Cũng đúng thôi, nếu chịu khó theo dõi, người ta có thể nhận thấy hầu như tháng nào (thậm chí một vài tuần) là có một cuộc thi được phát động. Tha hồ viết, tha hồ dự thi. Thế mới có chuyện một nhà báo trẻ mới ra trường đã giật ngay giải Nhất một cuộc thi bút ký do một tờ báo lớn tổ chức. Anh này không đi thực tế, không gặp gỡ nhân vật, chỉ cần xem một chương trình Người đương thời trên VTV, rồi ghi chép "mông má" là đem dự giải. Giải trao xong, bỗng nhân vật của bút ký tỏ ý băn khoăn không biết tác giả kia là ai. Cơ quan chủ quản cuộc thi té ngửa, rồi đánh bài "lờ". Lại nghĩ mới làm nghề mà đã "ma lanh" đến như thế, tới khi có thâm niên thì tay nghề sẽ "siêu đẳng" đến đâu?
Nói cho công bằng, các giải thưởng văn chương trong năm 2004 đã khẳng định được một số tác phẩm ít ra là có phẩm chất nhỉnh hơn so với mặt bằng các sáng tác cùng ra đời trong 365 ngày, hoặc cùng tham dự một cuộc thi (còn nếu muốn cho rằng chúng có khả năng sống vượt thời gian thì vẫn cần cân nhắc kỹ lưỡng).
Tuy nhiên, dẫu thiện chí đến đâu người ta vẫn không thể yên tâm với một số giải thưởng khi theo dõi diễn biến, cũng như kết quả của chúng, bởi trong một vài trường hợp, một cuộc thi cùng kết quả của nó lại đẩy tới cảm giác đó là nơi người ta trình diễn các "thủ pháp saman" nhiều hơn là thi thố tài năng.
Ở cuộc thi truyện ngắn nọ, ban tổ chức quy định tác phẩm dự thi phải có số lượng 5.000 từ trở xuống (!), và tiêu chuẩn ấy đã loại ra khỏi cuộc chơi một vài tác phẩm. Nhưng thật trớ trêu, người ta lại "không phát hiện ra" sau vòng sơ khảo, trong số tác phẩm lọt vào chung khảo lại có truyện ngắn "vượt mức quy định" tới hàng nghìn từ.
Ở một cuộc thi truyện ngắn khác, người ta trao hầu hết các giải cao cho người của cơ quan đứng ra tổ chức, cho dù chất lượng đa số tác phẩm, xin lỗi nếu cho rằng không hơn, hoặc kém truyện ngắn vốn được đăng tràn lan trên các báo chí lâu nay. Đặc biệt cũng ở cơ quan này, năm 2003 cũng từng mở cuộc thi ký và giải nhất được trao cho phu nhân của ông trưởng ban tổ chức!
Nói đến quan hệ "người nhà", có lẽ cũng cần nhắc đến một sự kiện độc đáo ở một cuộc thi truyện ngắn có uy tín, khi trong danh sách tác giả đoạt giải cao lại thấy có tên con trai vị trưởng ban sơ khảo kiêm thư ký chung khảo. Vì chưa thấy "tác giả" này công bố một truyện ngắn nào thực sự ra hồn, nên dư luận xì xào: phải chăng đến cuộc thi này anh mới "phát tiết tinh hoa"?!
Sự bức xúc trước kết quả của một vài giải thưởng văn chương đến nay không chỉ còn là sự xôn xao, mà đã đạt tới ngưỡng buộc nhiều người trong cuộc phải lên tiếng trên báo chí. Sau giải thưởng năm 2004 của Hội Nhà văn, một thành viên Hội đồng Thơ nói: "Tôi rất lạ khi có người trao giải như ban phát ân huệ". Còn sau giải thưởng năm 2005, một thành viên cũng của Hội đồng này quả quyết: "Tôi khẳng định có sự quen biết gửi gắm"!
Nói đến giải thưởng năm 2005 của Hội Nhà văn, xin phép không phải bình luận, chỉ xin đặt cạnh nhau những ý kiến "trái chiều" về việc có hay không có giải A để bạn đọc so sánh. Báo cáo kết quả công tác xét giải thưởng văn học năm 2004 của Hội Nhà văn viết: "Về vấn đề này, Hội đồng giải thưởng đã trao đổi kỹ trước khi bỏ phiếu kín... Để trống giải A, Hội đồng giải thưởng cũng như Ban chấp hành (BCH) muốn đặt ra một đòi hỏi cao hơn với công việc sáng tạo của các nhà văn. Như vậy, năm nay, chúng ta mới chỉ có tác phẩm hay chứ chưa có tác phẩm thực sự xuất sắc đáp ứng được sự đòi hỏi ngày càng khắt khe của công chúng yêu văn học" (báo Văn nghệ ra ngày 9-2-2005).
Trong khi ấy, ông Chủ tịch Hội đồng Chung khảo giải thưởng nói: "BGK đã chọn được 25 tác phẩm vào chung khảo, 25 tác phẩm ấy phản ánh khá tiêu biểu chất lượng văn chương trong một năm: có nhiều đổi mới về hình thức và nội dung, đa dạng đề tài và chủ đề... So với 2003, giải thưởng năm nay có nhiều mới mẻ và cũng hấp dẫn hơn... Cá nhân tôi thì cho rằng vì đánh giá một năm, tác phẩm nào xuất sắc nhất của năm đó thì nên trao giải A cho nó, không nên quá cầu toàn trong việc chọn giải, nhưng tôi chỉ là một phiếu trong Hội đòng Chung khảo" (báo Gia đình và Xã hội Cuối tuần, 23-1-2005).
Và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nhận xét: "Việc liên tục 5 giải thưởng Hội Nhà văn chỉ có giải B trở xuống là việc không bình thường, vì so sánh một số tác phẩm giải B gần đây với giải A trước đây là kkhông hề thua kém, thậm chí còn hơn một số tập được giải A những năm trước..." (báo GĐXH, đã dẫn), còn nhà thơ Trần Mạnh Hảo thì nói: "Thì đấy là vì các ông trong BCH các ông ấy thấy rằng chưa có ai bằng các ông ấy cả. Các nhà văn được giải chưa bằng được các ông ở BCH... Hình như Hội Nhà văn có cái... hội chứng giải B. Đây là hệ lụy của BCH Hội Nhà văn khóa này, toàn bộ là giải B. Bởi vì cho nó lên A thì "chói mắt" BCH. Các chú có được giải thì cũng là giải B... Với tôi, giải B muôn năm!" (báo GĐ&XH, đã dẫn).
Đến đây tôi lại muốn dừng lại bình luận đôi điều về lý giải của Báo cáo nói trên về việc tại sao cuốn sách Vừa làm vừa nghĩ được trao Tặng thưởng về lý luận phê bình. Báo cáo coi Vừa làm vừa nghĩ là: "Tập sách đưa ra nhiều nhận xét lý giải tinh tế thông minh về một bài thơ, một tập thơ, một kỷ niệm thơ và một đời thơ. Có ý kiến nhận xét: Vừa làm vừa nghĩ không phải là một tập lý luận phê bình văn học. Nhưng cũng có ý kiến khác: Đaghesttan của tôi của Gamdatốp, Chân dung và đối thoại của Trần Đăng Khoa cũng là một dạng lý luận văn học. Lý luận bằng chính chất liệu của đời sống".
Giải thích như vậy thì chỉ có hai khả năng: hoặc là ở đây có một quan niệm khác về lý luận văn học, hoặc là người ta đã cố tình ngụy biện. Bởi dẫu thế nào vẫn không thể coi "nhận xét lý giải tinh tế, thông minh về một bài thơ, một tập thơ, một kỷ niệm thơ và một đời thơ" là một dạng lý luận văn học. Về nguyên tắc, lý luận văn học phải dựa trên nền tảng "chất liệu cuộc sống", nhưng nó chỉ được coi là lý luận văn học khi đã đạt tới một sự khái quát và hệ thống hóa nhất định đối với thực tiễn văn chương, và do đó nó không còn là "chất liệu cuộc sống" nữa.
Thiết nghĩ ngày nào tình trạng "tù mù trong quan niệm" như vậy còn kéo dài, thì ngày ấy, các giải thưởng văn chương còn phải tiếp tục đối mặt với sự phê phán của dư luận. Biết làm sao đây?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận