Phóng to |
Thông tin bịa đặt “nấu hủ tiếu bằng chuột cống” lan trên các trang mạng khiến dư luận xôn xao |
- Qua những nội dung bài viết, tôi thấy cũng đã đánh giá được phần nào những người viết tin không đúng sự thật. Nghề báo chí là cái nghề đưa thông tin cho xã hội xem để xã hội nhìn vào đó có thể biết được tin tức để học tập,nâng cao kiến thức, rút kinh nghiệm...
Nhưng viết tin mà không sàng lọc, không được kiểm chứng, viết để cho có bài để hoàn thành công việc thì hãy xem lại mình là người thế nào. Có những bài báo chỉ biết đưa tin để chỉ trích xã hội, nói sai sự thật, nói quá lời làm ảnh hưởng đến người khác mà họ vẫn nhởn nhơ viết.
Phải chăng đây được xem là đạo đức nghề nghiệp?
Theo tôi báo chí là phải chính xác, người đọc mới có chỗ để mà tin tưởng chứ. |
- Phải chăng pháp luật còn nhẹ tay với các "báo mạng lá cải"? Nếu thật sự xử lý nghiêm thì làm sao có chuyện này xảy ra được, tôi không hiểu liệu các "anh phóng viên" viết ra những bài báo câu view này có chút nào suy nghĩ hay không, và cũng phải công nhận trình độ của tòa soạn nào cho đăng thông tin này chắc cũng "ghê gớm" lắm đây...
- Đây là điều nói mãi rồi, ai cũng biết nhưng cuối cùng chẳng giải quyết được gì vì thấy có mấy tờ báo hay mấy phóng viên bị xử lý đâu? Chỉ có dư luận bị ăn quả lừa và nạn nhân chịu trận, còn tờ báo đăng tin và phóng viên đưa tin vẫn bình chân như vại. Ngay khi báo Tuổi Trẻ đăng tin minh oan, khẳng định không có chuyện có chuột cống trong nước lèo hủ tiếu, kiểm tra lại thấy nhiều tờ báo mạng vẫn giữ nguyên bài viết tầm bậy kia. Luật lệ chưa nghiêm nên mới có đất cho một số phóng viên thiếu đạo đức nghề nghiệp và những tờ báo thiếu trách nhiệm tồn tại.
- Lại còn tình trạng đưa ra nhiều thông tin vô bổ, lãng xẹt, đại loại như: cô này bế con đi siêu thị, anh kia mới tậu xe, thằng bé nọ giống bố... rồi giật tít: hé lộ, chuyện giờ mới kể, lật lại chuyện và dùng nhiều từ sai như: vấn nạn, cứu cánh, kỳ vọng; hoặc câu cú lủng củng, sai ngữ pháp.
Không biết có nên có một mục giống như mục "dọn vườn" như ngày xưa để mọi người "dọn" giúp những cái đó không, cảnh tỉnh người viết có trách nhiệm hơn.
Một thực tế là hiện nay chúng ta thấy có quá nhiều và nhan nhản những bài báo câu chữ lộn xộn, sai lỗi chính tả, nội dung rời rạc, đặt điều trắng trợn... Nhưng những điều trên không xét đến, mà cái xét đến là hậu quả để lại sau này mà nhiều người phải hứng chịu. Tôi cũng thấy nhiều người kêu gọi, chỉ trích nhà báo nhưng tình hình ngày càng thêm trầm trọng chứ chẳng hề thuyên giảm đi. Thiết nghĩ đã đến lúc các cơ quan có thẩm quyền phải vào cuộc, có những hình phạt đích đáng với một số kẻ đội mác nhà báo làm những điều vô lương tâm, sống trên mồ hôi, nước mắt và nỗi đau của người khác, cũng như có hình phạt đối với những trang báo bao che dung túng cho những kẻ viết báo chỉ vì lợi nhuận như thế.
- Đề nghị pháp luật phải xử lý những trang đăng sai sự thật. Tôi thấy nhiều trang mạng hiện nay như một nồi tả pí lù, không ai kiểm soát, thích thì đưa tùm lum để câu khách. Phải có luật pháp để xử lý chứ!
- Lỗi tại các nhà quản lý buông lỏng, không kiểm tra, kiểm soát và có hình thức xử lý nghiêm các trang mạng. Chẳng ai biết các trang mạng sử dụng "PV, BTV" lấy từ lò bát quái nào ra, viết bừa bãi, viết không đúng sự thật, bậy bạ....cứ đăng tràn lan đầu độc xã hội.
- Thảm họa "câu view" là trách nhiệm thuộc về Ban biên tập của các trang báo mạng, là hành vi "lệch chuẩn" đạo đức của một số nhà báo với những thông tin trắng đen lẫn lộn và chỉ nhằm mục đích là "gây sốt" dư luận mà không cần nghĩ nó sẽ là "thảm họa" cho người đọc, nhất là cho giới trẻ. Thiết nghĩ trong hoàn cảnh xã hội đang còn nhiều tiêu cực thì việc đưa tin dù là tốt hay xấu, các nhà báo cũng phải nhắm một "thông điệp" rõ ràng gởi tới độc giả, đó là "hướng thiện".
- Thật tình là cái nạn "lều báo" này đã có từ lâu lắm rồi (những ai không biết "lều báo" là gì thì cứ lên mạng mà tìm), tháng nào "lều báo" cũng hoành hành, tuần nào "lều báo" cũng đăng tin, đặc biệt là ở trên những trang "báo" mạng ("báo" gì thì con không biết).
Báo mạng kinh doanh là nhờ view, view nhiều thì được nhiều tiền, view ít thì được ít. Tác giả bài viết thì được trả tiền theo bài, nếu viết "hay" (nói nghe cho nó vui vậy thôi, chứ chắc là viết sao cho có nhiều người vô coi là được, nội dung sao thì ... kệ).
Còn một dạng làm báo khác, đó là xào lại, thậm chí chép một nửa, hoặc nguyên xi các thông cáo báo chí để đăng tin, bài trên các báo mạng. |
Viết báo thì có bút danh nhưng cái bút danh đó thì chả lần ra được ông tác giả cả.
Khổ nỗi mấy ông "lều báo" viết báo mạng thì chuyên môn đa phần kém, lại lười kiểm chứng thông tin, chỉ được mỗi cái giật tít, thêm mắm thêm muối là giỏi thành ra view nó cứ tăng vèo vèo, tiền cũng cứ thế vô túi vèo vèo, số người chửi cũng tăng vèo vèo.
Mà khổ nỗi nhiều bạn trẻ giờ đọc báo xong, chả cần suy nghĩ cứ thế mặc nhiên là tờ báo đã viết đúng rồi share (chia sẻ)... vèo vèo.
Đôi khi mấy báo khác thấy bài đó cũng hay hay nên cũng cho ra thêm 1 bài tương tự hay copy y chang cho nó... nhanh.
Nói chung là giờ nghe hô hào nhàm lắm rồi. Hãy tự thân mình hành động trước. Việc cũng chả có gì là khó cả, chỉ cần làm đúng 2 điều.
Thứ 1: "Bơ" mấy tờ báo lá cải, đừng vô, cũng đừng để tâm.
Thứ 2: Thấy người quen mở nhầm cái đám báo lá cải chuyên giật tít, câu view lên thì cứ nói ngắn gọn: "Bỏ đi. Tờ đó toàn giật tít, câu view không".
Chả ai tới trang báo lá cải xem thì sớm muộn gì nó cũng đóng cửa, chả ai dại gì làm ăn thua lỗ cả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận