Dự án khu phức hợp Yujingwan của Evergrande còn đang dang dở tại thành phố Lục An - Ảnh: WALL STREET JOURNAL
Hàng dài những cao ốc xây dang dở vẫn đang nằm lặng lẽ tại Lục An, cách thành phố Thượng Hải khoảng 560km về phía tây.
Cách những tòa cao ốc này không xa là một công viên trò chơi trị giá 9 tỉ USD chưa hoàn thành, và một xưởng sản xuất xe điện trị giá 4 tỉ USD bị bỏ hoang.
Theo báo Wall Street Journal, tất cả những công trình này một thời đều là tham vọng của Tập đoàn China Evergrande (Hằng Đại). Nay chúng trở thành bài học về sự phụ thuộc của kinh tế Trung Quốc vào ngành bất động sản.
"Chúng tôi đã bỏ ra khoản dành dụm của cả gia đình cho căn hộ này", người nông dân họ Giang, 59 tuổi, kể lại.
Hồi tháng 8 vừa qua, bà Giang đã mua căn hộ này với giá 890.000 NDT (hơn 138.000 USD) từ một dự án xây dựng 47 tòa chung cư của Evergrande. Công việc xây dựng tại dự án này đã dừng lại từ nhiều tháng trước.
Bà Giang không biết bao giờ dự án sẽ khởi động lại, hay thậm chí nó có được hoàn thành hay không. "Chúng tôi thật sự không biết phải làm gì", bà nói.
Cũng giống như bà, những người mua nhà khác không khỏi hoang mang khi Evergrande rơi vào cuộc khủng hoảng tiền mặt hiện nay. Một phần nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này xuất phát từ các dự án bất động sản tràn lan khắp nơi của Evergrande, giống như ở Lục An.
Theo Wall Street Journal, Evergrande đã khởi công hàng trăm dự án bất động sản tại hơn 200 thành phố của Trung Quốc và dần ôm về khối nợ hơn 300 tỉ USD.
Tham vọng rồi thất vọng
Các thành phố lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải thường có quy định chặt chẽ để quản lý nguồn tài nguyên đất. Vì thế, các công ty bất động sản như Evergrande thường tìm tới những thành phố nhỏ có chính sách thoải mái hơn và đất đai cũng nhiều hơn.
Khi Evergrande bắt đầu mua đất tại Lục An khoảng năm 2011, nơi này vẫn còn là một thị trấn chưa phát triển.
Evergrande từ đó bắt đầu đầu tư chung cư, tòa nhà thương mại, rạp chiếu phim và xưởng sản xuất xe điện tại đây.
Nhìn tổng thể, Evergrande đã tạo ra cả một thị trường cho những dự án của mình với nhóm người mua đa dạng.
Người mua tất thảy tin rằng giá trị của những dự án này sẽ mãi mãi tăng. Ngay cả khi bất trắc xảy ra, họ nghĩ chính phủ cũng sẽ bảo vệ mình.
Đối với lãnh đạo địa phương, các công ty bất động sản như Evergrande là nguồn thu thuế béo bở. Trong nửa đầu năm nay, tiền bán đất của Lục An đã lên đến 1,2 tỉ USD trong khi tổng doanh thu thuế chỉ đạt 900 triệu USD.
Với quyền thu thuế hạn chế, 1/3 doanh thu của các thành phố ở Trung Quốc đều xuất phát từ tiền bán đất cho các công ty bất động sản.
Điểm yếu chí tử trong bức tranh tươi sáng này chính là các dự án nở rộ khắp Trung Quốc đã vượt quá xa so với nhu cầu mua để ở thực sự.
Theo số liệu từ Khảo sát tài chính hộ gia đình Trung Quốc, trong năm 2017, khoảng 21% nhà ở tại khu vực thành thị của Trung Quốc bị bỏ trống, tương đương với 65 triệu căn hộ.
Với sự can thiệp của chính quyền trung ương, các dự án mới đã giảm xuống và kéo theo cả giá nhà ở nhiều nơi.
Theo ước tính của Ngân hàng Goldman Sachs, hoạt động liên quan đến bất động sản hiện chiếm gần 1/3 nền kinh tế Trung Quốc. Ngân hàng này cảnh báo cú sốc trong ngành bất động sản có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường việc làm và nền kinh tế của Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận