Cuộc chiến pháp lý giữa hai ông lớn ngành công nghệ, Apple và Samsung, lại tiếp diễn - Ảnh minh họa: Macworld |
Diễn biến mới nhất của loạt tranh chấp pháp lý kéo dài nhiều năm qua giữa Apple và Samsung, tòa án liên bang của quận Bắc California (Mỹ), dưới sự chủ trì của thẩm phán Lucy Koh (cũng là thẩm phán đã thụ lý và phân xử các vụ kiện giữa hai công ty suốt nhiều năm qua) đã ra lệnh cấm đối với một số mẫu điện thoại thông minh đời cũ của Samsung, vì lý do chúng đã vi phạm ba bằng phát minh thuộc sở hữu của Apple, vốn bao gồm các tính năng như “trượt để mở khóa” (slide to unlock) và “tự động sửa chữ” (auto word correction).
Theo cáo trạng, số hiệu và tên của các thiết bị này bao gồm các mẫu thiết bị Galaxy Note, Galaxy Note II, Galaxy S II, Galaxy S II Epic 4G Touch, Galayx S II Skyrocket, Galaxy S III, Stratosphere, Admire và Galaxy Nexus - đều thuộc các sản phẩm đời cũ của hãng điện tử Hàn Quốc.
Facebook, Google, Dell, HP bắt tay Samsung “chống” Apple
Ảnh minh họa: CNN |
Trong một diễn biến có liên quan, nhiều hãng công nghệ lớn như Facebook, Google, Dell, HP cùng năm công ty khác đã cùng nhau gửi một biên bản soạn chung đến Tòa án tối cao Hoa Kỳ nhằm ủng hộ Samsung trong cuộc chiến pháp lý giữa công ty này với Apple.
Theo biên bản, các công ty này cho rằng Samsung không nên bị buộc phải trả những khoản phí “khổng lồ” cho Apple, cho dù họ có vi phạm một vài chi tiết thiết kế của Apple chăng nữa.
Tháng 12-2015, Samsung đã kháng án trước Tòa án tối cao Hoa Kỳ để mong được xem xét lại phán quyết có từ tận năm 2011, khi Apple đâm đơn kiện Samsung vì đã “ăn cắp” thiết kế phần cứng lẫn phần mềm của iPhone.
“Không ai được phép sở hữu hình chữ nhật, góc bo tròn, màu đen hay khái niệm các biểu tượng ứng dụng xếp theo dạng lưới…” - Samsung viết trong biên bản khiếu nại gửi lên Tòa án tối cao Hoa Kỳ.
Ngoài ra, theo CNN, đã có 37 chuyên gia về sở hữu trí tuệ, một nhóm các công ty thương mại lẫn các giảng viên đại học lên tiếng ủng hộ Samsung trong vụ việc.
Kể từ năm 2014, Apple và Samsung đã đồng ý từ bỏ mọi tranh chấp pháp lý ở bên ngoài lãnh thổ Mỹ, song vẫn tiếp tục kiện tụng nhau bên trong quốc gia này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận