Nhìn chiến lược thể thao từ y tế

HUY THỌ 23/11/2024 10:18 GMT+7

TTCT -Người Việt ngày nay sống thọ hơn, nhưng sức khỏe thì có vấn đề khi bình quân có đến 14 năm sống trong bệnh tật…

Đó là thông tin từ ngành y tế, trong khi hội nghị triển khai Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch tổ chức hôm 12-11 toàn nói chuyện đâu đâu!

Khi bệnh viện lấn sân thể thao!

Vài năm gần đây, cứ mỗi lần đi ngang sân vận động Quân khu 7 ở TP.HCM, tôi cứ thấy gờn gợn thế nào, khi bao quanh toàn biển chỉ dẫn vào một bệnh viên tư nhân tên tuổi đang rất ăn nên làm ra. 

Đi vào bên trong mới thấy các công trình phục vụ thể thao đang thu hẹp nhường chỗ cho bệnh viện đang phát triển rất tốt. Cái sự gờn gợn trong tôi có lẽ là do mong muốn bệnh viện mà thu hẹp, nhường chỗ cho sân thể thao thì tốt hơn.

Nhìn chiến lược thể thao từ y tế - Ảnh 1.

Môn roller đang phát triển khá mạnh, hoàn toàn do công sức của tư nhân. Trong ảnh: các thiếu niên chơi môn roller ở SVĐ Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Minh Trí

Quan điểm của Chính phủ thể hiện ở "Chiến lược phát triển thể dục thể thao giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2045", mới được phê duyệt ngày 15-10-2024, ghi rất rõ ngay phần đầu tiên về "quan điểm" trong chiến lược: 

"Thể dục, thể thao đóng vai trò quan trọng và trực tiếp trong nâng cao sức khỏe, tăng cường thể lực, tầm vóc, phòng chống bệnh tật, tăng tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của nhân dân".

Còn tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng bệnh của Bộ Y tế gởi Chính phủ năm 2023 cho biết mức độ hoạt động thể lực của người dân Việt Nam còn thấp. Gần 1/4 dân số (22,2%) thiếu hoạt động thể lực (không đạt mức theo khuyến nghị của WHO). Gần 1/5 dân số (19,5%) bị thừa cân, trong đó có 2,1% béo phì…

Hay mới nhất, hôm 4-10-2024, tại Hội nghị lão khoa quốc gia lần thứ 5, TS.BS Nguyễn Trung Anh, giám đốc Bệnh viện Lão khoa trung ương, chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam, cho biết: 

"Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam cao nhưng sức khỏe yếu, trung bình 14 năm sống trong bệnh tật, nhiều người đồng thời mắc 3-6 bệnh nền... Việt Nam là một trong 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới".

Trong bối cảnh như vậy, lẽ ra hội nghị triển khai nghị quyết của Chính phủ về Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam từ nay đến 2030, tầm nhìn đến 2045, Bộ VH-TT&DL phải dành nhiều thời gian để bàn thảo vấn đề này. Nhưng không, tuyệt nhiên không có một tham luận nào về chuyện cải thiện sức khỏe người Việt nào được trình bày tại hội nghị.

Thậm chí, một hội nghị mà nhiều người tham dự cho rằng với tầm quan trọng của nó, lẽ ra phải tổ chức ít nhất trong một ngày, thậm chí còn hơn thế nữa, thì trên thực tế chỉ diễn ra trong chưa đến 3 giờ đồng hồ vào sáng 12-11. 

Tại đó, sau bài phát biểu khai mạc của Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, có 4 tham luận được trình bày (của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), của TP.HCM, của doanh nghiệp và của "lão tướng" làng thể thao Nguyễn Hồng Minh). 

Kết thúc hội nghị là bài phát biểu kết luận của vị thứ trưởng, vốn đã được gởi cho báo chí ngay từ trước khi khai mạc, trong đó khẳng định hùng hồn: 

"Sau gần 3 giờ làm việc khẩn trương, nghiêm túc, "Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" của chúng ta đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Hội nghị đã nhận được... [để điền vào chỗ trống] ý kiến tham luận, phát biểu và trao đổi hết sức cởi mở, dân chủ, thẳng thắn, đóng góp tại hội nghị lần này".

Với cách thức tổ chức đó, không có gì bất ngờ khi nền thể thao nước nhà tiếp tục trì trệ.

Bóng đá có mặt ở World Cup 2030!

Trong các tham luận được trình bày tại hội nghị, người ta chú ý nhiều đến bài của phó chủ tịch VFF, với ý chính là đặt ra mục tiêu đến 2030, bóng đá VN sẽ có mặt ở vòng chung kết World Cup.

Rất nhiều người hâm mộ bóng đá khi nghe đến mục tiêu này đã mỉa mai: Các nhiệm kỳ trước của VFF đặt mục tiêu dự World Cup năm 2026 rồi kia mà! Vị chủ tịch VFF nêu chỉ tiêu dự World Cup 2026 nay đã quá cố. 

Còn 5 năm nữa, nếu bóng đá Việt không đạt chỉ tiêu góp mặt World Cup 2030 thì đó là chuyện hạ hồi phân giải, có chắc gì những người đương nhiệm khóa này trong bộ máy VFF còn ngồi đến lúc đó. Mà cho dù có ngồi đến đó đi nữa thì cũng chả ai làm gì được nhau, vì đó là "mục tiêu" mà!

Trong khi cứ đưa ra mục tiêu cao vời vợi thì bóng đá Việt vẫn tồn tại những căn bệnh cũ muôn thuở, như chuyện một ông chủ nuôi nhiều đội bóng, chuyện bóng đá không sống bằng nguồn thu bền vững, là đào tạo trẻ được chăng hay chớ… 

Ngay ASEAN Cup sắp diễn ra vào tháng 12 tới, đội tuyển Việt Nam tham dự với một tâm thế nhiều lo âu khi người hâm mộ không có nhiều niềm tin, lứa thế hệ vàng đã tàn mà lớp kế cận khá yếu ớt. 

Điều đó chứng minh rằng chuyện đào tạo trẻ của bóng đá Việt đúng là "nuôi lúa ma", hên thì gặt và tự hào vơ công do mình vun trồng, còn không hên thì tại… ông trời!

Ở hai bài tham luận còn lại cũng được xem là quan trọng, một của đại diện thể thao TP.HCM, thì nội dung khá chung chung, với những cụm từ thời thượng như "chuyển đổi số", "AI". Lâu nay, nói về sự đi xuống của thể thao TP.HCM, nhiều người vẫn cứ đổ cho cơ sở vật chất của thành phố lớn nhất nước quá nghèo nàn. 

Nhưng không ai chịu nhìn thẳng vào vấn đề khủng hoảng con người quản lý. Đúng là sân bãi thể thao TP.HCM không xứng với tầm vóc của một địa phương đóng góp nhiều nhất cho ngân sách quốc gia, nhưng điều đó không có nghĩa là hoàn toàn không có chỗ để tổ chức những sự kiện thể thao lớn. 

Ví dụ 20 năm trước, mỗi năm TP.HCM tổ chức không biết bao nhiêu giải bóng chuyền, quần vợt quốc gia, quốc tế; nhưng cả chục năm nay hoàn toàn vắng bóng. Chí ít, sân Phú Thọ vẫn còn đó, vẫn đảm bảo về chất lượng, nhưng ai làm đó mới là vấn đề.

Cuối cùng, tham luận "nặng ký" thứ ba tại hội nghị là của một doanh nghiệp, nói về chuyện xã hội hóa trong thể thao. Phải nói rằng điểm son lớn nhất của thể thao Việt mấy năm gần đây chính là mảng do tư nhân và xã hội làm. 

Phong trào chạy bộ ngày càng rầm rộ, người Việt chạy marathon ngày càng nhanh, càng nhiều là hoàn toàn do xã hội tự thân vận động. Hàng loạt môn thể thao mới xuất hiện, phát triển rầm rộ như ba môn phối hợp, roller (trượt patin), bóng xốp (pickleball)… cũng là dấu ấn của xã hội, chứ không phải do cơ quan quản lý nhà nước. 

Một câu nói đùa cửa miệng của giới doanh nhân tham gia làm thể thao là: Công lớn nhất của các cơ quan nhà nước quản lý thể thao là… không cấm chúng tôi làm!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận