BS Huỳnh Văn Dõng không đeo khẩu trang, bắt tay và mời L.T.T.H. ngồi cạnh để thông tin với báo chí trong buổi xuất viện của chị hôm 4-2 - Ảnh: DUY THANH
Việc mọi người xa lánh mình thì tôi cũng nghĩ do họ lo lắng mà thôi. Nhưng tôi cũng muốn nhắn gửi là đừng nên xa lánh người đã được điều trị hết bệnh. Người đã được điều trị hết bệnh cũng nên bình tĩnh, đừng mất tinh thần khi bị xa lánh.
Chị L.T.T.H.
Cũng từ đây, việc chuyện né tránh người không may mắc bệnh, địa phương có người mắc bệnh cần phải được nhìn nhận lại cho đúng qua những câu chuyện dưới đây.
Khánh Hòa: bệnh nhân xuất viện, bác sĩ bỏ khẩu trang
Tại buổi ra viện hôm 4-2 của chị L.T.T.H. (25 tuổi, lễ tân khách sạn ở TP Nha Trang, Khánh Hòa, người từng mắc COVID-19), nhiều người ngạc nhiên khi thấy BS Huỳnh Văn Dõng - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa - không đeo khẩu trang y tế. Ông nói: "Người ta đã được trị hết bệnh rồi thì mình còn sợ lây virus gì nữa mà đeo. Tôi thấy không cần". Sau đó, ông Dõng còn bắt tay, trao đổi và dặn dò chị H. một số điều sau khi ra viện để giữ sức khỏe tốt.
Theo ông Dõng, người dân luôn nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh là rất tốt, nhưng mọi người phải hiểu người mắc bệnh COVID-19 sau khi điều trị hết, trở lại bình thường, nguồn lây bệnh không còn nữa. Do vậy, xa lánh người đã điều trị hết bệnh COVID-19 là không nên, có thể làm tổn thương tinh thần của họ.
"Tôi nghĩ trong công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh do COVID-19 gây ra cũng nên tính toán bổ sung nội dung về giúp đỡ, tạo điều kiện người được điều trị khỏi bệnh hòa nhập cộng đồng bình thường, tránh xa lánh họ. Trước mắt, chính quyền địa phương nơi có bệnh nhân nên chủ động việc này" - ông Dõng đề nghị.
Ngày 18-2, trao đổi với chúng tôi, ông Dõng nói rằng Khánh Hòa đang chuẩn bị các thủ tục để đề nghị Bộ Y tế công bố hết dịch bệnh COVID-19 vì đã 30 ngày qua không có bệnh nhân mắc mới. Ông Dõng khuyên người dân nên tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, không chỉ COVID-19 mà còn nhiều dịch bệnh khác như cúm A/H1N1, sốt xuất huyết...
Trở lại với bệnh nhân H., chị cho biết đã đi làm trở lại ở khách sạn cũ, vẫn công việc của một lễ tân. "Mọi người trong khách sạn đối xử với tôi hòa đồng, chân tình, vui vẻ như trước kia. Những người khách của chúng tôi cũng vậy" - chị H. nói.
Nhớ lại những ngày mới nhiễm bệnh, H. cho biết có lúc chị cũng hoảng loạn, nhưng không có cảm giác buồn bằng việc bản thân và gia đình bị người cùng địa phương xa lánh. H. kể khi nghe chị bị cách ly ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa, nhiều người ở địa phương đã né tránh gia đình chị. Thậm chí khi chị được điều trị hết bệnh, được xuất viện về nhà ngày 4-2, sự xa lánh còn lớn hơn.
"Những ngày ấy, tôi chỉ ở trong nhà chứ không đi ra ngoài. Thấy những người trong gia đình chúng tôi, người ta thường né đi. Không ai nói gì cả, nhưng có vẻ mọi người sợ tiếp xúc gần với chúng tôi thì nhiễm virus" - H. nhớ lại.
Du khách châu Á với khẩu trang phòng dịch COVID-19 nhưng họ vẫn muốn lưu lại nụ cười trong bức ảnh chụp trước Bưu điện TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Hiểu biết hơn để không phải ngại, né tránh
Trước dư luận có nên coi "Vĩnh Phúc" là ổ dịch, ông Nguyễn Trung Cấp - trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - trao đổi cùng báo chí rằng những bệnh nhân được xét nghiệm 2 lần âm tính với virus tức là họ đã hết virus, khả năng lây nhiễm của bệnh nhân sang người khác không còn, không phát tán virus ra nữa.
Dù hiện nay mọi người đều rất lo lắng do đây là căn bệnh mới, ở Trung Quốc có những trường hợp đặc biệt đến gần 30 ngày ủ bệnh, nhưng phải khẳng định rằng khi bệnh nhân đã âm tính 2 lần tức là cơ thể họ đã khỏe mạnh, đủ sức làm sạch hết virus.
* Những bệnh nhân COVID-19 vừa được ra viện ông có thể khẳng định họ không còn khả năng lây nhiễm sang người khác?
- Khi bệnh nhân về cộng đồng, họ là người bình thường. Tôi thấy kinh nghiệm qua nhiều lần chống lại những căn bệnh khác trước đây, như HIV chẳng hạn, khi chúng ta càng ngại, né tránh, quá trình chống dịch càng kém hiệu quả. Có thể có những bệnh nhân sợ mà không dám đi khám vì người ta sợ bị nhốt, bị cách ly, bị cộng đồng xua đuổi. Nếu chúng ta không giải quyết được tâm lý ấy, việc khoanh vùng, chữa trị sẽ vô cùng khó khăn.
* Có tình trạng né tránh người dân ở khu vực có dịch, xóa bỏ bằng cách nào?
- Nếu muốn làm tốt việc chống dịch, chúng ta phải xóa bỏ tâm lý né tránh. Để xóa bỏ nỗi lo sợ, không có cách nào tốt hơn là chúng ta hiểu biết về nó. Các thông tin về dịch bệnh có nhiều trên đài, báo, tờ rơi, băngrôn của Bộ Y tế và y tế địa phương. Chúng ta tiếp nhận các thông tin ấy và bình tĩnh đối phó. Nếu chúng ta sợ hãi, xa lánh thì chống dịch sẽ khó khăn.
* Ông nhận xét gì về những biểu hiện của tình trạng e ngại, né tránh người ở vùng dịch, trong khi chúng ta mới có 16 bệnh nhân Covid-19 và 11 người trong đó đã ra viện?
- Sự quan tâm, lo lắng của cộng đồng là cần thiết nhưng phải xuất phát trên cơ sở hiểu biết. Chúng ta không hoảng loạn, lo sợ do hiểu biết sai lệch, làm ảnh hưởng đến nhịp sống hằng ngày.
Cả tỉnh Vĩnh Phúc - một tỉnh rất lớn, đông dân, số thôn, xã nhiều mà chỉ có 4 xã có bệnh nhân, chúng ta không thể gói chung vào một chữ "Vĩnh Phúc" rồi né tránh cả tỉnh.
Với những người ở khu vực có dịch, Bộ Y tế và chính quyền địa phương đã phong tỏa. Chúng ta không nên dùng khái niệm "Vĩnh Phúc" để quy cho cả tỉnh là "ổ dịch".
Người hết bệnh COVID-19 như những người bình thường khác
Bác sĩ Lê Hồng Nga - trưởng khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - cho biết qua thời gian 14 ngày cách ly mà người được cách ly vẫn khỏe mạnh, không có triệu chứng bệnh thì được coi như người bình thường. Những người xung quanh tiếp xúc như những người bình thường, không phải lo lắng bị lây bệnh.
Với những người mắc bệnh COVID-19 được cách ly tại bệnh viện, sau nhiều lần có kết quả âm tính, bệnh nhân không còn virus đào thải ra ngoài môi trường và hết hẳn bệnh thì bệnh viện mới cho bệnh nhân xuất viện.
Lúc bệnh nhân xuất viện cũng đã là một người bình thường, không còn sự hiện diện của virus corona trong người nên không thể lây bệnh. Vì vậy việc tiếp xúc với người đã hết bệnh COVID-19 cũng như tiếp xúc với những người khỏe mạnh bình thường khác.
THÙY DƯƠNG
Hàng xóm đến chơi với người hết bệnh
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Yên Định, Thanh Hóa kiểm tra sức khỏe cho chị N.T.T. (25 tuổi, ở xã Định Hòa) đã được điều trị khỏi, xuất viện ngày 3-2 - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Đến ngày 18-2, chị N.T.T. (huyện Yên Định, Thanh Hóa) đã qua 14 ngày cách ly tại gia đình theo khuyến cáo của bác sĩ, sau khi chị được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa điều trị khỏi bệnh COVID-19, được xuất viện từ ngày 3-2. Từ ngày trở về cách ly tại gia đình đến nay, chị T. vẫn khỏe mạnh, sống vui vẻ trong tình yêu thương, chia sẻ của người thân và xóm giềng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chị N.T.T. cho biết: "Sau khi xuất viện, tôi thực hiện việc cách ly tại nhà theo khuyến cáo của bác sĩ. Hằng ngày tôi đeo khẩu trang, súc miệng thường xuyên bằng nước muối hoặc nước sát khuẩn, rửa tay nhiều lần trong ngày bằng xà phòng, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Bà con xóm giềng mỗi khi đến nhà chơi biết cách phòng chống COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nên mọi người vẫn đến nhà tôi chơi vui vẻ".
Bà Ngô Thị Đặng - giám đốc Trung tâm Y tế huyện Yên Định - cho biết ngay từ những ngày đầu tiếp cận với bệnh nhân N.T.T., cán bộ của trung tâm luôn xác định ngoài công việc chuyên môn phải tuyên truyền đến người dân địa phương không né tránh, xa lánh chị T. và người nhà bệnh nhân.
Từ việc được tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng chống COVID-19, tận mắt thấy cán bộ y tế hằng ngày đến đo thân nhiệt, lấy thông tin về sức khỏe của chị T. và người thân của chị, người dân xã Định Hòa không xa lánh với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.
"Hằng ngày vẫn có nhiều người thân trong họ hàng, bà con xóm giềng đến nhà chị T. hỏi thăm sức khỏe, uống nước chè. Cuộc sống tại gia đình chị T. vẫn diễn ra bình thường với tiếng cười vui. Trung tâm Y tế huyện Yên Định vẫn duy trì phun thuốc tiêu độc khử trùng tại nhà chị T. và bán kính 200m xung quanh nhà chị.
Đến nay, sức khỏe của 7 cán bộ y tế, 21 người thân tiếp xúc với chị T. từ những ngày đầu chị nhiễm virus corona chủng mới đều vẫn khỏe mạnh, không có triệu chứng của viêm đường hô hấp" - bà Đặng cho biết thêm.
HÀ ĐỒNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận