LTS: Tham gia diễn đàn “Những kênh đối thoại” (xem TTCT từ số 15), các chuyên gia đưa ra thêm một góc nhìn: Trong các vụ án mạng liên quan đến giới trẻ, thái độ thiếu kiềm chế được xem như động cơ thúc đẩy tội ác. Từ bao giờ người ta quên mất rồi cơ chế đối thoại? Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần Nhìn tổng thể, các nghiên cứu nhóm tội phạm vị thành niên chỉ ra nhiều yếu tố chịu trách nhiệm, bị chi phối bởi bối cảnh xã hội, mối quan hệ trong gia đình... Tuy nhiên, vẫn còn ít hoặc chưa có nghiên cứu nào tìm hiểu động cơ phạm tội ở góc độ tâm lý. Khi gặp một con rắn trên đường, phản ứng tức thời để tự vệ, ta có thể nhảy lên, la hét và bỏ chạy để tránh càng xa càng tốt con rắn. Đó là quá trình mắt tiếp nhận các tín hiệu từ bên ngoài, đưa lên não và phân tích “con rắn” chính là mối đe dọa với cơ thể. Do đó não truyền đi một phản ứng tự vệ tức thời. Tuy nhiên khi có thời gian trấn tĩnh lại, não sẽ tiếp nhận thêm các thông tin để giúp người ta có một loạt lựa chọn hợp lý hơn như: đứng im để con rắn tự bỏ đi, hoặc tìm kiếm giải pháp khác an toàn hơn là la hét và bỏ chạy. Hành vi phản ứng giữa những con người khi xảy ra các va chạm cũng giống cách chúng ta thấy con rắn. Cơ chế tự vệ diễn ra khi người ta cảm thấy nguy hiểm. Vì vậy có thể nói khi người ta phản ứng tự vệ hoặc tìm cách tiêu diệt kẻ khác là lúc họ nhìn thấy dấu hiệu đe dọa đến sự an toàn của mình. Để giải quyết phải tìm ra một cơ chế để não nạp thêm dữ liệu nhằm làm cho đối tượng nhận diện rõ thêm tình hình, giảm đi phản ứng tức thời vì gán nhãn nguy hiểm cho người khác. Một trong những cơ chế đó chính là đối thoại - một công cụ đơn giản và khá dễ áp dụng trong cộng đồng có cùng ngôn ngữ. Mặc dù vậy, đối thoại không phải lúc nào cũng đem đến sự thấu hiểu giữa những người khác nhau. Sử dụng không đúng, đối thoại chỉ còn là hành vi phát ra âm thanh, nhưng mục tiêu chuyển tải thông tin nhằm đạt đến sự thấu hiểu không đạt được. Không diễn tả đúng điều mình muốn nói Khi người ta giận dữ, phản ứng của họ thường là tìm một yếu tố để trút giận. Giận cá chém thớt. Chính vì chém thớt nên con cá - nguyên nhân giận dữ - không được đề cập và nghiễm nhiên tồn tại trong con người ta. Ví dụ khi một đứa bé giận dữ, nó thường vùng vằng trước những dỗ dành của cha mẹ rằng “không thích”. Để tránh bực mình, nhiều cha mẹ thường chọn giải pháp lờ đi hoặc đáp ứng ngay điều trẻ thích. Việc bỏ qua chuyện tìm hiểu ngọn ngành lý do khiến trẻ nói “không thích” dần hình thành suy nghĩ: cứ nói không thích thì sẽ được người lớn chiều chuộng hơn. Nên khi người khác không hành động như trẻ kỳ vọng càng làm trẻ giận dữ hơn. Ở trường hợp ngược lại, những bậc phụ huynh hay đưa ra các lệnh cấm đối với con. Cấm chúng giao du với bạn xấu, cấm chúng không được vi phạm lỗi lầm mà quên đi việc giảng giải để trẻ hiểu được lý do thực tế khiến cha mẹ phải đưa ra những chỉ đạo đó. Biện pháp này chỉ đẩy trẻ vào việc nói dối để tiếp tục giải tỏa cơn tò mò của chúng. Do đó, các nhà tâm lý thường khuyên cha mẹ cần dành thêm một chút thời gian để đặt câu hỏi “Vì sao?”. Nếu con không trả lời được rõ ràng thì con không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào từ cha mẹ. Đó là quá trình tư duy buộc não phải suy nghĩ thêm những khía cạnh khác của tình huống. Trẻ cần phải giải thích rõ ràng để đạt được điều mình muốn. Gán nhãn Điều này phổ biến trong xã hội. Trông mặt mà bắt hình dong. Không chỉ với diện mạo bên ngoài. Người ta thường đưa ra nhiều ý kiến trái chiều trước một sự vật, hiện tượng, hay thấy nhất trong cuộc sống là khi người lớn nạt “Con nít biết gì mà nói”. Ta tự cho rằng con nít chưa đủ lớn nên thường bỏ qua mọi ý kiến của trẻ, dù đôi khi trẻ đang cần tìm một nơi để chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ. Sự gán nhãn vô căn cứ còn được diễn tả như: cha mẹ nhìn điểm số của con để nói con lười học, trong khi từ điểm số còn có thể phân tích từ năng lực truyền thụ của giáo viên đến tình trạng bệnh tật của trẻ. Chính sự khác biệt về nhãn quan do nhiều yếu tố như môi trường sống, sự giáo dục, năng lực tiếp nhận khiến những hành động phản ứng bột phát được diễn ra với những người khác nhau ở nhiều góc độ khác nhau mà bản thân ta nhiều khi thấy rất vô lý. Nhầm tưởng về bạo lực Tình huống này xảy ra khi trẻ thường xuyên phải rơi vào tình huống bị đối xử bằng bạo lực. Mặc dù phải viện đến đòn roi để dạy trẻ là ta đang thể hiện sự bất lực, nhưng nhiều cha mẹ vẫn chọn phương pháp đó khi trẻ mắc lỗi. Bạo lực là kết quả của việc người lớn không kiểm soát tốt cảm xúc của mình, đồng thời là nguyên nhân đẩy trẻ đến những lầm tưởng hành vi bạo lực. Nó sẽ nghĩ đó là cách để khiến người khác tuân phục và chấm dứt mọi hành vi làm phiền. Điều này dẫn đến hậu quả khi trẻ va chạm với người khác, nó sẽ chọn bạo lực để giải quyết kẻ đang được “gán nhãn” là làm phiền nó. Những nguyên nhân trên là những cơ chế tâm lý gây ảnh hưởng đến hoạt động đối thoại trong gia đình và xã hội. Khi đối thoại không đạt được sự thấu hiểu, trẻ càng bị đẩy gần vào hành vi phạm tội. Năm 2011, Tổ chức Paul Hamlyn Foundation công bố báo cáo User Voice: What’s your story? Young Offenders’ Insights into tackling youth crime and its causes nghiên cứu trên 500 tội phạm trẻ từ 15-24 tuổi. Vòng luẩn quẩn của những đứa trẻ phạm tội đều bắt nguồn từ đói nghèo và sự xa lánh của xã hội, gia đình. Đa số tội phạm lớn lên trong gia đình có cha mẹ phạm tội hoặc trong môi trường ghẻ lạnh, bạo lực. Quá trình đối thoại, chia sẻ bị bỏ ngỏ. Quy trình “gán nhãn” diễn ra xung quanh môi trường của thanh thiếu niên khi dè bỉu những người bạn thân của trẻ là thành phần bất hảo, đặt ra các “biển cấm” mà không giải thích cặn kẽ cho những cái đầu non nớt hiểu. Những tội phạm vị thành niên trong nghiên cứu là những người bị bỏ rơi trong chính gia đình mình. Câu chuyện đầu tiên “Không có cha” kể về một đứa trẻ bị bắt nạt vì khác biệt về ngoại hình. Điểm tựa của người mẹ hoàn toàn mờ nhạt khi bà chỉ hoàn thành vai trò tìm bác sĩ tâm lý điều trị cho con. Trong thẳm sâu của những tội phạm trẻ, họ ước muốn được thấu hiểu nhưng hoàn toàn bị bỏ mặc. Bất lực vì không thể chấm dứt bạo lực trong gia đình, Keith (South West) tìm đến rượu và ma túy. Keith không tìm được người để chia sẻ. “Nếu có ai hướng dẫn, chắc em đã không ở đây (trại cải tạo)” (tr.28). Các đối tượng khảo sát cùng thừa nhận sự kiểm soát và chăm sóc của gia đình, cả cha lẫn mẹ, là phương pháp hiệu quả để giúp tương lai của chúng tốt hơn. Theo báo cáo Tình hình tội phạm vị thành niên, thực trạng, nguyên nhân và các giải pháp, hằng năm có khoảng 10.000 vụ tội phạm hình sự do 15.000 vị thành niên gây ra. Sự gia tăng số lượng tội phạm trẻ cảnh báo về sự lỏng lẻo của các mối quan hệ trong xã hội Việt Nam. Hoàn cảnh của các tội phạm vị thành niên cho thấy nguyên nhân từ thiếu hụt sự quan tâm của gia đình, hơn hết là thiếu sự cảm thông giữa cha mẹ và con cái. Trong sự phát triển chưa toàn diện của giới trẻ, đã đến lúc phải nhìn nhận lại về vai trò của đối thoại, chia sẻ để ngăn chặn những nguy cơ phạm tội ở trẻ, trong đó sự dẫn dắt của người lớn, nhiệt thành tạo ra những kênh đối thoại để cùng hiểu nhau là biện pháp tốt nhất tạo nên cộng đồng lành mạnh, không chỉ trong gia đình mà còn lan tỏa ra toàn xã hội. ■ Tags: Tội phạm vị thành niên
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Quyền lực của tỉ phú Elon Musk lớn cỡ nào? DUY LINH 23/12/2024 Sự kết hợp giữa tỉ phú Elon Musk và Tổng thống đắc cử Donald Trump đang bắt đầu tạo ra những cơn sóng làm chao đảo chính trường Mỹ.
Xe buýt lao qua đường tông xe máy và xe đạp, hai người nhập viện MINH HÒA 23/12/2024 Sáng 23-12, xe buýt chạy trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh, TP.HCM) bất ngờ lao qua làn đường ngược lại tông xe máy và xe đạp.
Tin tức sáng 23-12: Thưởng Tết ở đâu cao nhất?; Mức sinh ở TP.HCM tăng nhẹ lên 1,4 con/phụ nữ TUỔI TRẺ ONLINE 23/12/2024 Tin tức đáng chú ý: Thưởng Tết ở đâu cao nhất?; Mức sinh ở TP.HCM dự báo tăng nhẹ lên 1,4 con/phụ nữ nhưng vẫn ở mức rất thấp...
Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông khả năng mạnh lên thành bão số 10 CHÍ TUỆ 23/12/2024 Dự báo trong ngày hôm nay (23-12), áp thấp nhiệt đới ở phía nam Biển Đông mạnh lên thành bão, cơn bão số 10 trong năm 2024.