29/03/2017 11:29 GMT+7

Cân nhắc khi dùng kính thực tế ảo

MẠNH KHANG
MẠNH KHANG

TTO - Gần đây nhiều nơi kinh doanh trò chơi cho các bé (không giới hạn độ tuổi) dùng kính thực tế ảo trên cabin để đi vào thế giới huyền ảo. Không chỉ vậy, tại nhiều cửa hàng bán điện thoại di động cũng xuất hiện loại kính này.

Một người dân đang xem kính thực tế ảo - Ảnh: HỮU THUẬN
Một người dân đang xem kính thực tế ảo - Ảnh: HỮU THUẬN

Kính thực tế ảo là công cụ cho phép người sử dụng trải nghiệm công nghệ thực tế ảo (VR-Virtual Reality) bao gồm các nội dung như hình ảnh, video, trò chơi... ngay trên điện thoại thông minh.

Khi đeo kính, người dùng có cảm giác như mình đang ở trong khung cảnh, được nhìn và tương tác. Có khi là một trận chiến ảo, thế giới dưới nước hay khoảng không vũ trụ. Các ứng dụng và bộ dụng cụ đeo trán tích hợp không gian 3 chiều (3D).

Ảnh hưởng của VR trên mắt như thế nào? Nhiều phụ huynh cho con tham gia trào lưu này mà không lường trước được các tác hại.

Người lớn đeo cũng thấy khó chịu

Anh Nguyễn Tuấn Anh (25 tuổi, TP.HCM) cho biết: “Mình đã từng dùng loại kính thực tế ảo VR. Dù kính có nhiều tiêu cự khác nhau có thể điều chỉnh để phù hợp với mắt của từng người nhưng đeo xong mình cảm thấy khá mệt”.

Tuấn Anh kể khi đeo, toàn bộ kính sẽ bao trùm cả phần mắt bọc sang tới sau đầu nên không có một chút ánh sáng nào lọt vào được. Thêm nữa do các video, hình ảnh, game được thiết kế đặc thù để thể hiện trong môi trường của kính thực tế ảo VR nên chúng có màu sắc rất bắt mắt. Dù kính “bám” chặt vào đầu, khó xê dịch làm hình ảnh ổn định nhưng khi mới đeo sẽ cảm thấy rất khó chịu vì chưa quen với việc xem hình ảnh trong không gian hoàn toàn tối.

Ngoài ra, mắt sẽ bị chói sáng giống như cảm giác nhà đang mất điện, mắt đang quen với bóng tối thì bỗng đèn bừng sáng. Thỉnh thoảng mình còn thấy hơi chóng mặt.

Sau một lần mượn đeo kính thực tế ảo từ bạn, bạn Minh Thông (sinh viên ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết mình bị nổi mẩn đỏ khắp vùng da mà kính tiếp xúc. Thông cho rằng chất liệu làm kính đã khiến Thông bị dị ứng.

Cho trẻ em dùng, nên cẩn thận

TS.BS CKII Trịnh Thị Bích Ngọc - nguyên phó giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội - cho rằng bản chất của kính thực tế ảo là kích thích chức năng phù thị - chức năng tiếp nhận hình ảnh - của mắt hoạt động nhiều hơn. Cùng sử dụng loại kính này nhưng với những người bị nhược thị thì hiệu ứng hình ảnh 3D sống động sẽ giảm đi nhiều, thậm chí là không thấy được hiệu ứng 3D.

Về góc độ bảo vệ mắt, chỉ với hình thức xem truyền hình trên tivi thì khoảng cách an toàn giúp mắt khỏe là phải từ 3m trở lên và không được xem liên tục hơn 1 giờ.

Với việc sử dụng kính thực tế ảo thì thời gian này càng phải rút ngắn vì 45 phút - 1 giờ là ngưỡng mắt hoạt động nhiều gây hiện tượng mỏi, khả năng điều tiết của mắt sớm cạn kiệt, mắt cần được nghỉ ngơi, thư giãn nếu không sẽ dễ bị tật khúc xạ.

Đối với trẻ em, các bậc phụ huynh cần thật sự cân nhắc khi cho trẻ sử dụng loại kính này vì mắt trẻ đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện các chức năng. Mỗi ngày, mắt trẻ đã phải điều tiết rất nhiều cho việc học tập, khám phá thế giới xung quanh, xem truyền hình... nay lại phải điều tiết nhiều để xem hình ảnh trong kính thì dễ khiến mắt quá tải.

Ở thời điểm chưa có những nghiên cứu chính thống nào về những ảnh hưởng của loại kính này đến mắt người, đặc biệt là mắt trẻ, tốt nhất phụ huynh hạn chế cho trẻ sử dụng.

Chưa kể, trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại kính kiểu này với nhiều nơi sản xuất khác nhau, có sản phẩm có giá từ vài chục triệu đồng đến sản phẩm chỉ có giá vài trăm nghìn đồng. Do vậy, khó tránh được việc sử dụng kính kém chất lượng và nguy hại, dễ gây các bệnh về mắt.

Tại sao nhà sản xuất phải đưa ra giới hạn tuổi?

Theo Reena Mukamal, Eyehealth, AAO, hầu hết các thiết bị VR được sản xuất trên thế giới đều nêu rõ chúng không thích hợp với trẻ dưới 12 hoặc 13 tuổi.

Dùng thiết bị VR hay bất cứ thiết bị kỹ thuật số nào nếu trong thời gian dài đều gây mệt mỏi và khó chịu cho mắt.

Đó là bởi vì người dùng sẽ có khuynh hướng chớp mắt ít đi so với các hoạt động bằng mắt khác. Điều này gây ra cảm giác khô mắt và mỏi mắt.

Người dùng có chóng mặt và cảm giác say chuyển động vì nhìn một hình ảnh liên quan đến chuyển động sẽ mang đến bộ não một tín hiệu thị giác không đổi, não ghi nhận liên tục trong quá trình chuyển động thực. Điều này giải thích tại sao khi dùng VR hay dẫn tới chóng mặt.

Nếu người dùng là người hay say tàu xe, say sóng hay say tàu thuyền thì cũng có nguy cơ mắc chứng say “thực tế ảo”.

Nếu ai đó bị nhược thị (chứng thị lực hai mắt không bằng nhau) hoặc mắt bị lác hoặc một vài bệnh lý khác sẽ dẫn tới mất khả năng hội tụ và nhận cảm chiều sâu, không thể có cảm nhận 3 chiều, sẽ không thể trải nghiệm hiệu ứng 3D hay dùng công nghệ VR. Điều này không có nghĩa là rối loạn thị giác đó gây ra bởi công nghệ VR.

Tuy nhiên, trẻ em hay người lớn có những rối loạn trên sẽ hay bị đau đầu, mỏi mắt khi dùng bộ VR.

BS HOÀNG CƯƠNG (Bệnh viện Mắt trung ương)

MẠNH KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên