30/11/2021 14:14 GMT+7

Nhiều trường đại học tại Mỹ có nguy cơ phá sản

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Nhiều trường đại học, cao đẳng tại Mỹ đang đối mặt với nguy cơ phá sản khi số sinh viên ghi danh đại học trong năm nay giảm thêm 3,5% so với năm ngoái.

Nhiều trường đại học tại Mỹ có nguy cơ phá sản - Ảnh 1.

Bloomfield College tại New Jersey, Mỹ. Ảnh: honorsociety.org

Theo một báo cáo từ Trung tâm nghiên cứu và thu thập thông tin sinh viên quốc gia (NSCRC), tỉ lệ sinh viên đăng ký đi học trở lại tiếp tục giảm trong năm nay, với số sinh viên ghi danh đại học giảm thêm 3,5% so với năm ngoái.

Báo cáo trên cho thấy cùng với sự sụt giảm số lượng sinh viên trong mùa Thu năm ngoái, lượng sinh viên đại học tại các trường giảm 7,8% so với hai năm trước, ghi dấu mức giảm tuyển sinh trong hai năm lớn nhất trong 50 năm qua.

Tuy nhiên, có sự chênh lệch lớn giữa các trường, khi tỷ lệ tuyển sinh vào các trường cao đẳng cộng đồng, đại học đại trà giảm 15%, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2019, trong khi các trường đại học tốp đầu, được nhiều sinh viên lựa chọn, ghi nhận mức tuyển sinh tăng 3,1% - trở lại mức trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Theo Sam Pollack, một đối tác cấp cao của công ty tư vấn đầu tư NEPC, hậu quả của việc ít sinh viên hơn và thu học phí ít hơn có thể rất nghiêm trọng. Một cuộc khảo sát gần đây của NEPC cho thấy trên thực tế, 62% các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực giáo dục đại học cho biết, đây là thách thức lớn nhất mà họ phải đối mặt.

Hiện tại, một số trường quy mô nhỏ đã phải đóng cửa hoàn toàn. Mới đây, trường Bloomfield College tại New Jersey, được thành lập năm 1868, cho biết trường có thể buộc phải đóng cửa sau năm học hiện tại, sau khi vật lộn với sự sụt giảm sinh viên trong một thập kỷ. Chủ tịch của Bloomfield, Marcheta Evans cho biết trong một bức thư rằng đại dịch COVID-19 càng làm trầm trọng thêm những thách thức về tài chính.

Không chỉ Bloomfield, các trưởng như Judson College tại Alabama, Becker College tại Massachusetts and Concordia College tại New York cũng có kế hoạch đóng cửa.

Trong khi đó, những ngôi trường ưu tú nhất nước Mỹ lại đang hoạt động rất hiệu quả. Trong năm nay, một nhóm nhỏ các trường đại học, bao gồm nhiều trường trong nhóm Ivy League (gồm 8 trường danh tiếng nhất), đã có mức tăng kỷ lục về số lượng đơn đăng ký ghi danh và doanh thu thuần.

Theo ông Pollack, những trường này cũng đã báo cáo mức tăng kỷ lục giá trị tài sản, nhờ đầu tư vào vốn cổ phần tư nhân hoặc đầu tư mạo hiểm. Một số tài sản đã tăng hơn 50% giá trị.

Nhờ đó, các trường đại học như Harvard, Yale, Stanford và Princeton có thể tăng các khoản hỗ trợ tài chính, giảm chi phí và tăng sức hấp dẫn đối với nhiều sinh viên hơn trên toàn quốc.

Trên thực tế, các trường đại học hỗ trợ tài chính hàng đầu đều là trường tư nhân và các gói hỗ trợ hào phóng của họ có thể khiến chi phí học tập của sinh viên trở nên phải chăng một cách đáng kinh ngạc.

Ví dụ, tại Đại học Yale, học phí và lệ phí cộng với tiền sách vở, tiền phòng và ăn ở trung bình là 77.750 USD trong năm nay, nhưng học bổng trung bình có trị giá hơn 59.000 USD và nhờ đó chi phí xuống khoảng 22.000 USD.

Robert Franek, nhà lãnh đạo của công ty dịch vụ giáo dục The Princeton Review, cho biết chi phí ban đầu có thể khổng lồ, song chi phí cuối cùng thậm chí có thể rẻ hơn so với các trường cao đẳng, đại học công lập tại địa phương.

Ông Pollack lưu ý nếu không có cùng nguồn lực, các trường kém cạnh tranh hơn có nguy cơ mất nhiều học sinh hơn nữa và nới rộng hơn khoảng cách giữa các trường.



Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên