Vụ cháy tại kho chứa hàng ở chung cư Rubyland, Q.Tân Phú (TP.HCM) vào giữa tháng 1-2018 khiến cư dân hoảng loạn chạy xuống sân - Ảnh: TIẾN LONG
Nhiều công trình cổ, kho tàng, kho lưu trữ... trên địa bàn TP.HCM cũng chưa có bảo hiểm cháy nổ vì doanh nghiệp bảo hiểm khó xác định giá trị của những tài sản này
Thượng tá NGUYỄN ĐỨC VINH
Đây là căn cứ để cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) kiểm tra, xử phạt các cơ sở không mua bảo hiểm cháy nổ (BHCN).
Tuy nhiên, theo thượng tá Nguyễn Đức Vinh - phó Phòng hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy Cảnh sát PCCC TP.HCM, trên thực tế có những trường hợp khó xác định được đối tượng xử phạt.
Gần 2.000 công trình có nguy cơ cháy chưa mua bảo hiểm
Theo thượng tá Nguyễn Đức Vinh, toàn TP hiện có trên 10.000 công trình có nguy cơ về cháy nổ (theo nghị định 79 năm 2014). Trong đó, chỉ hơn 8.300 công trình có mua BHCN (chiếm khoảng 75%).
Cụ thể, các chung cư, nhà tập thể chưa thành lập ban quản trị gần như không mua BHCN. Số khác do cư dân không thống nhất mua BHCN phần căn hộ, nên ban quản trị cũng chỉ mua bảo hiểm những phần chung...
Ông Vinh cũng nêu thực tế có những doanh nghiệp, người dân xây kho bãi cho thuê. Chủ kho bãi có nhà, xưởng, bên thuê đưa máy móc thiết bị đến hoạt động nên bên thuê chỉ mua bảo hiểm cho máy móc thiết bị chứ không mua bảo hiểm cho nhà kho, nhà xưởng.
Còn tại các chợ truyền thống, ban quản lý chợ chỉ mua bảo hiểm cho nhà lồng chợ, còn những sạp chợ phải do tiểu thương mua. Giống như tình trạng tại các chung cư nói trên, nhiều tiểu thương không chịu mua BHCN.
Theo thượng tá Vinh, nghị định 23 quy định phải mua BHCN cho cả tòa nhà và các công trình, thiết bị kèm theo. Vì vậy, những công trình có nguy cơ cháy nổ không mua BHCN hoặc mua không đầy đủ như trên sẽ bị xử phạt.
Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp khó xác định được đối tượng xử phạt.
"Ban quản trị chung cư chỉ là người được cư dân bầu ra và nhận ủy quyền của các chủ sở hữu trong tòa nhà để thương thảo hợp đồng và mua bảo hiểm. Còn xử lý các chủ căn hộ thì người dân lập luận rằng từng căn hộ không thuộc đối tượng mua BHCN bắt buộc nên rất khó xử lý" - ông Vinh nói.
Ngoài ra, tại TP.HCM còn có khoảng 1.000 công trình có nguy cơ về cháy nổ nhưng tồn tại trước khi Luật PCCC có hiệu lực (năm 2001). Những công trình này không bảo đảm về PCCC, không được thẩm duyệt về PCCC nên các cơ sở không bán BHCN.
Bán bảo hiểm sai cũng bị xử lý
Theo thượng tá Vinh, từ năm 2014, những quy định mới ban hành hủy bỏ hiệu lực của những văn bản cũ nên cơ quan PCCC thiếu quy định đồng bộ để xử phạt các cơ sở vi phạm. "Sắp tới, theo nghị định 23, không mua BHCN thì bị phạt đến 80 triệu đồng" - thượng tá Vinh cho biết.
Điểm mới của nghị định 23 so với các văn bản trước là việc bán BHCN phải đúng quy định, nếu bán sai sẽ bị xử lý.
Cụ thể, doanh nghiệp bán bảo hiểm có quyền từ chối bán BHCN khi cơ sở chưa có nghiệm thu về PCCC; cơ sở không có biên bản kiểm tra về PCCC hoặc biên bản kiểm tra đã quá một năm; cơ sở đang bị tạm đình chỉ hoạt động do vi phạm về PCCC.
Một điểm mới nữa của nghị định 23 là hằng năm Bộ Công an phải công bố cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ trên cổng thông tin điện tử của bộ (trừ cơ sở an ninh quốc phòng).
Các cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ
Theo nghị định 79 năm 2014, các cơ sở sau đây thuộc trường hợp có nguy hiểm về cháy nổ:
- Học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp, trường dạy nghề, trường phổ thông và trung tâm giáo dục có khối lớp học với khối tích từ 5.000m3 trở lên; nhà trẻ, trường mẫu giáo có từ 100 cháu trở lên.
- Bệnh viện tỉnh, bệnh viện thuộc bộ, ngành quản lý; nhà điều dưỡng và các cơ sở y tế khác có quy mô từ 21 giường trở lên.
- Trung tâm hội nghị, nhà hát, nhà văn hóa, rạp chiếu phim, rạp xiếc có từ 300 chỗ ngồi trở lên; nhà thi đấu thể thao trong nhà có từ 200 chỗ ngồi trở lên; sân vận động có từ 5.000 chỗ ngồi trở lên; vũ trường, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí đông người có khối tích từ 1.500m3 trở lên; công trình công cộng khác có khối tích từ 1.000m3 trở lên.
- Bảo tàng, thư viện, triển lãm, nhà lưu trữ cấp huyện trở lên; di tích lịch sử, công trình văn hóa, nhà hội chợ cấp tỉnh trở lên.
- Chợ do UBND cấp huyện trở lên quản lý; các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bách hóa có diện tích từ 300m2 trở lên hoặc có khối tích từ 1.000m3 trở lên.
- Nhà chung cư; nhà đa năng, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000m3 trở lên.
- Trụ sở cơ quan hành chính nhà nước; viện, trung tâm nghiên cứu, trụ sở làm việc của các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức khác từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000m3 trở lên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận