Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn (thứ ba từ phải) đang lật từng trang thư tịch cổ có liên quan, chứng minh hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam tại Văn khố quốc gia Hà Lan - Ảnh: Phạm Xuân Nghị |
Hai trăm năm trước, năm 1816, vua Gia Long đã đưa thủy quân ra cắm cờ trên quần đảo Hoàng Sa, tuyên bố mạnh mẽ về chủ quyền của Nhà nước Việt Nam trên quần đảo này cũng như Biển Đông. PGS.TS Đỗ Bang - chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên - Huế, trong bài phát biểu đề dẫn hội thảo - cho biết:
“Hai trăm năm qua, chủ quyền về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có nhiều biến động, nhưng lịch sử chủ quyền Việt Nam đối với Biển Đông và hai quần đảo này vẫn không thay đổi!”.
Các đời chúa và vua liên tục xác định chủ quyền
Kết quả nghiên cứu của hàng chục chuyên gia sử học gửi đến hội thảo đã cung cấp một lượng tư liệu lớn về việc xác lập chủ quyền đối với Biển Đông, Biển Tây và hệ thống đảo trên các vùng biển này của các quốc gia Đại Việt, Việt Nam, Đại Nam, Quốc gia Việt Nam, Việt Nam dân chủ cộng hòa, Việt Nam cộng hòa (VNCH), Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Kể cả tài liệu về sự xâm chiếm của các đế quốc Pháp, Nhật, Mỹ cũng cho thấy rõ hơn chủ quyền của Việt Nam trên các vùng biển đảo này, nhất là với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam - cho biết các cuộc khai quật khảo cổ tiến hành suốt những năm từ 1993 đến 1999 ở bốn đảo Trường Sa Lớn, Nam Yết, Sinh Tồn và Sơn Ca và các cuộc thám sát khảo cổ trên sáu đảo khác ở quần đảo Trường Sa đã phát hiện được các di tích, di vật thuộc thời đại sắt sớm (tương đương thời văn hóa Sa Huỳnh muộn - Champa sớm).
Cuộc khảo sát tiếp theo vào năm 2014 trên bốn đảo thuộc Trường Sa lại phát hiện thêm hiện vật gốm giống với gốm Sa Huỳnh - nền văn minh của cư dân tiền sử Việt Nam. GS Ngọc khẳng định: “Hoàn toàn có cơ sở để khẳng định trên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã có người từ thời tiền sử đến người Việt Nam trong nhiều thế kỷ, liên tục đến ngày nay, qua lại, làm ăn và cư trú”.
Hoàn toàn có cơ sở để khẳng định trên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã có người từ thời tiền sử đến người Việt Nam trong nhiều thế kỷ, liên tục đến ngày nay, qua lại, làm ăn và cư trú |
Việc khai thác và xác lập cơ sở đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thể hiện rõ nhất vào đầu thế kỷ 17, khi chúa Nguyễn lập vương quốc Đàng Trong. ThS Nguyễn Thị Hải (Viện Sử học) cho biết vùng biển đảo này là “những khoảng đất trống, là cơ hội để các chúa Nguyễn lập nghiệp”. Các đời chúa đã đưa dân ra khai hoang, thu lượm hải vật ở đảo, thành lập các đội khai thác xa bờ, sắm sửa vũ khí, thuyền chiến, rèn luyện quân lính và ngư dân để bảo vệ chủ quyền.
Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, việc thực thi chủ quyền trên hai quần đảo này bắt đầu từ đời chúa Nguyễn thứ hai - Nguyễn Phúc Nguyên - với việc thành lập đội Hoàng Sa (khoảng cuối thập kỷ 1620). Từ đó qua các đời chúa Nguyễn, vùng biển đảo này mặc nhiên là của Đàng Trong.
Theo nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh (Huế) thì từ đời vua Quang Trung đến vua Quang Toản tiếp tục tiếp quản các đội Hoàng Sa, Bắc Hải trấn giữ cả vùng Biển Đông, Biển Tây và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Đoạn viết về vua Gia Long tuyên bố chiếm hữu quẩn đảo Hoàng Sa 1816 trong sách Die Erdkunde von Asien bằng tiếng Đức - Tư liệu của Ts Trần Đức Anh Sơn |
Vua Gia Long lấy lại vương quyền từ nhà Tây Sơn, lập ra nhà Nguyễn, đồng thời tuyên bố chính thức và mạnh mẽ về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa vào năm 1816, cho người ra cắm cờ trên quần đảo. Sự kiện này, theo TS Trần Đức Anh Sơn, được ghi nhận trong 9 tài liệu viết bằng các ngôn ngữ: Hán, Anh, Pháp, Ý, Đức...
Các đời lãnh đạo quốc gia tiếp tục khẳng định
Du khách được giới thiệu về các tài liệu chủ quyền quần đảo Hoàng Sa tại Nhà trưng bày hải đội Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn - Ảnh: Minh Tự |
Nhà Nguyễn chấm dứt và sau đó ra đời chính thể Quốc gia Việt Nam (thuộc Liên hiệp Pháp, tồn tại từ giữa năm 1948 đến 1955) do quốc trưởng Bảo Đại đứng đầu. Chính phủ Quốc gia Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
ThS Nguyễn Quang Trung Tiến (Trường đại học Khoa học Huế) cung cấp thêm nhiều tư liệu quý giá về tính pháp lý trong việc tiếp nối cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo thời Pháp thuộc.
Trong đó có lời tuyên bố đưa ra của thủ tướng Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu tại Hội nghị San Francisco (Mỹ) từ ngày 5 đến 8-9-1951, với sự tham gia của 51 nước đồng minh trong Thế chiến thứ hai: “Chúng tôi xác định chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
Đại diện của 51 quốc gia không có ý kiến gì, như thông lệ quốc tế tức là họ đã công nhận lời tuyên bố. Theo PGS.TS Đỗ Bang, Hội nghị San Francisco 1951 là hội nghị đầu tiên có nội dung bàn về chủ quyền biển đảo ở Biển Đông và thừa nhận tính pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Đến nay, chưa có hội nghị thứ hai điều chỉnh hay bác bỏ các tuyên bố tại hội nghị này.
Từ năm 1954, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của VNCH và chính thể này tiếp tục làm công việc mà tiền bối đã làm đối với biển đảo - nơi không ngừng nghỉ các cuộc tranh giành của các nước lớn.
ThS Nguyễn Đình Dũng (Trường đại học Phú Xuân - Huế) cho biết Trung Quốc đã bất chấp Công ước San Francisco 1951, chiếm đóng một nhóm đảo nhỏ của quần đảo Hoàng Sa vào năm 1956. Ngoại trưởng VNCH Vũ Văn Mẫu lên tiếng phản đối và hải quân của VNCH được đưa ra cắm cờ, dựng bia chủ quyền và kiểm soát quần đảo này.
Khi Trung Quốc đổ quân đánh chiếm Hoàng Sa vào tháng 1-1974, tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu tiếp tục ra tuyên bố phản đối. PGS.TS Ngô Văn Minh (Học viện Chính trị quốc gia 3 ở Đà Nẵng) cho biết các tài liệu ông đọc được cho thấy cùng lúc đó ở miền Bắc, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn cũng đã tỏ thái độ phản đối quyết liệt.
ThS Lưu Anh Rô (Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng) cho rằng: suốt cả một quá trình lịch sử từ thời Đàng Trong đến mãi tận sau này, người đứng đầu của quốc gia Việt Nam đều tuyên bố rõ ràng và mạnh mẽ chủ quyền của quốc gia mình đối với Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
TS Nguyễn Nhã khẳng định: “Trong các nước tranh chấp ở Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, chưa có quốc gia nào các vị nguyên thủ lại liên tục nhau tuyên bố về chủ quyền như quốc gia Việt Nam. Một sự khẳng định mang tính nhà nước. Điều đó càng cho thấy chính nghĩa của Việt Nam trong việc này”.
Phản đối Trung Quốc kỷ niệm cái gọi là “70 năm thu hồi Hoàng Sa, Trường Sa” Chiều tối 12-12, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra thông cáo kiên quyết phản đối việc hải quân Trung Quốc tổ chức kỷ niệm cái gọi là “70 năm thu hồi Hoàng Sa, Trường Sa”. Trả lời câu hỏi của phóng viên về vụ việc này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ: “Hoạt động nói trên của Trung Quốc không thể làm thay đổi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đi ngược lại xu thế phát triển quan hệ hiện nay giữa hai nước, gây phức tạp tình hình. Việt Nam kiên quyết phản đối”. Ông Bình tái khẳng định Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, lãnh thổ lâu đời của Việt Nam. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, cộng đồng quốc tế đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với hai quần đảo này. D.AN |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận