Ông lớn Google cũng sẽ tham gia biểu tình - Ảnh: Reuters
BBC dẫn lời nhóm tổ chức cho biết hơn 80.000 trang web và nhà cung cấp dịch vụ bao gồm các ông lớn như Google, Amazon, Facebook, Twitter, Netflix... đồng ý tham gia cuộc biểu tình.
Theo đó, các trang này sẽ giảm tốc độ truy cập để mô phỏng hậu quả của việc hủy bỏ Luật trung lập Internet cùng với thông báo "Các nhà mạng muốn hủy bỏ Luật trung lập Internet để giảm tốc độ truy cập và ép chúng tôi trả tiền để đến với các bạn."
Ngoài ra, trên các trang mạng sẽ xuất hiện quảng cáo kêu gọi người dân gửi ý kiến của mình về FCC.
Mozilla Foundation, công ty phát triển trình duyệt Firefox, cho biết họ đã nhận được 40.000 bình luận từ người dùng tại Mỹ hưởng ứng chiến dịch.
"Vấn đề của tranh cãi là mọi người từ các công ty ở cả hai phía đều khư khư quan điểm của mình nhưng chúng tôi muốn cho thấy điều này thực sự ảnh hưởng đến mọi người" - BBC dẫn lời phó chủ tịch Ashley Boyd của Mozilla Foundation nói.
Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Mỹ, Ajit Pai - Ảnh: Reuters
Luật trung lập Internet được áp dụng từ năm 2015 dưới chính phủ của cựu Tổng thống Obama sau nhiều chiến dịch vận động của các nhà hoạt động và công ty công nghệ, các nhà mạng như Comcast và Verizon đòi không được phân biệt đối xử với nội dung chạy trên hệ thống của họ.
Cụ thể, quy định không cho phép các nhà mạng tăng giảm tốc độ của trang khi được trả tiền, ưu ái nội dung, quảng cáo của công ty mình hay làm giảm tốc độ truy cập nội dung của đối thủ cạnh tranh.
Nhóm người ủng hộ cho rằng đạo luật đảm bảo sự công bằng và các nhà cung cấp mạng không uy hiếp bên cung cấp nội dung.
"Các nhà cung cấp dịch vụ Internet có thể tạo các đường truyền siêu nhanh cho những nhà cung cấp nội dung sẵn sàng chi nhiều tiền hơn" - lãnh đạo trang phim người lớn Pornhub Corey Price nói.
Ngược lại, những người không đồng tình lại cho rằng Luật trung lập Internet đã lỗi thời và không tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, đổi mới.
FCC đề xuất xóa bỏ đạo luật vào tháng 5-2017 vừa qua và dự kiến tham vấn với người dân đến hết tháng 8-2017, theo BBC.
Chủ tịch FCC Ajit Pai nói rằng ông lo ngại đạo luật sẽ khiến các nhà mạng không đầu tư cơ sở hạ tầng như cung cấp mạng Internet cho người có thu nhập thấp hay các vùng nông thôn vì không thu lại lợi nhuận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận