TTCT - Chụp ảnh bữa ăn, cảnh đi du lịch, hình selfie, chỉnh sửa với các bộ lọc màu (filter) rồi đưa lên mạng, chờ “like”, hay cập nhật cuộc sống mỗi ngày thông qua các đoạn video ngắn (story) là những thứ quen thuộc ngày nay nhưng không hề tồn tại trước khi nhân loại bước sang thập kỷ thứ 2 của thế kỷ mới. Hình minh họa: Instagram đã làm thay đổi thói quen ăn uống cũng như cách kinh doanh nhà hàng trong 10 năm qua. Ảnh: Shutterstock Instagram ra đời vào đúng năm 2010, năm bắt đầu thập kỷ này. Ứng dụng chia sẻ hình ảnh và video này nhanh chóng vươn lên thành một trong những mạng xã hội có sức ảnh hưởng mạnh nhất, nhất là với giới trẻ. Theo thông tin được trang statista.com đăng tải hồi đầu năm nay, Instagram đã cán mốc hơn 500 triệu người sử dụng hoạt động mỗi ngày. Trong một bài viết gần đây nhìn lại 25 ứng dụng có ảnh hưởng nhất trong 10 năm qua, biên tập viên Eric Franklin của trang CNET không ngần ngại gọi Instagram là “một trong những app quan trọng nhất của thập kỷ vừa qua”. Ăn uống thời #foodporn Một trong những ảnh hưởng dễ nhận thấy nhất của Instagram lên cuộc sống là việc ứng dụng này đã khiến thói quen ăn uống của nhiều người thay đổi. “Chụp hình trước, ăn sau” không còn là chuyện lạ. Thói quen này cách đây 10 năm không có, bởi lúc đó đã có Instagram đâu mà đăng ảnh? Không phải tự nhiên mà hashtag #foodporn trên Instagram cho ra đến 214,6 triệu kết quả. Food porn là thuật ngữ chỉ việc trình bày món ảnh một cách bắt mắt, “khêu gợi”, kích thích thị giác phổ biến trên mạng xã hội. Ngày nay, người ta sẵn sàng xếp hàng hàng giờ để mua cho được chiếc bánh, ly trà sữa ở tiệm đang “hot” rồi đăng lên Instagram khoe “chiến lợi phẩm”. Tỉ lệ thuận với nhu cầu “khoe” ảnh món ăn, yêu cầu về một bức ảnh đẹp và tất nhiên món ăn cũng phải đẹp càng được đẩy lên cao hơn bao giờ hết. Đặc biệt, với thiết kế chuyên dụng cho việc chia sẻ hình ảnh và video, “thời đại Instagram” còn chứng kiến sự bùng nổ của một thế hệ food blogger/reviewer, những người không ngại bỏ thời gian và công sức để có được những bức ảnh khiến follower (người theo dõi) của mình thòm thèm, và tất nhiên là giúp có thêm nhiều follower khác. Trước nhu cầu đó, nhiều nhà hàng, tiệm ăn đã “thức thời” điều chỉnh menu của mình để các món ăn hiện lên lộng lẫy dưới camera. “Thú vị nhất là người ta đang để ý đến vẻ ngoài của món ăn hơn bao giờ hết” - Teddy Robinson, giám đốc sáng tạo của chuỗi cà phê Grind ở London, từng phát biểu trong bài viết “Hình ảnh hoàn hảo? Instagram đã thay đổi thức ăn của chúng ta ăn như thế nào?” trên BBC năm 2017. T eddy Robinson đã dành 5 năm để biến chuỗi cà phê này thành nơi “chuẩn Instagram” nhất có thể. Cả menu và nội thất trong tiệm đều được thiết kế lại để “phù hợp với Instagram”, giơ điện thoại lên là có ảnh đủ “câu like”. “Năm ngoái, chúng tôi thay tất cả bàn bằng đá cẩm thạch trắng, chỉ bởi vì như vậy thì lên Instagram sẽ đẹp hơn” - Robinson nói. Một “tín đồ” Instagram chắc chắc biết đá cẩm thạch trắng là phông nền hoàn hảo cho mọi bức ảnh chụp đồ vật, không riêng gì đồ ăn. “Ngày nay, người ta đặc biệt làm ra các món ăn phù hợp với Instagram” - blogger chuyên về lifestyle Angie Silver với hơn 26.700 người follow trên nền tảng chia sẻ hình ảnh này- nhận định. Trong khi đó, Ehab Shouly - giám đốc nhà hàng Tea Terrace ở London - cho biết hơn 50% lượng khách hàng của mình là ở độ tuổi 23-38, những người nhiều khả năng là “tín đồ Instagram”. “Ngày nay, trải nghiệm ẩm thực không còn đơn thuần chỉ là đồ ăn thức uống ngon nữa, mà phải là những trải nghiệm độc đáo để khách hàng có thể chia sẻ lên Instagram và mạng xã hội. Ngày nay, khách hàng muốn thức ăn ngon, dịch vụ tốt và những bức ảnh đẹp” - Shouly chia sẻ với BBC. Tâm lý FOMO và marketing thời Instagram Là ứng dụng được thiết kế riêng cho smartphone, Instagram dễ dàng giúp người dùng, đặc biệt là giới kinh doanh và influencer, xác định được phân khúc thị trường mà mình nhắm đến: những người trẻ với smartphone là vật bất ly thân. Trong bối cảnh các mạng xã hội ngày càng khẳng định sức ảnh hưởng của mình trên thị trường mua bán, không thể không kể đến “trợ thủ đắc lực” là “hội chứng” FOMO. FOMO là cụm từ viết tắt của fear of missing out, có nghĩa là “sợ bỏ lỡ điều gì đó”. Những năm ở nửa cuối của thập kỷ 2010, cụm từ này được nhắc đến nhiều hơn “nhờ” tác động của mạng xã hội. “Instagram là một công cụ FOMO. Nó cho bạn thấy rằng những người khác đang có cuộc sống đáng mơ ước và làm những điều tuyệt vời mà bạn không làm được” - Adam Alter, phó giáo sư chuyên ngành tiếp thị tại Trường kinh doanh Stern thuộc Đại học New York, nhận định trong một bài viết trên CNET hồi tháng 10 năm nay. Là nền tảng thuần hình ảnh và video, Instagram trở thành mảnh đất màu mỡ cho các loại hình kinh doanh chuộng quảng cáo bằng hình ảnh, như ăn uống, thời trang..., đặc biệt là với giới trẻ. Về phía Instagram, ứng dụng này cũng không ngừng cho ra các tính năng mới phục vụ người dùng như IGTV cho phép phát video dài đến 1 tiếng, hỗ trợ book lịch hẹn ở spa, đồng thời học thói quen người dùng để hiển thị quảng cáo có liên quan. Instagram là nơi để phô bày cái đẹp giả tạo. Ảnh: Vox Mạng xã hội nguy hiểm nhất Dù là mạng xã hội được ưa chuộng bởi các tính năng giải trí của nó, nhưng Instagram bị cảnh báo là “mạng xã hội nguy hiểm nhất” đối với sức khỏe tâm thần của người dùng, theo một khảo sát có tên #StatusOfMind của Hiệp hội Sức khỏe cộng đồng Hoàng gia Anh năm 2017. Khảo sát được tiến hành trên gần 1.500 người ở lứa tuổi từ 14 đến 24 ở Anh, Forbes đưa tin. Nhóm nghiên cứu yêu cầu những người tham gia đánh giá tác động của các mạng xã hội lên 14 vấn đề sức khỏe tâm thần của họ, trong đó có nạn bắt nạt, lo lắng, trầm cảm và tâm lý FOMO. Kết quả, Instagram xếp hạng “tiêu cực nhất” so với các ứng dụng khác là Snapchat, Twitter, YouTube và Facebook. Những năm gần đây, giới chuyên gia tâm lý liên tục lên tiếng cảnh báo về những tác động tiêu cực của các mạng xã hội, trong đó có Instagram, lên người dùng. Với đặc thù là một thế giới mạng ngập tràn hình ảnh đẹp, Instagram dễ khiến cho người ta cảm thấy tự ti về những thứ mình không có được, từ ngoại hình đến trải nghiệm cuộc sống. “Instagram dễ dàng khiến các bé gái và phụ nữ cảm thấy cơ thể họ không được đẹp như người khác, từ đó sử dụng filter chỉnh sửa ảnh sao cho thật hoàn hảo” - Time trích lời một người tham gia khảo sát #StatusOfMind. Mà thật ra, có phải ai cũng hoàn hảo giống như ảnh trên Instagram của họ đâu. Còn nhớ năm 2015, influecner tuổi teen người Úc Essena O’Neill gây chấn động khi “vạch trần” sự thật trên Instagram. Khi đạt được hơn 600.000 follower, cô gái này xóa hết 2.000 bức ảnh của mình, rồi thay đổi chú thích của 96 bức mà cô giữ lại. “Tôi chỉ muốn các cô gái trẻ biết rằng đây không phải là một cuộc sống thật, vô cùng ngầu hay truyền cảm hứng gì cả, mà là một sự hoàn hảo được dàn dựng để gây chú ý” - Essena O’Neill viết khi đăng một bức ảnh cô mặc bikini chụp, thú nhận mình phải hóp bụng và đẩy ngực lên để có được bức ảnh hoàn hảo. Là một trong những người đầu tiên phơi bày sự giả tạo vốn có trong thế giới Instagram, O’Neill đã mở đường cho các cuộc đối thoại - và nghiên cứu học thuật - về ảnh hưởng của mạng xã hội đến sức khỏe tâm thần. Số lượng người dùng Instagram liên tục tăng cũng tỉ lệ thuận với những lời than phiền về mạng xã hội này. Chuyện “tín đồ” Instagram bất chấp nguy hiểm hay luật lệ địa phương, phá hoại cảnh quan thiên nhiên, giẫm đạp lên hoa cỏ chỉ để chụp ảnh không còn là chuyện xa lạ. Tháng 3 năm nay, mạng xã hội Mỹ rộ lên phong trào tẩy chay những người phá hoại khi đến chụp ảnh tại các vườn hoa quốc gia ở nước này. Theo đó, những bức ảnh đăng trên Instagram mà trong đó người ta hái hoa, nằm lên hoa, hay giẫm đạp lên hoa để chụp ảnh liền bị “chỉ mặt điểm tên” trên một tài khoản Instagram có tên là Public Lands Hate You (tạm dịch Nơi công cộng ghét bạn), thể hiện thái độ gay gắt với những hành động “đẹp mà không đẹp” gây hại đến môi trường địa phương. Đến nay, tài khoản này thu hút được hơn 68.000 người follow. Thậm chí, theo The Guardian, một kiến nghị online cũng được thực hiện nhằm kêu gọi Instagram và Facebook phát triển hệ thống cho phép người dùng báo cáo các vi phạm vừa bất hợp pháp vừa có hại cho môi trường, và kiến nghị này đạt hơn 18.000 chữ ký. Có lẽ người ta đã quá ngán ngẩm với một “thế hệ Instagrammer” bất chấp mọi thứ để có được một bức ảnh đẹp.■ Cùng với sự phát triển của Instagram, nhiều thuật ngữ mới cũng ra đời. Cách đây 10 năm, chẳng ai biết “Instagram husband” (người chồng Instagram) là gì. Đến nay, việc có được một “người chồng/bạn trai Instagram” là niềm mơ ước của nhiều cô gái thích chụp ảnh, bởi đó là người có khả năng chụp cho họ những bức ảnh xinh lung linh đúng chuẩn để đăng Instagram. Tương tự, Instagramable, Insta-worthy là những từ mới mà người ta dùng để chỉ những nơi chốn, đồ vật, món ăn hay bất cứ thứ gì đẹp đẽ, hoàn hảo đúng chuẩn để chụp ảnh đăng Instagram. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Nhớ gì về thập kỷ 2010? Tiếp theo Tags: InstagramChụp ảnhNghiện chụp ảnh
Giá cà phê cao chưa từng thấy khi vào chính vụ, nông dân thành 'đại gia' NGUYỄN TRÍ 26/11/2024 Giá cà phê có xu hướng tăng dần khi vào chính vụ khiến nhiều nông dân phấn khởi bởi 'chưa năm nào vào vụ mà giá cao như năm nay'.
Bất động sản, ai ai cũng... khóc ÁI NHÂN 26/11/2024 Lâu nay nhiều người cứ nghĩ làm bất động sản dễ ăn lắm, giá nhà đất cứ lên vù vù mới có chuyện "một người cười, chín người đau".
Khởi tố, bắt 4 bị can gồm 2 giám đốc trong vụ án nhận hối lộ ở Nha Trang PHAN SÔNG NGÂN 26/11/2024 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa vừa khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can liên quan việc đấu thầu thi công các dự án do Công ty TNHH Dũng Lợi thực hiện trên địa bàn TP Nha Trang.
Bà Trương Mỹ Lan nói chưa từng được ngủ với con, từ khi sinh ra đã giao cho vú nuôi ĐAN THUẦN 26/11/2024 'Thậm chí cho đến hôm nay, bị cáo vẫn chưa được ngủ với con của mình, vì từ khi sinh ra bị cáo đã giao nó cho bà vú để lao vào công việc', bà Trương Mỹ Lan nói lời sau cùng.