Các học viên tập chèo thuyền thúng trên sông ở - Ảnh do ICISE cung cấp
Hằng năm, Trung tâm quốc tế và giáo dục liên ngành Quy Nhơn (ICISE) tổ chức nhiều hội thảo khoa học đỉnh cao về lĩnh vực vật lý thu hút nhiều nhà khoa học danh tiếng trên thế giới, tạo ra nhiều cơ hội gặp gỡ giữa những nhà khoa học.
Nhưng lần đầu tiên, Trường học Á - Âu - Thái Bình Dương đã được mở ra tại đây.
Trường học Á - Âu - Thái Bình Dương về vật lý năng lượng cao là chuỗi trường học được tổ chức hai năm một lần ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, do CERN (Tổ chức Nghiên cứu hạt nhân châu Âu) đảm nhiệm.
Lần đầu tiên trường được tổ chức vào năm 2012 ở Fukuoka (Nhật Bản), năm 2014 ở Puri (Ấn Độ), năm 2016 ở Bắc Kinh (Trung Quốc) và năm 2018 tại Quy Nhơn (Việt Nam) với chất lượng chuyên môn đỉnh cao.
Chuỗi trường học ở Quy Nhơn (diễn ra từ ngày 12 đến 25-9 tại ICISE) được đánh giá lớn nhất và thành công nhất, thực sự là nhịp cầu cho những nhà khoa học trẻ trên thế giới, trong đó có nghiên cứu sinh Việt Nam.
Kết nối nhiều màu da
"Chọn Việt Nam để tổ chức trường học là một quá trình xem xét, cân nhắc rất kỹ của CERN. Nhờ sự kết nối, giới thiệu của GS Trần Thanh Vân về ICISE, chúng tôi nhận thấy nơi đây có đầy đủ điều kiện để tổ chức một trường học lớn" - ông Nick Ellis, chủ tịch hội đồng cố vấn khoa học của CERN, thành viên ban tổ chức lớp học, cho biết.
Việc tuyển chọn học viên được tổ chức trên toàn thế giới. Học viên được tuyển dựa trên trình độ chuyên môn, động lực, nguyện vọng, hướng nghiên cứu, khả năng ngôn ngữ, khả năng tương tác.
Ngoài năng lực chuyên môn, ban tổ chức lớp học đặc biệt chú ý đến học viên ở những quốc gia bị hạn chế cơ hội tiếp xúc về khoa học, thiệt thòi do thiên tai hoặc nạn phân biệt chủng tộc, giới tính...
Từ quan điểm đó, trường tuyển được 42% học viên nữ trên 117 học viên đến từ 28 quốc gia với nhiều màu da khác nhau, trong đó có 4 học viên Việt Nam.
Tham gia được lớp học này là cơ hội rất tốt cho các nhà vật lý, sinh viên và nghiên cứu sinh trẻ tìm hiểu về những tiến bộ mới nhất của vật lý năng lượng cao từ các nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới.
Học viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau, họ cùng làm việc, cùng chia sẻ ý tưởng khoa học, văn hóa tạo nên sự hợp tác cho tương lai.
"Trường học tạo nên một mô hình nhỏ trong sự hợp tác quốc tế lớn tại CERN, hoặc một trung tâm nghiên cứu nào đó trên thế giới. Sự kết nối này có thể theo các nhà khoa học suốt sự nghiệp nghiên cứu và làm việc của mình" - ông Nick Ellis cho biết.
Sau hai tuần tổ chức lớp học ở đây, tôi thấy thật tuyệt vời về quyết định đã chọn Việt Nam vì ở đây vừa đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất vừa đẹp và yên tĩnh. Chúng tôi nhận ra cộng đồng nghiên cứu khoa học ở Việt Nam có niềm đam mê mãnh liệt. Thật tiếc vì phải rời xa nơi này. Chắc chắn chúng tôi sẽ quay lại để hợp tác và giúp nơi này phát triển hơn.
Ông Nick Ellis
Nhận được nhiều hơn mong đợi
Chuỗi trường học gây hứng thú cho học viên nhờ lực lượng giảng viên có chất lượng, họ là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu ở các trung tâm nghiên cứu lớn trên thế giới.
Nhiều GS đang làm việc ở Thụy Sĩ, Pháp, Mỹ, Đức, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ... được CERN mời giảng dạy, trong đó có hai giảng viên người Mỹ gốc Việt có tầm ảnh hưởng là Trần Nhân (làm việc ở Trung tâm Fermilab, Trung tâm CERN) và Mathews Nguyen (làm việc ở Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp - CNRS).
Học viên có một buổi trao đổi trực tuyến với bà Fabiola Gianotti, tổng giám đốc CERN ở Thụy Sĩ. "Đây thực sự là một cơ hội tốt để học viên đặt câu hỏi" - ông Nick nói.
Ngoài việc nghe giảng, thảo luận nhóm, trao đổi với giảng viên, trường học còn tổ chức nhiều hoạt động dã ngoại như chèo thuyền, leo núi, khám phá văn hóa ẩm thực Việt Nam... tạo tinh thần thoải mái cho học viên giao lưu.
Tinh thần này diễn ra gần với tinh thần "Gặp gỡ Moriond" diễn ra năm 1966 ở dãy Alps nằm giữa Pháp và Ý do GS Trần Thanh Vân tổ chức. Các học viên vừa hội thảo, trao đổi khoa học vừa trượt tuyết và trở thành những người bạn.
Hầu hết trong số họ sau này đều nổi tiếng và đã có người đoạt giải thưởng Nobel vật lý. Sau hơn 50 năm, những người bạn này vẫn gắn kết với GS Vân, nhờ đó mà "Gặp gỡ Việt Nam" được thành lập và ICISE được xây dựng.
Các hoạt động tạo sự gần gũi, cởi mở để các học viên dễ dàng trao đổi và tương tác với giảng viên, với nhóm ngay trong cả lúc ăn, tắm biển, dã ngoại.
Chị Farina Vardag (học viên đến từ Pakistan) cho biết: "Cách tổ chức lớp học thật tuyệt vời. Các bạn trong trường học rất vui và hòa đồng. Chúng tôi đến đây với một điểm chung là yêu vật lý, không còn sự phân biệt quốc gia, chủng tộc hay màu da".
Chị Yifan (Trung Quốc) hứng khởi: "Chúng tôi được trò chuyện, làm việc, trao đổi khoa học với người xa lạ nhưng không hề thấy xa lạ. Chúng tôi kết bạn rất nhanh và có thật nhiều kỷ niệm".
Còn học viên Tamar (người Gruzia) nhận xét: "Mục đích chính của trường học là dạy kiến thức khoa học, nhưng chúng tôi đã nhận được nhiều hơn những gì chúng tôi mong đợi".
Mở ra một cầu nối
Giảng viên gốc Việt Trần Nhân hướng dẫn trao đổi nhóm - Ảnh: Trường Đăng
Điều rất quan trọng các học viên nhận được là tạo một cầu nối trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ.
"Chúng tôi hi vọng những người được đào tạo tại lớp học này sẽ kết nối với nhau mãi mãi và trở thành những người dẫn đầu cho việc nghiên cứu khoa học ở trong nước của họ trong tương lai" - ông Nick Ellis tâm sự.
Ông cho biết sinh viên Việt Nam muốn tham gia các trường học này hay học tập nghiên cứu tại CERN trước hết phải nỗ lực về chuyên môn, học tiếng Anh thật giỏi để tiếp cận những bài giảng của các chuyên gia đầu ngành, kết nối giữ liên lạc với họ và bày tỏ đam mê, nguyện vọng của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận