01/04/2021 06:30 GMT+7

Nhìn lại án treo dành cho tiếp viên Vietnam Airlines làm lây lan COVID-19

TUYẾT MAI
TUYẾT MAI

TTO - Tiếp viên hàng không chủ quan trong cách ly, 4 người ở TP.HCM mắc bệnh COVID-19, mức án 2 năm (án treo) cho bị cáo, thiệt hại vật chất mà cơ quan tố tụng xác định được là 4,4 tỉ đồng. Nhưng đây không chỉ là chuyện của bị cáo tại phiên tòa này.

Nhìn lại án treo dành cho tiếp viên Vietnam Airlines làm lây lan COVID-19 - Ảnh 1.

Trường THPT Trần Quang Khải, quận 11, TP.HCM cho toàn bộ học sinh nghỉ học từ 16h ngày 2-12-2020 vì có một học sinh tiếp xúc gần với bệnh nhân liên quan đến tiếp viên hàng không - Ảnh: NHẬT THỊNH

Sau khi làm việc trên chuyến bay từ Nhật Bản về nước, nam tiếp viên Dương Tấn Hậu được đưa đi cách ly tại cơ sở cách ly của Vietnam Airlines. Tại đây, Hậu đã ra khỏi phòng và tiếp xúc với 2 người khác (sau này được xác định nhiễm COVID-19). 

Sau hai ngày cách ly, Hậu có kết quả xét nghiệm âm tính lần 2 với COVID-19 và được về cách ly tại nơi cư trú ở quận Tân Bình. Hai ngày sau đó, Hậu gặp bạn là L.M.S. và cùng nhau đi ăn uống, cà phê, đi học... rồi dương tính với COVID-19 vào ngày thứ 13 sau khi về nước.

Tại phiên tòa, Hậu cho rằng hành vi của mình sai nhưng không đáng để bị xử phạt hình sự bởi hậu quả xuất phát từ sự chủ quan của rất nhiều bên kể cả cộng đồng, hệ thống y tế, trung tâm cách ly... dẫn đến sự chủ quan của Hậu. 

Dư luận đặt ra những tình huống: Nếu như Hậu không vi phạm quy định cách ly, không tiếp xúc với bạn trong khu cách ly, rằng nếu Hậu cách ly đủ 14 ngày như quy định thì nay Hậu có phải đứng trước tòa với vai trò bị cáo không? Nếu quản lý khu cách ly Vietnam Airlines, trạm y tế phường làm hết trách nhiệm thì liệu có hậu quả như đã nêu hay không?

Hàng trăm ngàn học sinh, sinh viên từ bậc tiểu học đến đại học ở TP.HCM phải nghỉ học. Hơn 2.000 người bị cách ly, hàng chục địa điểm bị phong tỏa... 

Bị cáo Dương Tấn Hậu thừa nhận đã rất tự tin sau 2 lần xét nghiệm âm tính nên đã chủ quan. 

Chia sẻ với sự bứt rứt của bị cáo trong những ngày tự cách ly, nhưng chủ tọa phiên tòa cũng buộc Hậu nghiêm khắc nhìn nhận rằng "bị cáo phải cho người khác biết mình là đối tượng đang bị cách ly, không được tiếp xúc với ai. 

Lẽ ra mình phải vì lợi ích cộng đồng. Nếu bị cáo thực hiện cách ly nghiêm túc sẽ không dẫn đến hậu quả 46 người F1 và hàng ngàn người bị cách ly. Từ ý thức chủ quan của mình đã để xảy ra hậu quả khôn lường" - chủ tọa phân tích.

Từ những sai phạm khi tổ chức cách ly, cơ quan chức năng đã có văn bản kiến nghị chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Y tế xử lý các sai phạm trong quá trình tổ chức thực hiện cách ly tại khu cách ly tập trung của Vietnam Airlines.

Đối với quy định về công tác phòng chống dịch bệnh, đề nghị chỉ đạo Sở Y tế nghiên cứu đề xuất bổ sung quy định theo hướng tăng thêm trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc giám sát người bị cách ly; nghiên cứu đề xuất bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cố ý tiếp xúc với người đang bị cách ly y tế.

Lời nhắc từ phiên tòa

Vụ việc tiếp viên hàng không làm lây lan COVID-19 đã khiến cả thành phố lo lắng không yên cùng những xáo trộn không nhỏ với cả trăm ngàn người. Lo lắng lớn dần theo từng thông tin về ca bệnh đặc biệt này.

Trước hết là thông tin người tiếp xúc gần với ca nhiễm này (sau đó cũng là bệnh nhân) đang là giáo viên ngoại ngữ, đi dạy nhiều nơi.

Và lo lắng bùng lên khi người nhà của ca bệnh này làm trong ngành giáo dục, tiếp xúc nhiều trẻ nhỏ. Các ca bệnh đi nhiều nơi công cộng trong khi ủ bệnh. Trong đó, hơn ai hết, tiếp viên hàng không khi đó chưa qua 14 ngày cách ly đã ra ngoài đi ăn, đi học.

Giờ nhớ lại những ngày phải giãn cách, em tôi (là học viên của giáo viên tiếng Anh) vẫn còn nhớ như in nỗi lo lắng khi em phải ngưng học, ngưng làm, bao dự tính dở dang.

Chùm bệnh nhân này may mắn đã dừng lại ở con số 4 người, nhưng lo âu quá lớn. Đó là lo lắng của những người sống ở nơi phải cách ly phòng dịch, những người là F1, F2 của các ca bệnh, rất nhiều người trong số này đang đi học.

Nguy cơ lây lan quá lớn, nếu thành phố chậm một chút thì… hậu quả là điều không dám nghĩ đến. Không chỉ là số tiền Nhà nước chi cho đợt phòng dịch này (có thể thống kê) mà còn bao nhiêu tổn hại trong cộng đồng không thể đo đếm.

Dư luận từng lên án rất gay gắt hành vi của nam tiếp viên này và người đến thăm anh. Nay trước mức án tòa tuyên, dư luận có những ý kiến trái chiều nhau.

Bản án là chuyện một cá nhân nhưng ý thức phòng dịch, tuân thủ nghiêm ngặt cách ly là chuyện không của riêng ai. Bởi thiệt hại về thời gian, cơ hội, thu nhập của các F và nỗi lo lắng trong cộng đồng là chuyện không thể tính hết. Và điều trên hết cần được bảo vệ là sức khỏe và sự bình an của mọi người.

Phiên tòa diễn ra giữa lúc nhiều vụ nhập cảnh trái phép mới và cũ đang gây hậu quả và sự lo sợ trong cộng đồng. Sẽ còn những phiên tòa cùng lời nhắc chung về ý thức chấp hành phòng dịch. Dù bạn là ai cũng phải đặt sức khỏe cộng đồng lên hàng đầu.

MINH ĐỨC (Q.6, TP.HCM)

Tiếp viên Vietnam Airlines: Chấp hành án treo, đi làm được không? Tiếp viên Vietnam Airlines: Chấp hành án treo, đi làm được không?

TTO - Mới đây, TAND TP.HCM đã tuyên phạt nam tiếp viên Vietnam Airlines làm lây lan COVID 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 4 năm. Nhiều người thắc mắc, liệu trong thời gian này người được hưởng án treo có đi làm được không?

TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên