12/01/2018 08:28 GMT+7

Nhìn từ xã hội học, nam giới cũng là... phái yếu

GS.TS. HOÀNG BÁ THỊNH
GS.TS. HOÀNG BÁ THỊNH

TTO - 75% vị trí lãnh đạo, doanh nhân trong xã hội do nam giới giữ. Đây được xem là nghề nguy hiểm với sức khỏe, do nhiều trường hợp đột quỵ vì sức ép, căng thẳng của công việc, cạnh tranh trong bối cảnh "thương trường như chiến trường".

Nhìn từ xã hội học, nam giới cũng là... phái yếu - Ảnh 1.

Nhiều nghiên cứu cho thấy đàn ông là phái yếu - Ảnh: Daily Mail

GS.TS. Hoàng Bá Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Dân số, Môi trường và Các vấn đề xã hội, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Hà Nội) chia sẻ với Tuổi Trẻ Online bài viết này.

Hai thập kỷ qua, khi giảng môn Xã hội học về giới, tôi thường đưa ra nhận định "Nam giới là phái yếu". Mỗi lần đề cập đến điều này, thường cả lớp ồ lên và nghi ngờ. Chỉ khi được phân tích từ góc độ xã hội học, các em mới nhận ra điều tưởng như "vô lý" đó.

Trên Tuổi Trẻ Online có bài "Phát hiện chấn động: đàn ông mới là "phái yếu", đề cập đến một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc đại học Southern Denmark (Đan Mạch) thực hiện.

Phát hiện chấn động: đàn ông mới là

TTO - Mọi người thường nghĩ phụ nữ là phái yếu, nhưng một nghiên cứu mới đây cho thấy họ có sức sống mãnh liệt hơn trong các thảm họa.

Các nhà khoa học đại học Southern Denmark giải thích phụ nữ mạnh hơn nam giới từ nguyên nhân sinh học, khả năng được rèn luyện do thực hiện chức năng mang thai sinh nở, và một vài lý do xã hội của nam giới. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, nghiên cứu của các nhà khoa học này mới chứng minh được lý do vì sao nữ sống lâu/tuổi thọ cao hơn nam giới mà thội.

Tỉ lệ tự tử

Từ thế kỷ 19, nhà xã hội học nổi tiếng E. Durkheim, trong tác phẩm Tự tử: một nghiên cứu xã hội học đã phân tích cho thấy sự khác biệt giữa nam giới và phụ nữ về tỉ lệ tự tử. So sánh tỉ lệ tự tử của nam và nữ khi gặp các tình huống bất lợi trong cuộc sống (ly hôn, thất bại trong công việc) thì nam giới tự tử nhiều hơn nữ. 

Trong trường hợp độc thân, tỉ lệ tự tử của nam giới cũng cao gấp hơn 2 lần so với nữ. Điều này cho thấy một điều: trước những cú sốc của cuộc sống, khả năng chịu đựng của nam giới dường như yếu hơn của phụ nữ.

Phân công lao động theo giới

Nhìn từ phân công lao động theo giới, chúng ta thấy điều này cũng ảnh hưởng đến sự khác biệt về sức khỏe, tuổi thọ của nam và nữ. 

Việt Nam là nước nông nghiệp, vẫn quan niệm nam giới là phái mạnh, thường đảm nhận công to việc lớn, cụ thể trong sản xuất nông nghiệp là cày bừa, vốn được xem là nặng nhọc hơn cấy lúa, bón phân - là những việc của phụ nữ. 

Trên đồng cạn, dưới đồng sâu

Chồng cày, vợ cấy con trâu đi bừa (Ca dao). 

Quan niệm đời thường này không đúng với khoa học. Những năm 1990, các nhà khoa học Việt Nam đã thực hiện một nghiên cứu so sánh năng lượng tiêu hao của lao động nam và nữ trong nông nghiệp. Kết quả cho thấy: phụ nữ cấy lúa tiêu tốn năng lượng hơn nam giới đi cày, bừa. 

Nói về sự vất vả của người phụ nữ khi cấy lúa, nhà thơ Trần Đăng Khoa viết:

Những trưa tháng sáu 

Nước như ai nấu 

Chết cả cá cờ 

Cua ngoi lên bờ 

Mẹ em xuống cấy (Hạt gạo làng ta).

Trong xã hội công nghiệp, sự phân công lao động theo giới cho thấy nam giới thường làm những công việc nguy hiểm, độc hại đối với sức khỏe, còn phụ nữ thì ít hoặc không làm. Ví dụ, Bộ luật lao động của Việt Nam cấm sử dụng lao động nữ trong hơn 70 công việc độc hại, nguy hiểm đến sức khỏe sinh sản. 

Hơn nữa, 75% vị trí lãnh đạo trong xã hội do nam giới chiếm giữ, cũng khoảng 75% doanh nhân là nam giới. Mà lãnh đạo, quản lý được xem là một "nghề nguy hiểm" đối với sức khỏe. Nhiều trường hợp lãnh đạo đột quỵ vì sức ép, căng thẳng của công việc, của cạnh tranh trong bối cảnh "thương trường như chiến trường".

Thói quen, cách sống

Sẽ thiếu sót nếu không đề cập đến thói quen, cách sống của nam giới và phụ nữ. 

Nam giới lạm dụng rượu bia nhiều. Ở Việt Nam có văn hóa rượu "Đàn ông vô tửu như cờ vô phong" (mấy năm qua, trung bình mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 4 tỷ lít bia), lại thêm hút thuốc lá, thuốc lào. 

Sau mỗi chầu nhậu nhẹt, nam giới tham gia giao thông dễ gây tai nạn, thương tích. Nếu không say rượu bia, sự rủi ro cũng chẳng giảm mấy, vì đàn ông thường ưa thích tốc độ, mỗi khi lên xe là "mát tay ga" bất chấp hiểm nguy. 

Nghiên cứu cho thấy, nam giới chiếm đa số trường hợp tử vong, thương tích do tai nạn giao thông. 

Cũng do quan niệm nam tính, nam giới thường hung hăng, hiếu chiến, thích nói chuyện với nhau bằng tay, chân, thậm chí cả bằng "hàng nóng", trong khi nữ thường khẩu chiến, "diễn chèo".

Chúng ta cũng không nên bỏ qua những yếu tố chiến tranh, xung đột mà nam giới thường tham gia nhiều hơn, và với phụ nữ những rủi ro trong quá trình mang thai, sinh nở cũng đe dọa sức khỏe của người mẹ.

Tất cả những lý do trên chỉ có sức thuyết phục khi giải thích tuổi thọ trung bình của nữ cao hơn nam, và mức độ dẻo dai, bền bỉ cũng như khả năng chịu đựng hoàn cảnh của phụ nữ, chưa thật sự đủ chứng cứ để cho thấy nữ mạnh khỏe hơn nam về thể chất theo kiểu "ăn no, vác nặng".

GS.TS. Hoàng Bá Thịnh

Chúng ta vẫn chưa giải thích được vì sao trong thi đấu thể thao quốc tế, nhiều môn thi yêu cầu thấp đối với vận động viên nữ so với nam. Chẳng hạn như một vài môn trong thi điền kinh, cự ly của nam dài hơn nữ.

Đàn ông thường mật khẩu là

TTO - Một cuộc khảo sát mới đây đã cho thấy sự khác nhau trong cách mật khẩu giữa đàn ông và phụ nữ.

GS.TS. HOÀNG BÁ THỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên