Nhà lãnh đạo Kim Jong Un trong cuộc họp ngày 9-4 - Ảnh: REUTERS
Chỉ đạo của ông Kim Jong Un xuất hiện trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân vẫn bế tắc và chưa có bất kỳ sự nới lỏng trừng phạt nào đối với Bình Nhưỡng.
Hôm qua (9-4), Nhật Bản vừa gia hạn trừng phạt Triều Tiên thêm hai năm nhằm gây áp lực, buộc Bình Nhưỡng từ bỏ hạt nhân và giải quyết rốt ráo vấn đề công dân Nhật bị Triều Tiên bắt cóc.
"Nhà lãnh đạo tối cao kêu gọi các quan chức lãnh đạo hàng đầu phải thể hiện đầy đủ ý thức trách nhiệm và sáng tạo cao, với tinh thần cách mạng tự lực và dũng cảm trong một thái độ phù hợp với ý chí bản lĩnh cách mạng và quá trình xây dựng trong tình hình căng thẳng hiện nay, cũng như tuân theo đường hướng chiến lược mới của đảng" - Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) thuật lại chỉ đạo của ông Kim Jong Un.
Đường hướng chiến lược mới được nhắc đến được nhà lãnh đạo Triều Tiên đưa ra vào tháng 4 năm ngoái, trong đó tập trung vào phát triển kinh tế và xa rời "byongjin" - chính sách phát triển kinh tế song song với vũ khí hạt nhân.
KCNA cũng thông báo một phiên họp toàn thể của Ủy ban trung ương Đảng Lao động Triều Tiên sẽ được tổ chức vào hôm nay (10-4) "để thảo luận và quyết định định hướng, cách thức đấu tranh mới phù hợp với nhu cầu của tình hình cách mạng hiện tại".
Cuộc họp mở rộng của Bộ Chính trị Đảng Lao động diễn ra chỉ hai ngày trước kỳ họp mới của Quốc hội Triều Tiên.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đánh giá những cuộc họp như vậy đang thu hút sự chú ý sát sao của thế giới, bởi chúng có thể tiết lộ các bước đi tiếp của Bình Nhưỡng sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 ở Hà Nội.
Giới quan sát dự đoán Triều Tiên vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ và sẽ không đưa ra bất kỳ chính sách nào đi ngược lại điều đó.
Ông Kim Jong Un thăm một trung tâm thương mại, mua sắm sang trọng trước ngày khai trương - Ảnh: REUTERS
Ông Lim Eul Chul, giáo sư tại Viện nghiên cứu Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam, nhận định: "Các chỉ đạo của ông Kim Jong Un trong cuộc họp của Bộ Chính trị dường như đã nói rõ một lần nữa rằng ông ta đang muốn thắt chặt kỷ luật nội bộ để đạt được mục tiêu đặt ra trong đường hướng chiến lược mới".
Trong những tuần gần đây, các quan chức Hàn Quốc đã nhiều lần nói về "một thỏa thuận đủ tốt" hay "thu hoạch sớm", trong đó bày tỏ hi vọng Mỹ sẽ nhượng bộ một chút và đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế, dân sinh của Triều Tiên.
"Chúng ta cần vứt bỏ định kiến rằng Triều Tiên là một quốc gia chúng ta không thể tin tưởng hoặc hợp tác cũng như các nhận thức tiêu cực về nước này.
Thay vì cho rằng Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình hạt nhân của mình, chúng ta cần phải tạo ra một môi trường ngoại giao, trong đó Triều Tiên không thể làm gì hơn ngoài việc từ bỏ vũ khí hạt nhân", Hãng tin Yonhap dẫn lời Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee Sang nhấn mạnh ngày 9-4.
Bầu không khí hoài nghi đã gia tăng giữa các nhân vật bảo thủ tại Washington và Seoul kể từ cuối tháng 2 khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 kết thúc mà không ra được tuyên bố chung nào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận