24/02/2019 15:30 GMT+7

Nhịp đập yêu thương vì người bệnh

KIM ANH
KIM ANH

TTO - Tối nay (24-2), Thành đoàn TP.HCM sẽ vinh danh 37 thầy thuốc trẻ tiêu biểu nhận Giải thưởng Phạm Ngọc Thạch lần 6-2019.

Nhịp đập yêu thương vì người bệnh - Ảnh 1.

Từ trái qua: Bác sĩ Trần Thị Mai Linh, Phạm Quang Thông, Nguyễn Hữu Tuấn, Lê Thành Khánh Phong - Ảnh: K.ANH

Trong đó, Đoàn Bệnh viện Chợ Rẫy là tập thể có nhiều thầy thuốc trẻ được tuyên dương dịp này với bốn điển hình.

Thôi thúc nghiên cứu vì người bệnh

Trong bốn bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy được tuyên dương, duy nhất có nữ bác sĩ hiếm hoi của khoa ngoại thần kinh Trần Thị Mai Linh (bí thư Đoàn bệnh viện).

Đặc thù của khoa Linh đang công tác là các ca mổ não nên bác sĩ luôn trong tình trạng "căng như dây đàn". Tuy lịch trực, mổ cũng như các bác sĩ nam nhưng Linh vẫn dành thời gian để học tiếp và tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa I.

Ngoài đề tài khoa học "Các yếu tố liên quan đến kết quả phẫu thuật u nguyên bào mạch máu ở hố sau: kinh nghiệm 10 năm điều trị" được đăng trên tạp chí Y Học, Linh còn tham gia nghiên cứu để ứng dụng điều trị phẫu thuật đầu nước bằng phương pháp chuyển lưu dịch não tủy thất vào tâm nhĩ.

Nghĩa là dẫn cho dịch não đi vào tim rồi cơ thể người bệnh tự đào thải ra ngoài - một phương pháp mang đến hi vọng cuối cùng để cứu người bệnh đầu nước (não úng thủy).

"Có nhiều cách để xử trí cho những bệnh nhân đầu nước nhưng đây là phương pháp mới tại Việt Nam, chưa có nghiên cứu nào trước đây. Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học cho ứng dụng thực tiễn trong điều trị các bệnh lý sọ não" - bác sĩ Linh cho biết.

Với thạc sĩ, bác sĩ Phạm Quang Thông (khoa giải phẫu bệnh), anh quan tâm thực hiện đề tài "Đột biến gen EGFR trên bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy" và đề tài "Đặc điểm giải phẫu bệnh của u trung thất".

Từ kết quả có được, Thông đã giúp việc đánh giá tình trạng đột biết gen EGFR ở bệnh nhân và có hướng điều trị ung thư phổi hiệu quả nhờ sử dụng các thuốc ức chế Tyrosine kinase. Đồng thời, nghiên cứu còn giúp các bác sĩ điều trị biết thêm thông tin về những dạng bệnh lý khó như u trung thất để có phác đồ điều trị tốt hơn cho người bệnh.

Chọn đề tài "Khảo sát giá trị tiên đoán xuất huyết của xét nghiệm ROTEM trên bệnh nhân xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch tại Bệnh viện Chợ Rẫy", bác sĩ Nguyễn Hữu Tuấn (khoa huyết học) nhấn mạnh nhờ nghiên cứu này mà bác sĩ tiên đoán được nguy cơ xuất huyết, có hướng điều trị, giảm số lần truyền tiểu cầu, giúp giảm chi phí cho bệnh nhân.

"Tiểu cầu rất khó được hiến tặng, trong khi mỗi khối tiểu cầu trị giá khoảng 3 triệu đồng. Phương pháp xét nghiệm trên sẽ giúp bác sĩ loại đi những trường hợp không phải truyền tiểu cầu hằng ngày, tiết kiệm chi phí cho người bệnh" - bác sĩ Tuấn cho hay.

Hết giờ tan ca, vào giờ tình nguyện

Ngoài giờ trực ca kíp, lên lịch mổ, Linh dành thời gian cho các hoạt động tình nguyện do Đoàn bệnh viện tổ chức trong vai trò thủ lĩnh thanh niên. Khi xuôi về vùng sâu các tỉnh miền Tây, lúc lại đến với bà con miền núi xa xôi hay sang nước bạn Lào để chăm sóc sức khỏe người dân.

"Những nơi chúng tôi đến, người dân rất cần bác sĩ trang bị kiến thức phòng chống bệnh chứ không chỉ là chữa những cơn đau mà họ đang gánh chịu" - nữ bác sĩ kể.

Có con nhỏ nên bác sĩ chuyên khoa I Lê Thành Khánh Phong (khoa gây mê phẫu thuật tim) lại càng phải sắp xếp thời gian một cách khoa học hơn để trọn vẹn mọi việc. Nhiều hôm phải chuẩn bị sẵn hành lý, vừa giao ca xong anh "lên đường" cùng đồng nghiệp ngay. "Những chuyến đi thiện nguyện luôn để lại trong lòng chúng tôi nhiều kỷ niệm và cả sự đau đáu, trăn trở" - bác sĩ Phong bộc bạch

Vừa trở về sau nửa năm đi học, chuyển giao kỹ thuật gây mê tại Hàn Quốc, anh đã tham gia nhiều ca gây mê phẫu thuật tim cho trẻ em. Làm sao để gây mê cho bệnh nhân đạt được các chỉ số phù hợp với thời gian của ca mổ... đòi hỏi người bác sĩ phải tính toán từng li, độ chính xác cao.

Ngoài ra, anh còn thực hiện đề tài nghiên cứu và đưa ra nhận xét về gây mê hồi sức với những trường hợp người sống hiến gan tại Bệnh viện Chợ Rẫy, qua đó giúp nhân viên y tế có cái nhìn toàn diện và đánh giá chính xác, còn người hiến sẽ ít ảnh hưởng sức khỏe, đảm bảo cuộc sống tốt hơn.

Nâng cao chuyên môn, rèn y đức

Bác sĩ Trần Thị Mai Linh, bí thư Đoàn Bệnh viện Chợ Rẫy, thông tin: "Chúng tôi luôn vận động các thầy thuốc trẻ nâng cao chuyên môn, rèn luyện y đức và tích cực tham gia hoạt động tình nguyện; gương mẫu, nghiêm túc thực hiện các quy định do bệnh viện đề ra, nhất là chương trình "3 không" (không thờ ơ, không từ chối, không nặng lời), "3 yêu cầu" (xin phép, xin lỗi, xin cảm ơn), "3 công đoạn" (đón tiếp niềm nở, điều trị tận tình, dặn dò chu đáo) với mục tiêu là "làm hài lòng bệnh nhân".

Anh Nguyễn Thanh Hải, trưởng Ban công nhân lao động Thành đoàn TP.HCM, đánh giá Đoàn Bệnh viện Chợ Rẫy là đơn vị xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên công nhân TP suốt thời gian dài, nhiều điển hình tiêu biểu trong sáng tạo, nghiên cứu khoa học, được giới thiệu tuyên dương các cấp.

Người thầy thuốc "sẽ được người Cơ Tu nhắc đến mãi mãi"

TTO - 37 năm làm thầy thuốc ở lưng rừng đỉnh núi, bác sĩ Thông thạo tiếng Cơ Tu như người bản địa sau một thời gian đi qua hết các bản làng khám bệnh.

KIM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên