Đại diện nhiều trường đã đề nghị như vậy tại buổi tọa đàm "Đánh giá năng lực chuyên biệt đáp ứng đổi mới tuyển sinh đại học, cao đẳng", do Trường đại học Sư phạm TP.HCM tổ chức sáng nay 28-2.
Không nên có quá nhiều kỳ thi đánh giá năng lực
PGS.TS Nguyễn Thành Nhân - phó hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm (Đại học Huế) - cho rằng kỳ thi đánh giá năng lực đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới và phù hợp với xu thế quốc tế.
"Hiện nay trường chúng tôi đã chấp nhận kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để cân nhắc sử dụng kỳ thi của Trường đại học Sư phạm TP.HCM" - ông Nhân cho hay.
Đồng thời, ông Nhân cho rằng cần kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên có quá nhiều kỳ thi đánh giá năng lực. Không nên lập quá nhiều trung tâm tổ chức thi đánh giá năng lực, chỉ nên có hai trung tâm tại Hà Nội và TP.HCM. Có thể sử dụng nguồn nhân lực chung để tổ chức tốt kỳ thi năng lực.
"Để làm được một kỳ thi phải mất ít nhất năm năm và phải có đội ngũ chuyên gia mạnh. Có thể sử dụng nguồn nhân lực chung để có ngân hàng đề thi chuẩn. Nếu được Trường đại học Sư phạm TP.HCM đồng ý thì trường chúng tôi sẽ cử chuyên gia tham gia xây dựng ngân hàng đề thi" - ông Nhân nói.
Trong khi đó, PGS.TS Ngô Quốc Đạt - phó hiệu trưởng Trường đại học Y Dược TP.HCM - cho biết trường này đang trên lộ trình thực hiện chuyển đổi đào tạo dựa trên năng lực đến năm 2025, áp dụng cho tất cả các ngành đại học.
Thực tế đào tạo dựa trên năng lực ngành y khoa tại trường cho thấy những sinh viên được tuyển sinh theo truyền thống xét tổ hợp toán - hóa - sinh, sau sáu năm đào tạo đã có độ vênh nhất định.
"Không phải bạn nào có điểm đầu vào cao đều học chương trình dựa trên năng lực tốt. Do đó, định hướng của trường là đổi mới tuyển sinh đầu vào để tuyển thí sinh năng lực phù hợp với quá trình học và chuẩn đầu ra" - ông Đạt cho biết thêm.
Ông Đạt đánh giá cao ý tưởng sử dụng chung nguồn lực của các trường để tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực nhằm tuyển được thí sinh có năng lực phù hợp khối ngành sức khỏe. Đại học Y Dược TP.HCM mong muốn tuyển được thí sinh có tư duy phân tích, tổng hợp.
Đánh giá năng lực chuyên biệt đáp ứng đổi mới giáo dục
Hiện tại, đã có 10 đơn vị trong cả nước công bố việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023. Các kỳ thi đánh giá năng lực tổng hợp (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học Bách khoa Hà Nội) hiện đã thu hút được sự quan tâm và đăng ký sử dụng kết quả của nhiều trường.
Theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn - hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM, thực hiện lộ trình Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, nếu dạy học theo phẩm chất, năng lực thì việc đánh giá không thể không bám sát theo định hướng này.
"Cần khẳng định vai trò của các kỳ thi đánh giá năng lực này là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay để phục vụ cho nhu cầu tuyển sinh cụ thể của các trường" - ông Sơn nhấn mạnh.
Chia sẻ về kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường đại học Sư phạm TP.HCM, ông Huỳnh Văn Sơn cho biết kỳ thi được trường chuẩn bị trong năm năm với chuỗi nhiệm vụ đặt hàng dựa trên sự tham gia của các chuyên gia trong cả nước, phối hợp cùng các giảng viên có chuyên môn, viên chức có kinh nghiệm.
Sau khi nghiệm thu, trường bắt đầu tổ chức vào năm 2022 cho hơn 2.000 thí sinh với các bài thi toán học, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn và tiếng Anh.
Kỳ thi được thực hiện trên máy tính và tiếp cận với định hướng đổi mới công tác khảo thí theo hướng hiện đại, tận dụng công nghệ. Các bài thi được thiết kế gọn nhẹ, hiệu quả, có tính phân loại cao và đánh giá được các năng lực của học sinh trong các lĩnh vực chuyên môn cụ thể.
Cũng theo ông Sơn, việc xây dựng bài thi đánh giá năng lực và cả phẩm chất được tích hợp đã được trường chuẩn bị kỹ để đáp ứng với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đảm bảo đến năm 2025 sẽ có công cụ đánh giá phù hợp với chương trình này.
"Với trách nhiệm là trường đại học sư phạm trọng điểm, mục tiêu kép là đánh giá học sinh, trường còn tổ chức phân tích kết quả và thông tin phản hồi nhằm đánh giá các năng lực thành phần đó.
Đây là thông tin tham khảo rất tốt để có thể phản hồi đánh giá các môn học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, góp phần bồi dưỡng giáo viên để nâng cao năng lực này", ông Sơn nhấn mạnh.
Các mốc thời gian kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường đại học Sư phạm TP.HCM năm 2023
Đợt 1 thi tại TP.HCM ngày 13 và 14-5. Đăng ký trực tuyến (dgnl.hcmue.edu.vn) từ ngày 20-3 đến 25-4. Ngày 5 đến 10-5 nhận giấy báo dự thi qua email đã đăng ký. Ngày 25 đến 30-5 nhận kết quả thi qua email hoặc tra cứu trên website.
Đợt 2 thi tại TP.HCM và Long An/Bình Dương ngày 10 đến 15-7. Đăng ký trực tuyến từ ngày 1 đến 30-6. Ngày 1 đến 5-7 nhận giấy báo dự thi qua email đã đăng ký. Ngày 23 đến 28-7 nhận kết quả thi qua email hoặc tra cứu trên website.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận