20/08/2011 04:11 GMT+7

Nhịp cầu nào cho thế kỷ sau?

HÀ MI - NGÔ THIÊN PHÚC
HÀ MI - NGÔ THIÊN PHÚC

TT - Ông Võ Hồng Châu (84 tuổi, xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa), người từng gắn bó tuổi thơ và lớn lên bên cầu Ghềnh, tâm sự: “Thời xưa cầu Ghềnh làm ra chủ yếu phục vụ đường sắt, một ngày thỉnh thoảng mới có xe hơi qua lại. Người Pháp đã định xây một cây cầu đường bộ ở vị trí cầu Hóa An ngày nay, nhưng do lòng sông rộng, rất khó thực hiện nên người ta mở một con đường chạy dọc bờ sông từ quốc lộ 1 ra cầu Ghềnh. Dù thời gian có trôi đi thì cây cầu sắt ấy đã gắn bó biết bao nhiêu thế hệ, tôi chỉ mong sớm có những cây cầu đường bộ bắc qua cù lao được xây dựng...”.

Kỳ 1: Kỳ 2:

piMKmOSC.jpgPhóng to
Cầu Ghềnh của những năm đầu thế kỷ 20 - Ảnh tư liệu

Kẹt đường...

Tháng 6-2011, Cục Đường sắt Việt Nam đã đề xuất với tỉnh Đồng Nai hai phương án tách cầu: một, xây dựng hai cầu đường bộ nằm song song với cầu Rạch Cát và cầu Ghềnh hiện nay; hai, sẽ xây một cầu đường bộ về phía thượng nguồn cầu Ghềnh thuộc nội ô trung tâm TP Biên Hòa, P.Bửu Hòa. Tỉnh Đồng Nai cho rằng cả hai phương án Cục Đường sắt đưa ra không phù hợp với quy hoạch phát triển của địa phương. Sau đó, phương án xây dựng một cầu đường bộ nằm cách cầu Ghềnh khoảng 900m về phía hạ nguồn đã được đại diện Cục Đường sắt VN và lãnh đạo tỉnh Đồng Nai thống nhất lựa chọn. Dự kiến dự án sẽ được triển khai vào năm 2012.

Ông Châu bảo đó không chỉ là mong ước của ông mà của bao người dân qua lại xứ cù lao này. Chắc hẳn hơn trăm năm trước, khi thiết kế cầu Ghềnh, cầu Rạch Cát người ta khó hình dung trăm năm sau nó vẫn hiện hữu giữa khung cảnh, ngựa xe, đường sá... đều thay đổi.

Bởi hôm nay, mỗi buổi sáng chiều qua lại trên cầu Ghềnh, cầu Rạch Cát nhiều lúc người ta dừng lại chờ nhau. Và chuyện kẹt xe, cãi cọ khi xe đối đầu cũng xảy ra như cơm bữa. Sự gia tăng dân số, xe cộ đã trở nên quá tải và sự cố tàu lửa tông ôtô trên cầu Ghềnh xảy ra vào tối 6-2 làm hai người chết, 24 người bị thương. Khi đó nhiều người đã giật mình nhìn lại những chiếc cầu có đường bộ chung với đường sắt đầy rủi ro rình rập.

Nhưng nỗi lo ấy vẫn chưa nguôi khi những cây cầu mới hơn, chắc chắn hơn, thông thoáng hơn cho một tầm nhìn xuyên thế kỷ vẫn chưa ra đời trên vùng đất cù lao để nối nhịp và vực dậy cả vùng này.

Ai đó một lần vào TP Biên Hòa ngang qua cầu Hóa An, cầu Ghềnh, cầu Rạch Cát đã mang cảm giác ngột ngạt vì lượng người lưu thông đông đúc khi xe quá tải, kẹt cầu. Bốn năm trước, Đồng Nai lường trước sự quá tải nên đã duyệt quy hoạch ba cây cầu lớn nối cù lao Hiệp Hòa với các phường Thống Nhất, Tam Hiệp, An Bình (TP Biên Hòa) nhằm tránh ùn tắc giao thông, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được vì thiếu vốn đầu tư.

Với ông Đỗ Bá Nghiệp, nguyên giám đốc Bảo tàng tỉnh Đồng Nai, cầu Ghềnh không chỉ là nơi lưu lại một hình ảnh cổ kính hơn trăm năm tuổi gắn liền với con người và mảnh đất Biên Hòa, mà nó còn cho biết lịch sử một quá trình dân di cư vào vùng đất này đầu thế kỷ 20. Đó là những người thợ, phu cầu từ miền Trung vào làm cầu rồi ở lại lập nghiệp sinh con đẻ cái cho đến ngày hôm nay không về quê. Nhà nghiên cứu Nguyễn Yên Tri kết thúc câu chuyện bằng một đánh giá: “Cầu Ghềnh ra đời có một ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thông thương, phát triển vào đầu thế kỷ 20, đặc biệt là vùng đất cù lao Phố. Tuy nhiên, sứ mệnh cầu Ghềnh đã không còn phù hợp với tình hình hiện nay, dù gì cũng nên sớm tách nó ra”.

Q2t4zvuC.jpgPhóng to
Và cầu Ghềnh của đông đúc, chật chội bây giờ - Ảnh: Ngô Thiên Phúc

Bản vẽ nào cho tương lai?

Nhắc đến tâm tư của người dân cù lao khi qua lại cầu Ghềnh và cầu Rạch Cát, ông Hồ Văn Lộc - chánh văn phòng UBND TP Biên Hòa, tâm sự: “Biết dân rất trăn trở nên trong khi chờ ba dự án cầu lớn, thành phố đã xin bổ sung quy hoạch và đang xây dựng một cây cầu ở vùng hạ lưu cầu Rạch Cát hiện hữu”. Ông Lộc cho hay cầu này có chiều dài 125m, rộng 15m với vốn đầu tư gần 89 tỉ đồng sẽ hoàn thành trong năm 2011. Khi cây cầu này ra đời sẽ giải quyết một phần ùn tắc giao thông giữa các phường nội ô TP Biên Hòa và cù lao Hiệp Hòa, nhưng chưa thể giải quyết được ùn tắc ở phía cầu Ghềnh và các phường ven sông Đồng Nai như Tân Vạn, Bửu Hòa, Hóa An.

Sau vụ tai nạn thương tâm trên cầu Ghềnh vào tháng 2-2011, tháng 3-2011 Chủ tịch UBND TP Biên Hòa Nguyễn Phú Cường đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai đầu tư cầu vượt sông Đồng Nai để tách giao thông đường sắt chung với đường bộ qua cầu Ghềnh và cầu Rạch Cát. Theo đó, thành phố đề xuất xây cầu dài 550m nằm về phía hạ lưu (cách cầu Ghềnh 930m) với kinh phí dự kiến 627 tỉ đồng. Ông Cường cho hay nếu cầu này được xây dựng sẽ kết nối giao thông từ phía các P.Tân Vạn, Bửu Hòa, Hóa An đến cù lao Hiệp Hòa rồi lưu thông qua cầu đang xây dựng để vào trung tâm thành phố. Khi đó các phương tiện từ TP Biên Hòa đi TP.HCM sẽ theo tuyến cầu này ra ngã ba Tân Vạn, giảm tối đa lượng xe tập trung ở các tuyến đường nội ô như đường Phạm Văn Thuận, vòng xoay Tam Hiệp, vòng xoay ngã ba Vũng Tàu. Cây cầu dài 550m nếu được ra đời sẽ tách hoàn toàn luồng giao thông đường sắt - đường bộ chung qua cầu Ghềnh và cầu Rạch Cát, tránh được tai nạn giao thông.

***

Tất cả ý tưởng và giải pháp đều đã có nhưng mọi thứ tiến chậm rì, trong khi cầu Ghềnh với dấu tích trăm năm giờ vẫn đang quá tải và con người phải chen chúc giữa hai đầu cầu. Người ta trông chờ con người hiện đại hôm nay sẽ đưa ra được thiết kế cho xứ sở Biên Hòa, Đồng Nai này những cây cầu kết nối với tương lai trong nhiều trăm năm nữa. Ở đó, thế hệ con cháu có thể thong thả qua lại với tâm thế nhẹ nhàng và niềm tự hào về tầm nhìn thế kỷ của cha ông ngày xưa...

Đón đọc số tới:

Sau lưng những thành phố thợ

Những khu công nghiệp, khu chế xuất, 20 năm qua đã biến những vùng đất nông nghiệp thành những khu đô thị phát triển và những “thành phố thợ”. Phía sau những thành phố thợ, chân dung người công nhân hiện tại thế nào?

HÀ MI - NGÔ THIÊN PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên