Ảnh: LAM ĐIỀN
Nhà ở rộng lớn, phù hợp với khí hậu. Mái lợp ngói, cột điều mộc. Vách trét đất lên sườn tre rồi tô hồ lên. Nhiều nhà cao cẳng sàn bằng ván, xây hàng dọc theo bờ kinh, bờ sông hay dọc theo các đường cái rộng lớn. Phố xá ngay hàng thẳng lối còn hơn là ở nhiều kinh thành châu Âu.
Nhà nghiên cứu người Anh Finlayson ghi nhận về nhà cửa thành Gia Định năm 1822
Phát hiện thú vị này được dẫn trong tập sách của tác giả Nguyễn Hữu Thái vừa ra mắt: Sài Gòn từ Hòn ngọc Viễn Đông đến thành phố Hồ Chí Minh.
Kiểu như ông lý giải về chuyện ra đời cách gọi tên "Hòn ngọc Viễn Đông", không bám vào các cứ liệu tài liệu quan phương, mà đi vào phân tích diễn tiến quá trình người Pháp chiếm Đông Dương hình thành xứ "Đông Dương thuộc Pháp".
Trong tâm thế mong muốn tạo ra "Hòn ngọc Viễn Đông" (Perle de l’Extrême-Orient) nhằm đối ứng với Ấn Độ lúc bấy giờ mà người Anh gọi là "Viên châu báu trên vương miện" (Jewel of the Crown), cụm từ "Hòn ngọc Viễn Đông" được nhắc đến trong nhiều không gian giao tiếp.
Tất nhiên, lời nhận xét của nhà nghiên cứu Anh quốc trên đây là chân thực vào buổi đầu của thành Gia Định, và từ ấy đến nay, Gia Định - Sài Gòn đã thăng trầm với bao dâu bể trong chiều dài lịch sử hàng trăm năm.
Tập sách là một cách nhìn về Sài Gòn sâu hơn vào khía cạnh kiến trúc và quy hoạch đô thị, xứng đáng bổ sung vào loạt sách khai thác đề tài Sài Gòn đang được xuất bản ngày một dồi dào trong mấy năm gần đây.
Bạn đọc sẽ có được những nắm bắt hệ thống về Sài Gòn thời Pháp thuộc với những phong cách kiến trúc và xây dựng đô thị như phương án quy hoạch của Coffyn, phong cách kiến trúc của Hébrard, hay các kiến trúc sư tài danh từng đoạt "giải lớn La Mã" cũng tham gia vào quy hoạch Sài Gòn...
Tất cả là những tiền đề để ra đời cái tên "Hòn ngọc Viễn Đông" như một thành tựu không chối cãi về trình độ văn minh đô thị sớm sủa tại xứ Đông Dương này.
Tiếp theo, "Sài Gòn thời Mỹ trước 1975" được tác giả trình bày như một bước ngoặt về cuộc bùng nổ đô thị lần thứ nhất; và từ sau khi đổi mới, vào khoảng năm 1990 thì Sài Gòn - TP.HCM lại "kinh qua một sự bùng nổ đô thị lần thứ hai" được tác giả đánh giá là "có tác động tích cực đưa thành phố vào hàng các đô thị năng động và đông dân ở Đông Nam Á".
Với kiến thức chuyên ngành được chọn lọc hướng đến số đông công chúng đang quan tâm đến vấn đề phát triển TP.HCM hiện nay, tập sách đưa bạn đọc gặp trở lại các câu chuyện về định hướng phát triển Sài Gòn thời trước 1975: những kiến trúc sư tài danh nhất ở Sài Gòn từng có những đóng góp bằng các công trình cụ thể nào; từ năm 1972 đã có đồ án quy hoạch bán đảo Thủ Thiêm ra sao; cả việc nhóm quy hoạch quốc tế Doxiadis đến các phương án hậu chiến cũng từng được tính đến...
Và đến nay, các vấn đề của TP.HCM đang đối diện cũng được tác giả đề cập với tư cách nhà chuyên môn như các phương án phát triển mới, nhà ở đô thị..., đặc biệt các vấn nạn ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm cũng được tác giả phân tích và dẫn chiếu kinh nghiệm từ các quốc gia lân cận để gợi ý về giải pháp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận