Thực tế cho thấy vấn đề hàng quán bủa vây trường học diễn ra khắp nơi, từ thành thị cho đến nông thôn. Mặc dù các chuyên gia, cơ quan chức năng đã cảnh báo nguy cơ ngộ độc thực phẩm nhưng việc xử lý vẫn không hiệu quả, tình trạng ấy vẫn tái diễn.
Nhân viên bảo vệ của trường cùng lực lượng chức năng có giải tán những người bán hàng rong, nhưng chỉ ít phút sau mọi thứ lại đâu vào đó.
Đáng nói là, căn cứ nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp và nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định về cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, có thể thấy những người bán hàng rong không phải đăng ký kinh doanh cũng không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Chính việc này có thể gây ra một số hệ lụy như gây cản trở giao thông, mất trật tự công cộng, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động trái phép.
Trong khi đó, một số nước trên thế giới lại quy định rất nghiêm ngặt đối với việc bán hàng rong, đặc biệt ở những nơi nhạy cảm như trước trường học.
Theo đó, mọi chủ thể hoạt động buôn bán và cung cấp thực phẩm đều phải đạt được các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, được hỗ trợ đào tạo, bị kiểm tra giám sát và phải chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu như không tuân thủ. Bởi đây là nơi mà các cháu nhỏ còn non nớt, thiếu nhận thức cũng như chưa biết tự bảo vệ mình trước những sản phẩm độc hại, không an toàn, không vệ sinh.
Thiết nghĩ, đã đến lúc phải có những quy định cụ thể tạo hành lang pháp lý để các cơ quan chức năng có thể thực hiện các hoạt động quản lý và cũng nhằm tăng cường nhận thức của những người bán hàng rong để họ có thể vừa kinh doanh nhưng cũng có trách nhiệm với xã hội.
Cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ từ các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhà trường và gia đình để xóa bỏ tình trạng hàng rong bát nháo trước cổng trường như hiện nay vì sức khỏe, sự an toàn của hàng chục triệu học sinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận