quan tâm. Theo đó, có 8 người cho rằng hiện nay khi mua sim trả trước, người sử dụng đã phải đăng ký thông tin cá nhân tại các đại lý, nếu thực hiện nghiêm việc đăng ký này thì sẽ bớt phiền hà rất nhiều, không cần phải ký hợp đồng rắc rối.

“Thực tế là mua sim giờ dễ như mua rau, đăng ký thông tin không chính xác cũng không ai biết. Chỉ cần làm nghiêm túc ở khâu này thì cần gì hợp đồng lôi thôi” - anh Lý Hoàng Anh, 28 tuổi, nói.

Nhóm 57 người đồng tình thì cho rằng việc ký hợp đồng sẽ thuận lợi cho cơ quan chức năng và nhà mạng quản lý số lượng cũng như chất lượng dịch vụ (84%); giúp ngăn chặn tin nhắn rác, quảng cáo, tống tiền, lừa đảo (70%). Có 18 người trả lời đồng tình nói rằng có ký hợp đồng thì thông tin mới đáng tin cậy.

“Khi mua điện, mua nước sạch, người dân phải ký hợp đồng với điều khoản rất rõ ràng. Tại sao dùng sim điện thoại lại không cần hợp đồng? Ở các nước phát triển, thuê bao trả sau chiếm đa số, trả trước rất ít, việc đăng ký thông tin cũng cực kỳ nghiêm ngặt. Việc tràn lan tin nhắn rác, khủng bố điện thoại bây giờ một phần chính là cái giá phải trả cho sự dễ dãi, thuận tiện nhất thời” - anh Thiều Triều Dương phân tích.

Ý kiến của 100 người - Đồ họa: võ tân
Ý kiến của 100 người - Đồ họa: Võ Tân

Các nhà mạng phải chịu trách nhiệm

Đặt câu hỏi “làm thế nào để ngăn chặn được tin nhắn rác?” với 100 người tham gia khảo sát, chỉ 10 người nói rằng không thể nào ngăn chặn được, 90 người còn lại khẳng định sẽ chặn được với nhiều giải pháp đề xuất.

Bà Dương Thị Hải Anh, người có nghiên cứu về thị trường sim số ở VN, nói: “Các nước làm được, sao VN không làm được, cứ nói khó này khó nọ. Ai được lợi từ tin nhắn rác, từ thuê bao trả trước, người biết rõ nhất là các nhà mạng. Phải buộc họ chịu trách nhiệm chính”.

Có tới 72% ý kiến đồng tình với chuyện phải quy trách nhiệm chính cho nhà mạng trong việc tin nhắn rác khủng bố người dùng điện thoại. Nhà mạng phải đảm bảo chất lượng dịch vụ mình cung cấp, tránh những phiền hà, ức chế cho khách hàng.

Tiếp đến, 67% ý kiến cho rằng phải quản lý chặt chẽ việc bảo mật thông tin khách hàng. Các nhà mạng nắm trong tay thông tin cá nhân của khách hàng phải bảo mật tuyệt đối.

Còn những nơi như siêu thị, cửa hàng, ngân hàng, bệnh viện... nếu nhận thông tin đăng ký từ khách cũng phải có quy định rõ: nếu bán thông tin ra ngoài sẽ bị phạt nặng.

Điều đáng nói là việc giới hạn tần suất nhắn tin - giải pháp đang được nghiên cứu đưa vào áp dụng - không được số đông đồng tình.

“Tôi nhắn bao nhiêu tin là quyền của tôi. Chính sách lẽ ra phải nhằm vào những cái sim phát tán hàng ngàn tin nhắn để thu lợi thì lại nhằm vào người sử dụng thông thường” - bạn đọc Lý Quốc Hưng (Q.5) nói.

Chị Võ Thị Trang, nhân viên tài chính 23 tuổi, cho rằng nếu quản lý thông tin thuê bao tốt thì những giải pháp như giới hạn tần suất nhắn tin, hay giới hạn số lượng sim mà mỗi người được đăng ký sẽ là không cần thiết.

Theo chị Trang, quản lý tin nhắn rác nên được xem là một tiêu chí quan trọng đánh giá chất lượng phục vụ của nhà mạng. Việc quảng cáo trên điện thoại, theo nhiều ý kiến, cũng là nhu cầu không cấm được.

Vậy phải làm sao tránh phiền hà? Đây là ý kiến của sinh viên Đặng Vân Sơn ở Q.3: “Nên thành lập một kênh, một ứng dụng trên sim dành riêng cho các doanh nghiệp cần quảng cáo, phân chia ra nhiều lĩnh vực sản phẩm.

Ai có nhu cầu mua bán cái gì thì vào kênh tin nhắn đó xem, ai không có nhu cầu thì có thể tắt chế độ tin nhắn này để tránh bị làm phiền. Qua đó, các doanh nghiệp cũng được quảng cáo một cách hiệu quả, người dân thì không bị làm phiền, dẫn đến suy nghĩ tiêu cực và ác cảm với tin nhắn quảng cáo”.

* Ông Đinh Xuân Cường (45 tuổi, sống tại Đức):

xuan cuong

Ở Đức và một số nước châu Âu, muốn có một số điện thoại phải đăng ký thông tin cá nhân. Cơ quan chức năng hoặc nhà mạng sẽ quản lý thuê bao đó và có những ràng buộc pháp lý, khi có hành vi vi phạm pháp luật sẽ phạt rất nặng.

* Anh Nguyễn Văn Sin Kô (sinh viên):

Mỗi người đăng ký bao nhiêu số điện thoại là tùy nhu cầu sử dụng, việc giới hạn tần suất nhắn tin cũng không hợp lý chút nào. Đã gọi là dịch vụ sao lại cứ tìm cách hạn chế?

* Anh Phạm Trọng Hải (kỹ sư xây dựng):

Nhà mạng hành động quyết liệt thì mới chặn tin nhắn rác được triệt để. Còn người dùng chỉ chặn được vài số, chẳng giải quyết được gì.

NHÓM KHẢO SÁT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên