Trong đó, xuất khẩu da giày của Việt Nam sẽ có cơ hội tăng trưởng mạnh do nhiều dòng thuế giảm về 0%.
Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam cho biết thời gian gần đây, xuất khẩu da giày tiếp tục tăng trưởng ổn định. Trong 9 tháng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu da giày đạt 13,1 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Theo các chuyên gia, EVFTA khi có hiệu lực sẽ mở ra nhiều triển vọng trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU. Trong đó, xuất khẩu da giày của Việt Nam sẽ có cơ hội tăng trưởng mạnh do hầu hết các dòng thuế nhập khẩu ba lô, túi, cặp và hơn 40% các dòng thuế nhập khẩu giày dép vào thị trường EU sẽ giảm về 0%. Hơn nữa, toàn bộ các dòng thuế giày dép cắt giảm về 0% trong vòng 7 năm khi hiệp định có hiệu lực.
Ông Vương Đức Anh, Phó Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, mặc dù có nhiều triển vọng khi xuất khẩu sang thị trường EU, tuy nhiên để được hưởng các ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường này, các doanh nghiệp phải đáp ứng được các quy định về nguồn gốc xuất xứ, quy tắc xuất xứ cho các bộ phận đối với sản phẩm da giày cũng như nắm rõ về các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), nhất là các quy định về hạn chế hoá chất độc hại, quy định về an toàn sản phẩm tiêu dùng; các biện pháp phòng vệ (chống bán phá giá, chống trợ cấp giá) được áp dụng tại EU.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp da giày cũng cần chú ý tới Luật Quản lý ngoại thương; Nghị định Xuất xứ hàng hóa và Thông tư hướng dẫn bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2018 để hiểu rõ về cơ chế chứng nhận xuất xứ, từ đó chủ động trong việc thực hiện các hình thức chứng nhận xuất xứ.
Nhận định về cơ hội xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới, Giáo sư Sangeeta Khorana, chuyên gia quốc tế Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) cho biết, ngành da giày Việt Nam có rất nhiều cơ hội tại thị trường EU, đặc biệt ở phân khúc sản phẩm mà yêu cầu của người tiêu dùng chủ yếu là mẫu mã và chất lượng chứ không đòi hỏi nhiều về thương hiệu.
Vị chuyên gia từ dự án EU-MUTRAP cho rằng, thị trường EU rất rộng lớn, nhưng mỗi quốc gia thành viên lại có nhu cầu khác nhau, do đó doanh nghiệp cần phải xây dựng các kế hoạch xuất khẩu cho từng thị trường riêng lẻ theo từng quốc gia.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú ý tới các kênh phân phối chính tại châu Âu hiện nay gồm các nhà nhập khẩu, các đại lý, các tập đoàn thu mua, các nhà cung ứng địa phương, các hãng cung ứng và đơn vị thu mua quốc tế, các cửa hàng giày dép nhỏ... Doanh nghiệp cũng có thể bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng thông qua hình thức bán hàng trực tuyến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận