Kết quả thăm dò của Tuổi Trẻ tính đến trưa 7-3 |
Trong đó, phần lớn người được Tuổi Trẻ thăm dò trả lời không đồng ý với đề xuất tịch thu xe khi tài xế nặng hơi men trên.
Tính đến 11g trưa nay đã có 4.664 người tham gia trả lời thăm dò có ủng hộ đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về việc quy định tịch thu xe của tài xế say xỉn nặng hay không.
Trong đó, có 1.090 người đồng tình với việc cần tăng nặng chế tài xử lý tài xế say xỉn nặng này (chiếm 23,4%), có 2.216 người đánh dấu vào ô không đồng ý với đề xuất trên (47,5%), còn 1.358 người có ý kiến khác (29,1%).
Chủ xe không có lỗi cũng bị tịch thu?
Theo ý kiến của nhiều bạn đọc phản hồi không đồng ý với đề xuất tịch thu xe của tài xế say xỉn nặng thì quyền sở hữu tài sản của người dân được pháp luật bảo hộ.
Nếu chủ xe có được chiếc xe từ thu nhập hợp pháp, không phải tài sản bất chính, cũng không liên quan đến vi phạm của tài xế say xỉn mà bị tịch thu là điều bất hợp lý, thiếu căn cứ pháp luật.
Theo bạn đọc Nam Thiên (namthien61@...): "Việc nâng mức phạt đối với hành vi vi phạm Luật giao thông là cần thiết để tăng cường răn đe, đặc biệt là đối với người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu.
Tuy nhiên, không nên tịch thu phương tiện vì chủ phương tiện có thể không liên quan gì đến hành vi vi phạm của lái xe. Ví dụ: nếu lái xe đang sử dụng trái phép ôtô của cơ quan nhà nước hay của một sứ quán nước ngoài nào đó mà say rượu thì có tịch thu được không?
Mặt khác, giá trị vật chất của phương tiện rất khác nhau, nên có thể rất nặng với trường hợp này nhưng lại rất nhẹ với trường hợp khác".
Bạn đọc Nguyễn Văn Thượng (gửi ý kiến đến Tuổi Trẻ từ địa chỉ mail thuong742011@...) băn khoăn: Tịch thu phương tiện liệu có giảm tai nạn giao thông? Biện pháp tịch thu phương tiện là biện pháp hạ sách.
Chúng ta không quản lý được, không đánh giá được nguyên nhân khách quan về tai nạn giao thông nên mới sử dụng đến hạ sách. Tại sao không phạt tù người điều khiển phương tiện uống rượu quá quy định, tước bằng lái vĩnh viễn mà lại tịch thu phương tiện?
Theo bạn đọc Thượng, Chính phủ cần cân nhắc vấn đề này để tránh phát sinh nhiều vấn đề khác.
Hay như bạn đọc Tùng Kiền (địa chỉ mail xpvietnam@...) và nhiều người khác cũng đặt vấn đề: Khi chủ xe cho người khác mượn và không hề biết rằng sau đó người mượn xe có uống rượu, say xỉn nặng khi đi xe.
Nếu cơ quan chức năng tịch thu xe trong trường hợp này thì liệu có hợp lý hay không? Chắc chắn sẽ làm phát sinh nhiều vụ kiện giữa chủ xe và người mượn xe, rất phức tạp.
Bạn đọc Trần Anh Vũ (trananhvu5615@...) cho rằng: "Người điều khiển xe uống rượu lái xe thì là có lỗi, cứ phạt nặng họ chắc chắn không ai phàn nàn hay có ý kiến gì về việc này. Còn chủ xe có tội gì? Chiếc xe có tội gì mà tịch thu xe làm chủ xe phải khổ".
Tương tự, bạn đọc NGUYEN HA CHAU (địa chỉ nguyenthihachau123@...) hài hước: "Đang bực mình với ông chủ trả lương thấp. Để quy định ra rồi hôm nào mượn xe ổng lái đi, ghé vào quán tu mấy chai 65% rồi lái đến gặp mấy chú cảnh sát cho tịch thu xe luôn cho bõ ghét".
Xử lý nghiêm để giảm tai nạn giao thông
Bên cạnh đó, khoảng 23,4% bạn đọc ủng hộ đề xuất của Ban An toàn giao thông quốc gia về việc tịch thu xe của tài xế nặng hơi men cho rằng việc nâng mức phạt đối với hành vi vi phạm Luật giao thông là cần thiết để tăng cường răn đe, đặc biệt là đối với người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu.
Theo bạn đọc Tô Xuân Đức (xuanducnvhtn@...): "Tịch thu xe là đúng vì tai nạn giao thông xảy ra thường xuyên và liên tục đã cướp đi biết bao sinh mạng. Từng phút, từng giây đã gây ra cho người thân và gia đình biết bao tang thương và mất mát.
Chỉ có kiểm tra gắt gao bằng việc tịch thu xe thì vấn nạn chạy ẩu, say xỉn không làm chủ tốc độ mới giảm.
Tôi ủng hộ việc tịch thu xe là chính đáng. Số xe tịch thu được Nhà nước, ban tài chính sung vào công quỹ như tu bổ đường xá, xây cầu, mở rộng lòng lề đường... Lưu ý chỉ sử dụng mục đích chung làm lợi cho dân cho nước thì toàn dân sẽ đồng lòng ủng hộ".
Bạn đọc Le Anh Manh (lemanh@...) nêu quan điểm: Nên làm như vậy là hợp lòng dân. Có thế mới giảm được tai nạn và nạn uống rượu bia bây giờ. Vừa thu xe vừa phải phạt thật nặng!".
Bạn đọc Trần Tiến Sỹ (trantiensy655@...) cũng đồng tình bởi: "Tịch thu xe theo đề xuất chẳng có gì sai, vì nhiều nước trên thế giới đã áp dụng từ lâu".
Theo bạn đọc Nguyen Thai (bachau055@...): "Tôi là lái xe và tôi cũng ủng hộ quy định này. Còn rất nhiều lái xe chạy ẩu, coi thường tính mạng người đi đường".
Hiện trường một vụ tông xe tại huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng có nguyên nhân do tài xế say rượu |
Ngoài ra, cũng có nhiều ý kiến băn khoăn làm sao để tránh tiêu cực phát sinh trong việc tịch thu xe của tài xế say xỉn: Liệu có tăng phát sinh tiêu cực khi chủ xe có nguy cơ bị tịch thu sẽ tìm mọi cách để hối lộ CSGT với số tiền lớn khi giá trị xe bị tịch thu rất cao?
Hay nhiều ý kiến cũng đặt vấn đề khi tịch thu xe vi phạm có khả năng sẽ phát sinh nhiều công việc như: Quy trình bảo quản, phát mãi phương tiện bị tịch thu ra sao? Kho bãi nào để chứa xe vi phạm? Liệu có làm lãng phí khi tịch thu xe để nắng mưa, hư hỏng...
Nhiều bạn đọc đề nghị các bộ ngành chức năng nghiên cứu thật kỹ trước khi ban hành quy định, biện pháp tăng chế tài đối với tài xế say xỉn nặng này.
Quan điểm của bạn về việc này thế nào?
[poll width="400px" height="190px"]125[/poll]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận