04/08/2024 16:22 GMT+7

Nhìn chiếc radio, rưng rưng nhớ hành động của cha năm tôi đậu đại học

Ngắm nhìn chiếc radio, tôi lại nhớ đến những năm tháng tuổi thơ quây quần bên mâm cơm chiều văng vẳng tiếng phát thanh chương trình thời sự, nhớ tiếng trách móc của cha khi tôi từ chối nhận số tiền ông đã bán chiếc radio để tôi nhập học.

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Những ngày chợt nắng chợt mưa, ven đường phượng nở đỏ rực một góc trời. Thời điểm cho biết bao sĩ tử ươm từng ước mơ xanh thắm qua các kỳ thi bước chân vào ngưỡng cửa đại học.

Lòng tôi lại dâng trào bao xúc cảm dạt dào trong lúc dọn dẹp lại ngăn tủ khi phát hiện chiếc radio đã hỏng, cũ sờn từng gắn bó với cha như hình với bóng.

Ngày ấy, được mùa tôm cá. Mẹ mua tặng cha chiếc radio để nghe tin tức thời sự, dự báo thời tiết hằng ngày. 

Chiếc radio được cha nâng niu như báu vật, nó luôn đồng hành từ thuở ánh điện chưa có trong mỗi gia đình cho đến lúc công nghệ hiện đại phát triển cùng bao chiếc tivi đời mới thông minh.

Mặc dù sau này cuộc sống đủ đầy những phương tiện truyền tải tin tức, giải trí, cha vẫn dành tình cảm thủy chung với cái đài xưa cũ năm nào. Cha vẫn ôm nó lên giường nghe tin tức, văn nghệ với từng vở cải lương, câu vọng cổ hằng đêm.

Thời gian như vòng xoay vô hình vụt thoáng trôi nhanh. Cha tôi mang căn bệnh lẫn lộn nhớ quên khi tuổi già. Nhưng mỗi khi đến giờ phát thanh chương trình thời sự ông đều nhớ như in. 

Tôi biết rằng cha tôi trân quý chiếc radio bởi nó đã gắn bó thân thiết cạnh ông từ những năm tháng gian khó thăng trầm của cuộc sống.

Đó là những khi mùa mưa bão đổ về, nhờ tin tức dự báo thời tiết trên đài mà cha cùng mẹ chủ động trong việc chằng chống lại căn nhà cho chắc chắn.

Đó là những ngày lễ kỷ niệm trọng đại của đất nước, giọng cha vang xa khoảng không gian trong góc nhà khi hòa cùng những bài hát hào hùng trên đài FM. Để cha được thả hồn hồi tưởng những tháng năm tham gia kháng chiến cứu nước.

Và bao đêm khuya phải thức canh những chiếc lú cá tôm đặt dưới lòng sông. Thỉnh thoảng tôi tỉnh giấc ngủ say, lắng nghe giọng đọc dạt dào cảm xúc của phát thanh viên phát ra từ chiếc radio với những câu chuyện đêm khuya đã nuôi dưỡng tâm hồn văn chương trong tôi đến tận bây giờ…

Nhớ mãi năm tôi đậu đại học, nhận được tin mẹ vừa mừng vừa lo. Bởi giờ đây chỉ một mình mẹ gánh vác mưu sinh trong gia đình khi cha tôi, trụ cột chính, phải mang căn bệnh lẫn lộn trong tâm trí.

Buổi sáng năm ấy, thấy tôi cầm giấy báo nhập học được gửi đến, cha lựng khựng đến bên cạnh dúi vào tay tôi hai trăm nghìn đồng. Đó là số tiền cha đã bán chiếc radio cho bác bảo vệ ở trường học gần nhà. 

Tôi vùng vằng nói với cha rằng "con có thể vừa học, vừa làm, với lại chỉ bao nhiêu đó cũng không thể lo đủ học phí…". Rồi vội đến tìm bác bảo vệ xin chuộc lại vật quý giá ấy để cất giữ cho đến hiện tại.

Cha tôi giờ đây cũng đã về với miền mây trắng. 

Ngắm nhìn chiếc radio bàng bạc dấu thời gian, tôi lại nhớ đến những năm tháng tuổi thơ quây quần bên mâm cơm chiều văng vẳng tiếng phát thanh chương trình thời sự. 

Rồi lại nhớ tiếng trách móc của cha năm nào khi tôi từ chối nhận số tiền ông đã bán chiếc radio để tôi trang trải bước vào ngưỡng cửa đại học...

Cha cõng con nghe nhạc Trịnh trên phố Trịnh Công SơnCha cõng con nghe nhạc Trịnh trên phố Trịnh Công Sơn

Xưa Khánh Ly mặc áo dài, đi chân đất hát ở Quán Văn cho thanh niên Sài Gòn nghe, nay ca sĩ Lôi Thủy, Minh Thu cũng áo dài trên ‘sân khấu’ giản đơn ở phố Trịnh Công Sơn, Hà Nội hát cho thanh niên, người già, những em nhỏ trên vai bố.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên