Phóng to |
Lớp học của Trường CĐ Đức Trí (Đà Nẵng) chỉ vài sinh viên - Ảnh: Đoàn Cường |
Về thảm cảnh chung của nhiều trường cao đẳng (CĐ), khi tuyển không ra người học, vị này nói một cách hình ảnh: “Nhiều trường CĐ như bệnh nhân đang nằm trong phòng hồi sức tích cực, rất gần với nhà xác”.
Chỉ tiêu 100, tuyển 0
Nhìn dãy nhà cao tầng của Trường CĐ công nghệ và kinh doanh Việt Tiến (Đà Nẵng), nếu không có bảng hiệu tên trường thì hẳn nhiều người không nghĩ đây là một trường CĐ đã được thành lập hơn 10 năm. Khung cảnh đìu hiu, không bóng dáng SV, chỉ có vài cán bộ làm việc. Ông Nguyễn Văn Dũng, hiệu trưởng nhà trường, buồn bã nói: “Biết nói gì đây. Kỳ tuyển sinh năm 2013 trường tôi chỉ nhận được vài ba bộ hồ sơ, không đủ mở lớp nên sau đó chúng tôi trả lại hết cho các em. Không tuyển được SV nào. Tình cảnh năm nay chắc cũng vậy”.
"6-7 SV một lớp là còn khá đấy. Có ngành chỉ tiêu năm 2013 là 100 SV nhưng tuyển không được em nào" Ông Nguyễn Quang Thảo(phó hiệu trưởng Trường CĐ Đức Trí) |
Tại Trường CĐ Đức Trí (Đà Nẵng), cả lớp học ngành QTKD chỉ có 13 SV, bên cạnh đó cả lớp kế toán đếm được... sáu SV. Nhiều phòng học của trường trong tình trạng “nhện giăng tơ”. Ông Nguyễn Quang Thảo - phó hiệu trưởng Trường CĐ Đức Trí - cho biết: “Trường có quy mô phòng ốc đào tạo hơn 2.000 SV, sắp tới ra trường hơn 300, còn lại gần 600 SV. Nhiều phòng khóa cửa để không”.
Theo ông Thảo, năm 2013 trường tuyển với chỉ tiêu gần 1.000 cho chín ngành học nhưng chỉ tuyển được 156 SV CĐ, 46 TC. Có ngành như CNTT cả một khóa học năm 1, 2, 3 cộng dồn lại chưa được 20 SV, ngành CN sinh học tuyển không được. Ngành tài chính ngân hàng tuyển chỉ được bốn SV không đủ mở lớp nên phải vận động chuyển qua ngành QTKD. Ông Trương Văn Hùng - hiệu trưởng Trường CĐ Đức Trí - chua xót: “Trường chúng tôi cũng như nhiều trường CĐ khác đang phải cầm hơi. Giống như bệnh nhân đang nằm trong phòng hồi sức tích cực, rất gần với nhà xác”.
Trường CĐ Phương Đông (Quảng Nam) cũng trong thảm cảnh bi đát không kém. Theo ông Lương Duy Thảo - hiệu trưởng nhà trường, nhiều ngành của trường như tài chính ngân hàng với chỉ tiêu năm 2013 là 100 SV nhưng cuối cùng không tuyển được ai. Còn ông Phạm Đình Hân - hiệu trưởng Trường CĐ Đông Du (Đà Nẵng) - cho biết nếu năm 2008, 2010 là giai đoạn trường ở đỉnh cao “phong độ” với 3.800 SV học thì nay chỉ bằng 1/4. Năm 2013 trường không dám xin nhiều chỉ tiêu vì biết có được duyệt cũng tuyển không ra.
Còn tại Trường trung cấp kỹ thuật - nghiệp vụ Thăng Long (Đà Nẵng) khung cảnh cũng buồn không kém. Lác đác vài bóng dáng HS. Bà Đỗ Thị Hà, phó hiệu trưởng, cho biết vài năm qua chỉ tiêu của trường khoảng 400 nhưng đều không đạt. Năm 2013, trường đưa ra chỉ tiêu 450 nhưng tuyển chỉ được 38 HS. “HS vài chục trong khi bộ máy hoạt động của nhà trường lớn khiến chủ đầu tư cũng rất nản” - bà Hà nói.
Lý do sống lay lắt
Tuyển không ra người học, đồng nghĩa với nguồn thu không có đã đẩy nhiều trường CĐ vào cảnh lay lắt. Theo ông Nguyễn Quang Thảo, trước mắt trong năm 2014 trường vẫn trả lương, đóng bảo hiểm cho cán bộ. Nhưng từ những năm sau trở đi, giáo viên có dạy tiết nào thì trả tiền tiết đó. Bởi hiện có nhiều lớp không có người học nhưng trường vẫn phải nuôi giáo viên hoặc cử đi học nghiên cứu sinh.
Khi đề cập nguyên nhân đẩy các trường CĐ, TCCN vào chỗ lao dốc không phanh, nhiều hiệu trưởng cho rằng ngoài yếu tố khách quan là kinh tế thì phải kể đến “đòn” quyết định là thông tư 55 của Bộ GD-ĐT. Các trường đang trong cơn ốm yếu thì thông tư 55 của bộ như giọt nước làm tràn ly, đẩy các trường vào cơn nguy kịch.
Ông Phạm Đình Hân cho rằng: “Thông tư 55 được đẻ ra trong thời điểm không thích hợp. Nó không kích thích được sự năng động của người học mà trái lại còn siết lại sự học liên tục của mỗi công dân. Bản thân phụ huynh, xã hội thường không có sự lựa chọn vào ĐH mới học CĐ, TCCN vì họ nghĩ sẽ liên thông được, nay thông tư ra như vậy thì họ chẳng ham hố gì”. Đây cũng là quan điểm của ông Nguyễn Quang Thảo. Ông Thảo cho rằng muốn liên thông phải học văn hóa và thi kỳ thi của bộ thì quá khó cho người học.
Ông Nguyễn Văn Dũng lại cho rằng nguyên nhân sâu xa là ở các địa phương được mở tràn lan trường ĐH, CĐ công lập, chỉ tiêu tuyển sinh các trường liên tục tăng nên đã vét hết người học của những trường cấp dưới.
Sinh viên không có, giáo viên dạy thêm ở trường khác “Hiện trường có 10 giáo viên chuyển công tác khác, số còn lại chúng tôi cũng tạo điều kiện là chỉ đến trường dạy buổi sáng, buổi chiều có thể đi dạy thêm ở trường khác” - ông Thảo cho hay. Cô Đỗ Thị Ngọc Ánh, giảng viên ngành CN sinh học, cho biết do lớp không đảm bảo người học nên cô phải từ Đà Nẵng vô Quảng Nam để dạy thêm. “Thu nhập bấp bênh và làm cũng mệt hơn” - cô Ánh nói. Hay như ông Phạm Đình Hân chia sẻ ngày trước ông cũng đứng lớp dạy nhưng giờ do ít người học, số giảng viên vẫn vậy nên ông xin nghỉ dạy để nhường cho giảng viên khác. Như vậy mới có thu nhập cho giảng viên. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận