Việc thực hiện các quy định về kiểm soát chất lượng văn bản quy phạm pháp luật được Luật năm 2008 và Luật năm 2004 quy định rõ. Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Tư pháp thể hiện phạm vi thẩm định văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu tính bao quát, tính phản biện trong văn bản thẩm định chưa cao. Có trường hợp còn để lọt những quy định thiếu hợp lý, không khả thi làm dư luận phản ứng.
Ông Lê Văn Tâng (phó giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội) cho biết: “Mặc dù thẩm định là khâu quan trọng của quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhưng giá trị pháp lý bắt buộc của văn bản thẩm định lại không được quy định rõ trong luật. Vì vậy, văn bản thẩm định chỉ được xem như một kênh thông tin để ban soạn thảo tham khảo. Việc tiếp thu ý kiến thẩm định có nơi còn bị xem nhẹ, coi đây là công đoạn mang tính hình thức. Thậm chí có một số trường hợp mặc dù không có văn bản thẩm định nhưng dự thảo văn bản vẫn được trình các cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến”.
Theo ông Tâng, hiện nay việc lấy ý kiến vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan soạn thảo chưa được quan tâm đúng mức. Việc lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản còn có mặt hạn chế do yêu cầu về thời gian, hình thức tổ chức và kinh phí bố trí cho hoạt động này còn rất eo hẹp.
Báo cáo của Bộ Tư pháp cho thấy tình trạng nợ đọng văn bản vẫn còn rất đáng báo động: có chưa tới 60% số văn bản được ban hành đúng theo hạn chương trình, kế hoạch. Một thông tư của bộ soạn thảo thường bị chậm hơn sáu tháng so với yêu cầu, mỗi nghị định, quyết định của Thủ tướng các bộ trình chậm hơn tám tháng so với yêu cầu đặt ra về tiến độ, vì vậy có không ít văn bản của cơ quan trung ương ban hành đã có hiệu lực nhưng không thể áp dụng.
Ông Vũ Đức Khiển (nguyên chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cho biết: “Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 có rất nhiều điều quy định không có tính khả thi. Ví dụ như chúng ta quy định về thời hạn để trình dự án luật, nếu như Quốc hội khai mạc kỳ họp vào tháng 4-2014 thì vào tháng 9-2013 các cơ quan không phải là của Chính phủ đã phải có dự án trình rồi. Đây là theo quy định thời hạn của luật. Chính vì quy định thời hạn như vậy đã diễn ra tình hình các cơ quan của Quốc hội “bắc nước chờ gạo”. Quy định gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội 20 ngày trước khi khai mạc kỳ họp Quốc hội nhưng rất ít khi thực hiện được”. Theo ông Khiển, đây là những hạn chế rất lớn. Có trường hợp luật thay đổi rồi cũng chưa ban hành kịp được văn bản hướng dẫn. Luật ban hành rồi phải thi hành được, tình trạng luật ban hành rồi mà dân kêu thì nguy lắm, luật vừa ban hành mà đã phải sửa còn nguy hơn. Có những bộ luật chưa thi hành đã sửa rồi.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh công tác xây dựng luật cần chú trọng để pháp luật phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của nhân dân, pháp luật phải vì dân và tính nhân dân trong pháp luật phải được thể hiện rõ hơn nữa.
“Mục đích của pháp luật là đảm bảo trật tự kỷ cương xã hội, hướng xã hội đến sự phát triển ổn định, đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể. Điều đó thể hiện sự nhân văn, nhân đạo của pháp luật. Cần có các giải pháp mạnh mẽ để đảm bảo mọi hành vi của cơ quan, công chức cần phải tuân theo pháp luật. Cần có cơ chế hiện hữu để mọi người dân, nhất là những đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, có thể tham gia góp ý kiến để phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đảm bảo luật thật sự là của dân, do dân và vì dân” - Phó thủ tướng phát biểu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận