22/12/2024 12:36 GMT+7

Nhìn những ngày xưa cũ

Tháng cuối năm, trời trở lạnh. Mùa đông làm nhịp sống thành phố bớt chút ồn ào, nhiều phần tĩnh mặc.

Nhìn những ngày xưa cũ - Ảnh 1.

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Những cơn gió rét thổi ngang thị thành làm ai nấy chợt muốn dậy trễ vài giây, đi chậm vài phút, kỳ kèo chút ấm áp sót lại. Phố vì thế cũng bớt phần náo nhiệt.

1. Tôi đứng trên ban công nhìn xuống đường phố, vươn vai trong nắng đầu mai, tham lam hít lấy thứ không khí chớm lạnh lúc chuyển mùa, chợt thấy chật ních trong buồng ngực là những ngày xưa tháng cũ.

Những ngày trời còn se sẽ lạnh, chưa mở mắt đã nghe tiếng mẹ gọi dậy đi học buổi sáng, nghe tiếng lao xao xào nấu trong bếp của ba, hay tiếng cuốc đất của ngoại để trồng luống rau đợi tết. Bước chân ra vườn theo tiếng lao động ấy, thấy đàn gà đang cục cục dẫn đàn con kiếm ăn sớm. Con gà trống có màu lông đỏ tía, đập cánh gáy to như phá khoảng không u tĩnh...

Phút chốc, tôi thu tay định thần, nhìn xuống phố đông. Trong một sáng chớm lạnh giữa lòng thị thành, tôi bỗng thấy bâng khuâng như nghe lại tiếng gà vọng từ quá khứ...

2. Đó là tiếng gà nơi chái nhà nhỏ. Nơi có ngoại, có ba mẹ, và những lần vò đầu vì môn tập làm văn. Những ngôi nhà ở vùng nông thôn đậm chất Trung Bộ đa phần đều có mảnh vườn, nuôi vài con gà, hai ba con chó. Những năm tiểu học của tôi trôi qua nhiều màu sắc bên trang sách giáo khoa và kỷ niệm về gia đình.

Là những lần trộm xem bài giải phía sau cuốn Toán đố lớp 5 bị ba bắt gặp rồi rầy la. Là hôm viết tập làm văn phải lén lút ôm chú gà trống ngồi trên bàn để quan sát suốt đêm khi đề là "miêu tả con gà trống".

Chú gà trống ngày ấy được mẹ nuôi từ lúc mới nở khỏi trứng. Có ai nghĩ con gà luôn kiêu căng rượt đá, lại cam chịu đứng im trên bàn mặc tôi miêu tả. Chú gà trống bị ép thức xuyên đêm phải bỏ lỡ lần gáy chào buổi sáng, được giải cứu khi mẹ cho tôi một trận đòn.

Có những hôm mưa trắng trời, chú gà trống lại dang rộng đôi cánh. Nó che cho bọn mái mơ cùng mấy cục bông tròn vừa ấp nở. Mình nó ướt sũng, mào nghiêng lệch rũ rượi, nhưng dáng vẫn thẳng, cánh vẫn sải dài.

Chẳng hiểu sao, tôi chợt nghĩ về những người đàn ông như ba, như chú... Những người dãi dầu sương gió, dùng đôi tay chai sần để tạo một cảng tránh bão cho người nhà. Những con người luôn hy sinh mà chẳng thấy kêu ca...

3. Ngày ba mất trong một chuyến khơi xa, lần đầu tôi thức trước tiếng gà gáy sớm. Tiếng gáy chẳng thể kêu tỉnh tôi giữa một cơn ác mộng. Những tiếng gáy não nề bắt đầu ngày mới cho một cuộc chia tay.

Ngày hạ huyệt, theo phong tục, chú tôi ôm con gà trống. Đi vài vòng quanh mộ, lẩm nhẩm khấn nhỏ, rồi thả con gà xuống mom đất. Chú bảo nó sẽ dẫn lối cho anh linh của ba tìm được đường về nhà. Con gà trống ngơ ngác đi vòng quanh mộ thêm vài bước, rồi nằm kề bên cái bia vừa lập.

Nó nhìn tôi, nhưng chẳng theo về. Chú bảo, nó phải ở đây chờ cho tới ngày mở cửa mả. Tôi nhìn nó, rồi nhìn u đất nhô cao, lòng cào xé xót xa.

Trong thinh lặng, tôi lại nghe tiếng gà. Con gà trống bên trang tập làm văn cũng là con gà bên cạnh mộ của ba. Nó đã chẳng thể dang cánh che mưa cho đàn con nhỏ. Những cục bông tròn cũng lớn dần thành mấy con gà cứng cáp.

Chúng tiếp nối sự sống từ cha chúng, cũng hùng dũng hiên ngang. Chúng dang đôi cánh đã rộng để che chở cho mấy đứa em, cùng gà mẹ.

Ngoài trời, đông như cũng ấm dần cùng kỷ niệm về những ngày tháng cũ...

Nhìn những ngày xưa cũ - Ảnh 2.Cô gái hát khúc tráng ca với tôi ngày xưa...

Đêm biểu diễn, em rạng ngời trong ánh mắt tôi và tôi nghĩ cũng rạng ngời trong mắt khán giả. Tôi mê mải ngắm nhìn em.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên