23/04/2021 09:30 GMT+7

Nhìn ESL từ Premier League

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TTO - Những CLB tham gia "siêu giải đấu" European Super League (ESL) bị các cựu danh thủ và các CĐV gán cho tội danh "phản bội". Nhưng liệu điều đó có công bằng?

Nhìn ESL từ Premier League - Ảnh 1.

ESL sụp đổ vì các CLB ở Premier League - một giải đấu cũng được ra đời từ những cuộc “cách mạng” bóng đá -Ảnh: Reuters

Hơn 30 năm trước, bóng đá Anh cũng đã trải qua một cuộc chia rẽ gần tương tự, và từ đó Giải ngoại hạng Anh (Premier League) ra đời.

Thay đổi từ sự gian khó

Vào những năm thập niên 1980, thời điểm được xem là suy tàn trong lịch sử bóng đá Anh đánh dấu bằng thảm họa Heysel. Khi đó, một bức tường sân vận động đổ sụp do CĐV Liverpool chen lấn trong trận chung kết UEFA Cup với Juventus tại Bỉ vào năm 1985, làm 39 người thiệt mạng. Án cấm thi đấu 5 năm ở Cúp châu Âu cùng những sân vận động cũ nát, chủ nghĩa hooligan khiến bóng đá Anh mất điểm trầm trọng. 

Và First Division - giải vô địch hạng cao nhất của bóng đá Anh lúc đó - tụt lại phía sau so với Serie A (Ý), La Liga (Tây Ban Nha) về mọi mặt.

Trong những năm khó khăn đó, một cuộc "cách mạng" của bóng đá Anh bắt đầu được thai nghén. Một số CLB hàng đầu của Anh bắt đầu chuyển đổi mô hình kinh doanh, áp dụng các nguyên tắc thương mại vào việc quản lý CLB để tối đa hóa doanh thu. Martin Edwards của M.U, Irving Scholar của Tottenham và David Dein của Arsenal là những người đi đầu trong việc chuyển đổi này.

CLB hưởng lợi

Những năm cuối thập niên 1980, sự thay đổi hiển nhiên một cách tích cực thông qua giá trị bản quyền truyền hình (BQTH). Các CLB gây sức ép với Football League (tổ chức quản lý hệ thống giải bóng đá Anh khi đó) để đòi thêm quyền lợi từ các nhà tài trợ và BQTH. Đồng thời liên minh các CLB ra nhiều yêu sách với các công ty truyền hình.

Kết quả là cả các CLB lẫn Football League đều có lợi. Giai đoạn năm 1986-1988, Football League chỉ nhận được 6,3 triệu bảng Anh từ BQTH. Nhưng vào năm 1988, họ ký hợp đồng 4 năm với ITV trị giá 44 triệu bảng Anh (tăng hơn gấp 3 lần). Còn với các CLB, khoản chia của họ cũng tăng mạnh, từ 25.000 bảng mỗi năm/CLB (trước năm 1986) tăng lên đến 600.000 bảng (sau năm 1988).

Nhưng chừng đó là chưa đủ, top 5 CLB hàng đầu bóng đá Anh khi đó gồm Liverpool, M.U, Arsenal, Everton và Tottenham quyết tâm rời khỏi Football League để thành lập một giải đấu mới. Phó chủ tịch David Dein là người đàm phán với Hiệp hội Bóng đá Anh (FA) để hậu thuẫn liên minh các CLB trong việc tách khỏi Football League.

May mắn cho họ, FA cũng không thuận thảo lắm với Football League và sẵn sàng hậu thuẫn. Cuối cùng, mọi việc được thống nhất vào tháng 6-1991, đánh dấu sự ra đời của Premier League một năm sau đó.

Câu hỏi của Perez

Tất nhiên, sự hình thành Premier League và ESL không hoàn toàn giống nhau. ESL có quy mô lớn hơn nhiều, và liên minh các CLB không đạt được một thỏa thuận với các cơ quan thượng tầng như những gì "Big 5" của Anh làm được 30 năm trước.

Hơn 30 năm trước, bóng đá Anh lao đao và cần cải tổ để vươn lên. Còn ngày nay, đại dịch đã làm suy thoái mọi thứ. Nếu làng bóng đá không tạo ra sự thay đổi kịp thời, cái giá phải trả là rất đắt. Lấy một ví dụ, lương của Messi là cao nhất thế giới. Nhưng ảnh hưởng từ đại dịch buộc anh phải cắt giảm 70% lương để giúp CLB Barca. Vì vậy, thu nhập của Messi giờ đây thấp hơn cả... David De Gea.

Không chỉ Messi, cả 3 đội bóng mạnh nhất La Liga là Real Madrid, Barca và Atletico đều phải giảm lương cầu thủ cùng HLV. Chủ tịch ESL Florentino Perez không hề sai khi đặt ra câu hỏi: "Chúng ta phải giảm lương, tại sao chủ tịch UEFA lại không?".

ESL đã thất bại nhưng người hâm mộ cũng cần mở lòng hơn với những nỗ lực cải cách bóng đá.

Perez tuyên bố không đầu hàng

Một ngày sau khi ESL sụp đổ, trong buổi phát biểu chính thức đầu tiên, chủ tịch Florentino Perez tuyên bố chưa đầu hàng. Ông khẳng định ESL vẫn đang đặt trong trạng thái "chờ", đồng thời chỉ trích LĐBĐ châu Âu (UEFA) đã dùng mọi chiêu trò truyền thông bẩn để ngăn cản các CLB tham gia ESL.

"Mọi thứ là một vở kịch của UEFA. Dự án vẫn đang trong trạng thái chờ, và chúng tôi vẫn đang cùng nhau làm việc. Không có ai rời đi cả. 12 đội bóng đã ký thỏa thuận ràng buộc với nhau", ông Perez nói. Qua phát biểu này, có thể thấy các CLB cũng không thể đơn phương rút khỏi ESL như tuyên bố đơn giản của họ.

Barcelona tuyên bố ở lại Barcelona tuyên bố ở lại 'siêu giải đấu' Super League

TTO - Bất chấp sự phản đối từ nhiều phía, ban lãnh đạo CLB Barcelona vẫn kiên quyết sẽ tiếp tục tham gia vào kế hoạch tổ chức "siêu giải đấu" European Super League.

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên