Dưới đây là những trường hợp điển hình nhất, nặng nề nhất trong danh sách các thảm họa đáng quên của lịch sử môn thể thao vua.
1. Bolton, Anh (9-3-1946)
Đã có 33 người thiệt mạng và hơn 400 người bị thương khi một bức tường đổ sập tại sân vận động Burden Park, trước thềm trận đấu giữa Bolton và Stoke ở cúp FA.
33 người thiệt mạng ở Burden Park - Ảnh: SPORTFOTODIESNT
Nhiều nạn nhân thiệt mạng do bị tường đè, một số khác thương vong đến từ giẫm đạp nhau do hoảng loạn. Đây được xem là thảm kịch đầu tiên của làng bóng đá chuyên nghiệp.
2. Lima, Peru (24-5-1964)
Thảm họa kinh hoàng nhất, nặng nề nhất lịch sử bóng đá khi có đến 328 người chết, 500 người bị thương do cuộc bạo loạn của khán giả trong trận đấu tranh vé dự Olympic giữa Argentina và Peru.
Khi trận đấu chỉ còn 6 phút và Argentina đang dẫn trước 1-0, Peru ghi bàn nhưng không được trọng tài công nhận, các CĐV chủ nhà tức giận ùa vào sân.
CĐV hoảng loạn sau khi cảnh sát bắn hơi cay - Ảnh: FOOTBALLPINK
Để ngăn cản CĐV làm loạn, các cảnh sát đã bắn hơi cay vào đám đông và gây ra tình trạng hoảng loạn. Thương vong xảy ra khi các cánh cổng bao quanh sân vận động Estadio Nacional (sức chứa 53.000 người) đổ sập. Những người ở lại trong sân lại hầu như được an toàn tuyệt đối.
3. Matxcơva, Nga (20-10-1982)
Trong giá lạnh tháng 10 của Matxcơva (xuống đến âm 10 độ C), phần khán đài không có mái che của sân Luzhniki trở thành nguyên nhân chính tạo ra thảm họa sau trận đấu giữa Spartak Moscow và CLB Hà Lan Haarlem ở cúp châu Âu.
Khung cảnh tan hoang của sân Luzhniki sau thảm kịch - Ảnh: ALCHETRON
Nhiều CĐV chen lấn khi rời sân vào cuối trận đã tạo nên tình trạng giẫm đạp hỗn loạn, và khán đài trơn trượt càng khiến mọi chuyện tồi tệ hơn. Cảnh sát Nga cho biết có 67 người thiệt mạng sau sự cố kinh hoàng này, trong khi truyền thông phương Tây khẳng định số người qua đời lên đến hơn 300.
4. Brussel, Bỉ (29-5-1985)
Vẫn thường được nhắc nhở với tên gọi thảm họa Heysel, diễn ra trước thềm trận chung kết cúp châu Âu (Champions League ngày nay) giữa Juventus và Liverpool.
Một giờ trước khi bóng lăn, nhiều CĐV Liverpool đã tìm cách vượt qua hàng rào ngăn cách giữa họ và khu CĐV trung lập, dẫn đến một bức tường bị đổ sập. Tổng cộng 39 người chết vì vụ tai nạn thảm khốc này, đồng thời có gần 600 người bị thương. Trận đấu sau đó vẫn được cho diễn ra và Platini ghi bàn duy nhất giúp Juventus giành cúp vô địch.
Tấm hình đầy ám ảnh khi các CĐV tháo chạy khỏi sân trong thảm họa Heysel - Ảnh: THEGUARDIAN
Cuộc điều tra ban đầu kết luận nguyên nhân sự cố hoàn toàn là do các CĐV Liverpool, dẫn đến án cấm tham dự các cúp châu Âu trong 5 năm dành cho các CLB Anh, và thêm 1 năm cho riêng Liverpool.
Trong nhiều năm tiếp theo, UEFA dần bị truy cứu trách nhiệm khi quản lý sân bãi kém, không có kế hoạch kiểm soát CĐV quá khích, và lại tuồn nhiều vé ra ngoài (dẫn đến sự bất mãn của CĐV Liverpool).
5. Sheffield, Anh (15-4-1989)
Thêm một thảm họa nữa bắt nguồn từ các CĐV Anh, lần này diễn ra ở trận bán kết cúp FA giữa Liverpool và Nottingham Forest trên sân trung lập Hillsborough. Một góc khán đài đã đổ sụp xuống vì tình trạng CĐV chen lấn, dẫn đến 96 người thiệt mạng (toàn bộ đều là CĐV Liverpool) và khoảng 700 người bị thương.
Các CĐV bị ép sát vào rào chắn do quá đông, thời điểm trước khi sự cố xảy ra - Ảnh: API
Cũng giống như thảm họa Heysel, mọi trách nhiệm ban đầu được đổ lên đầu cộng đồng người hâm mộ Liverpool. Mãi đến năm 2012, "Lữ đoàn đỏ" mới được minh oan khi 400.000 trang tài liệu liên quan đến vụ việc được công bố.
Nguyên nhân chính của thảm họa Hillsborough là do chất lượng xây dựng tồi, cũng như sự ứng phó kém cỏi của các nhân viên cảnh sát, quản lý…
Thủ tướng Anh khi đó là ông David Cameron đã gửi lời xin lỗi đến gia đình 96 nạn nhân, đồng thời khẳng định các CĐV Liverpool năm đó không phải là nguyên nhân gây ra vụ việc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận