Quy trình cho phép người dùng đăng tin rao vặt lên Chợ Tốt quá dễ dãi, tạo kẽ hở cho kẻ xấu lợi dụng - Ảnh: Đ.Thiện |
Bạn đọc Duy Linh phản ảnh với chúng tôi: “Có ai đó đã sử dụng số điện thoại của tôi để đăng tin bán chó lên Chợ Tốt (ứng dụng dạng rao vặt, buôn bán trên điện thoại di động - PV) làm người ta gọi tôi liên tục, có ngày tôi nhận cả 500 cuộc điện thoại!”.
Điện thoại bị “khủng bố”
Hậu quả là nạn nhân bị căng thẳng thần kinh, mệt mỏi vì phải liên tục trả lời hàng trăm cuộc gọi/ngày hỏi mua chó. Duy Linh cho biết “đã báo cáo trên mạng là tin vi phạm nhưng vẫn chưa có kết quả”, và hiện tại anh vẫn điên đầu bởi những cuộc gọi đến như “khủng bố” tinh thần.
Tuổi Trẻ đã liên lạc với Chợ Tốt nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được hồi âm từ công ty này. Chúng tôi cũng đã nhiều lần gọi đến số điện thoại chăm sóc khách hàng của Chợ Tốt nhưng đều nhận được thông báo “tất cả các điện thoại viên đều bận, xin chờ trong giây lát”.
Mặt khác, chúng tôi cũng đã thử đăng một tin rao vặt trên Chợ Tốt và sử dụng số điện thoại không phải của mình. Kết quả cho thấy việc đăng tin quá dễ dàng, Chợ Tốt không hề có thao tác kiểm tra thông tin người đăng, không cần tin nhắn xác nhận, không cần có tài khoản.
Đây chính là kẽ hở cho phép kẻ xấu lợi dụng thông tin cá nhân của người khác. Đó có thể là số điện thoại di động, địa chỉ nhà của người dùng được lấy để đăng các thông tin với ý đồ gây ảnh hưởng xấu đến người dùng.
Chẳng hạn rao bán nhà với giá rẻ mạt, rao bán đồ vật quý với giá như cho không, khiến chủ nhân số điện thoại bị đăng thông tin "lãnh đủ" các trận bão “khủng bố” như trường hợp của bạn đọc Duy Linh nêu trên.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, ngoài Chợ Tốt, nhiều ứng dụng, trang mạng khác đăng thông tin buôn bán, rao vặt trên điện thoại di động cũng không hề có bước xác thực thông tin người đăng tin.
Việc đăng tin quảng cáo, rao vặt trở nên quá dễ dàng đến độ người dùng muốn đưa thông tin của bất kỳ ai lên cũng được. Đại diện một công ty thương mại điện tử tiết lộ: “Làm như thế để không làm khó khách hàng khi đăng tin, vậy mới thu hút nhiều người dùng sử dụng trang của mình” (!?).
Chợ Tốt thiếu trách nhiệm
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, trong trường hợp nêu trên, người đăng tin đã vi phạm pháp luật bởi hành vi giả mạo thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để tham gia hoạt động thương mại điện tử là một trong những hành vi bị cấm.
Cá nhân có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đến 30 triệu đồng. Người vi phạm còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn.
Luật cũng quy định đối với thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử - cụ thể ở đây là Chợ Tốt - phải có trách nhiệm yêu cầu thương nhân, tổ chức, cá nhân là người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin theo quy định khi đăng ký sử dụng dịch vụ.
Bên cạnh đó cũng phải có cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử được thực hiện chính xác, đầy đủ; đồng thời phải có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ảnh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Do đó nếu thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch điện tử không tiến hành kiểm tra, cập nhật, điều chỉnh, hủy bỏ thông tin cá nhân khi có yêu cầu của chủ thể thông tin thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đến 20 triệu đồng.
Nên có ý thức bảo vệ thông tin cá nhân Theo khuyến cáo của các chuyên gia an ninh mạng, trong trường hợp người dùng phát hiện thông tin của mình đang bị người khác lợi dụng vào các hoạt động xấu hoặc các hành vi vi phạm pháp luật trên Internet, trước tiên nên chủ động liên hệ với nơi cung cấp dịch vụ hoặc đơn vị quản lý, vận hành (ứng dụng, dịch vụ, diễn đàn...) đề nghị kiểm tra và có biện pháp xử lý thỏa đáng (gỡ bỏ, đính chính...). Trong môi trường Internet, thông tin cá nhân của người dùng rất dễ bị lợi dụng vào các hành vi xấu, vì vậy mỗi cá nhân phải có ý thức bảo vệ thông tin của chính mình (hình ảnh, số điện thoại, địa chỉ nhà, email, tài khoản mạng xã hội...). Việc dễ dàng cung cấp, công khai thông tin cá nhân khi tham gia các hoạt động trên Internet rất dễ dẫn đến nguy cơ bị lộ thông tin và bị lợi dụng vào các hoạt động lừa đảo, xâm phạm nhân phẩm, thậm chí vi phạm pháp luật. |
Bị quấy rối bởi hàng trăm cuộc gọi, tin nhắn Hơn ba năm qua kể từ khi số điện thoại bị đưa lên trang V, tôi vẫn còn nguyên cảm giác bức xúc, mệt mỏi và bất lực vì phải nhận hàng trăm cuộc gọi và tin nhắn mỗi ngày từ những số máy lạ rủ đi khách sạn, nhà nghỉ… qua đêm. Tin nhắn lạ đầu tiên gửi vào máy của tôi là vào ngày 19-11-2011. Đọc tin nhắn này tôi nghĩ ai đó nhắn tin cho người yêu nhưng nhầm vào máy của tôi. Nhưng chỉ sau nửa ngày, tôi biết ngay không có sự nhầm lẫn nào cả, mà ai đó đã đưa số điện thoại của tôi lên mạng. Những ngày tiếp theo, số tin nhắn và cuộc gọi không quen biết cứ tăng dần, có ngày lên đến khoảng 200 tin nhắn và cuộc gọi. Có những tin nhắn, cuộc gọi với nội dung thô tục, bậy bạ đến mức làm tôi muốn phát điên. Đặc biệt, các số máy lạ chỉ gọi, nhắn tin trong giờ làm việc khiến công việc của tôi bị đảo lộn, rối tung. Trong khi nghề nghiệp đặc thù của tôi không cho phép khóa máy vì cơ sở và cơ quan không thể liên lạc làm việc được với tôi. Lúc đầu tôi không biết số điện thoại của mình bị đưa lên mạng nào, và không biết làm sao để chặn những tin nhắn, cuộc gọi này. Cho đến mười ngày sau, tôi nhận được tin nhắn của một người có lời lẽ lịch sự, đàng hoàng mời tôi đi uống cà phê làm quen. Qua người này tôi mới biết số điện thoại của mình bị đưa lên trang V. Khi vào trang V tìm tên “Hà Đàm” ra đọc, tôi bị sốc và hiểu ngay rằng nghề nghiệp của mình đã đụng chạm đến lợi ích của cá nhân, đơn vị nào đó, và họ đã trả thù bằng cách lập hồ sơ “Hà Đàm” và đưa số điện thoại của tôi lên đó. Người lập hồ sơ “Hà Đàm” đã “vẽ” chân dung tôi là một công nhân nữ trẻ tuổi, có chiều cao, cân nặng khá chuẩn, có một con, ly dị chồng và mục tiêu sống là “thỏa mãn danh - lợi - thú”, giờ rảnh thì “thích đi cà phê, massage, khách sạn”... Do điện thoại của tôi lưu gần 1.500 số điện thoại, và mỗi lần đổi số là một lần khó khăn cho công việc, dễ mất mối quan hệ với cơ sở nên tôi đã báo lãnh đạo cơ quan và làm đơn gửi cơ quan chức năng nhờ hỗ trợ gỡ bỏ thông tin. Cơ quan chức năng cũng mời tôi đến ghi nhận vụ việc và gửi email đến quản trị viên của trang V đề nghị gỡ bỏ thông tin nói trên. Nhưng chúng tôi đã không nhận được phản hồi và thông tin không được gỡ bỏ, do máy chủ đặt ở nước ngoài. Tôi lại đến Trung tâm thông tin di động MobiFone đề nghị hỗ trợ thì nhân viên ở đây đề nghị tôi cho biết số điện thoại nào quấy rối để chặn lại. Nhưng làm sao tôi biết số điện thoại nào sẽ tiếp tục gọi và nhắn tin để mà báo cho chặn? Cố chịu đựng việc bị quấy rối với hàng trăm cuộc gọi và tin nhắn mỗi ngày được khoảng hai tháng thì tôi hết chịu nổi. Quá mệt mỏi, cuối cùng tôi chấp nhận bỏ số điện thoại và phải mất rất nhiều thời gian nhắn tin, email thông báo cho hàng ngàn người về việc đổi số mới. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận