07/04/2022 10:43 GMT+7

Nhiều tỉnh, thành phố cấm phân lô bán nền, chặn sốt đất

B.NGỌC - Q.THẾ
B.NGỌC - Q.THẾ

TTO - Trước tình trạng phân lô bán nền tràn lan, gây nhiễu loạn thị trường đất đai, nhiều địa phương phải áp dụng biện pháp cứng rắn, ra văn bản dừng cấp quyền sử dụng đất để chặn phân lô bán nền.

Nhiều tỉnh, thành phố cấm phân lô bán nền, chặn sốt đất - Ảnh 1.

Đất vừa được phân lô bán nền ở xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội - Ảnh: QUANG THẾ

Cũng với cơn sốt đất vùng ven, tình trạng phân lô bán nền, tách thửa tại các huyện ngoại thành Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì, thị xã Sơn Tây... của Hà Nội những tháng đầu năm rất sôi động.

Nhiều nơi "siết" phân lô bán nền

Ghi nhận tại xã Tiến Xuân, Bình Yên (huyện Thạch Thất) nhiều thửa đất có diện tích hàng nghìn mét vuông đã được tách thành nhiều lô lớn nhỏ, có lô mặt tiền chỉ rộng khoảng 4m. Tại xã Cổ Đông (thị xã Sơn Tây), hàng loạt thửa đất đã được chia lô, đang hoàn thiện hạ tầng để rao bán.

Người dân những khu vực có đất phân lô đều khẳng định khách hàng chủ yếu là người nơi khác đến đầu cơ. "Họ phân lô nhỏ mục đích là để mua đi bán lại với nhau chứ không có dân địa phương mua xây nhà vì diện tích những lô đất này quá nhỏ", bà Hằng (thôn 7, xã Tiến Xuân) cho biết.

Tình trạng tách thửa đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất trồng cây lâu năm dính một phần đất ở tại các khu vực này diễn ra tràn lan. Điều đáng nói là sau khi tách thửa, những khu đất này được phân lô, xây dựng hạ tầng không khác gì một dự án bất động sản "phân lô bán nền" với diện tích chỉ khoảng 60 - 100m2/lô, có giá bán 1,2 - 1,8 tỉ đồng tùy từng vị trí.

Để ngăn chặn tình trạng "sốt đất" do đầu cơ môi giới bất động sản tung chiêu "thổi giá", cuối tháng 3 vừa qua, Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội đã ra văn bản dừng giải quyết thủ tục về chia tách thửa đối với đất nông nghiệp, thửa đất gồm đất ở và đất nông nghiệp, thửa đất phi nông nghiệp không có đất ở. Các quận, huyện, thị xã được yêu cầu kiểm tra, báo cáo về tình trạng phân lô, chia tách thửa đất, san hạ đất để xây dựng hạ tầng giao thông trong khoảng thời gian từ tháng 1-2017 đến hết tháng 1-2022 đối với các thửa đất có diện tích lớn hơn 500m².

Để ngăn chặn tình trạng bát nháo trong phân lô bán nền, tỉnh Vĩnh Phúc cũng có văn bản gửi các huyện, TP, thị xã yêu cầu đối với trường hợp đã chia tách đất, có xây dựng đường giao thông và có dấu hiệu kinh doanh bất động sản, hiện trạng thửa đất được phân lô chưa hoàn thiện các hệ thống hạ tầng theo quy định thì tạm dừng cấp quyền sử dụng đất.

Nhiều tỉnh, thành phố cấm phân lô bán nền, chặn sốt đất - Ảnh 2.

Nhiều công ty môi giới đặt bảng giới thiệu mua bán đất đai với nhiều ưu đãi tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Đề xuất sửa luật, cấm phân lô bán nền

Theo ông Nguyễn Đức Lập - viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo bất động sản, các địa phương thường căn cứ vào tình hình thị trường sẽ đưa ra giải pháp điều tiết thị trường phù hợp. Chẳng hạn các địa phương quá "sốt nóng", quá nhốn nháo, có nguy cơ bong bóng, có hiện tượng lợi dụng phân lô, tách thửa như Hà Nội thì dừng cấp sổ là cần thiết.

Để hạn chế tình trạng tách thửa tràn lan, tự ý mở đường theo hình thức hiến đất làm đường, một số địa phương đã quy định nếu tách quá 3 thửa là phải có thiết kế về đấu nối hạ tầng kỹ thuật với hạ tầng chung. "Tình trạng tách thửa tràn lan không phù hợp với quy định chung, không đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp với các giai đoạn phát triển đô thị cần cấm triệt để", ông Lập nói.

Cũng theo ông Lập, đất nông nghiệp sử dụng đúng mục đích sẽ chẳng ai đi đầu cơ vì nó không sản sinh nhiều giá trị thặng dư. Việc tách thửa đất nông nghiệp, lâm nghiệp thời gian qua thường gắn liền với việc xây dựng trái phép, các mô hình farmstay (nông trại kết hợp nghỉ dưỡng) do Luật kinh doanh bất động sản, Luật đất đai chưa cho phép.

Dù khẳng định Luật đất đai vẫn cho phép phân lô bán nền tại một số khu vực như thuộc các thị trấn, thị xã (đô thị hạng hai, hạng ba) để người dân được tự xây nhưng ông Nguyễn Quốc Khánh, chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và quản lý bất động sản G5, cũng ủng hộ cần ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền tràn lan vì nó sẽ tạo ra những khu đô thị hoang, rất lãng phí quỹ đất. 

"Dù các tỉnh vẫn thu được ngân sách từ hoạt động phân lô bán nền, nhưng hệ lụy về lâu dài với xã hội rất tốn kém, lãng phí. Phân lô bán nền tràn lan còn ảnh hưởng trực tiếp tới các nhà đầu tư thứ cấp, khi thị trường đóng băng, đất đai phải để không cho cỏ mọc, rất sốt ruột", ông Khánh nói.

Ông Nguyễn Văn Đính, chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cũng cho rằng việc phân lô bán nền đang tạo ra hiện tượng găm giữ đất đai, tìm cách "thổi giá", gây nhiễu loạn thị trường bất động sản, gây lãng phí tài nguyên và không tạo ra động lực phát triển mà chỉ gây rối cho phát triển kinh tế địa phương. 

"Kể cả trường hợp người mua đất có nhu cầu ở thật, nhu cầu xây nhà, cách phát triển nhà ở manh mún như vậy sẽ tạo ra sự không đồng bộ về cơ sở hạ tầng, tạo áp lực lên địa phương, phá vỡ quy hoạch, gây khó khăn cho hoạt động tập trung đất đai", ông Đính nhấn mạnh.

GS Đặng Hùng Võ (nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường): Việc tách thửa đất nông nghiệp là trái luật

Cần phải nhìn nhận việc phân lô tách thửa theo hai trường hợp đúng luật và trái luật. Trường hợp phân lô tách thửa phù hợp với quy định của pháp luật, tức đất này phải là đất ở mới được phân lô tách thửa để bán đấu giá, bán cho những người có nhu cầu. Còn trường hợp phân lô tách thửa đất nông nghiệp, đất rừng, đất vườn... để bán là hoàn toàn trái luật.

Luật đất đai 2013 chưa cho phép phân lô, chia thửa đất nông nghiệp bởi chủ trương phát triển nông nghiệp là tích tụ đất đai. Tuy nhiên, nhiều địa phương "bắt chước" đất ở, cho tách thửa với đất nông nghiệp không đúng với tinh thần của Luật đất đai 2013. Hậu quả của việc phân lô tách thửa đối với đất nông nghiệp, đất vườn, đem ra bán tràn lan là một cái sai, vi phạm pháp luật đến mức đụng đến khung hình sự, mang tính lừa đảo.

Việc chặn các trường hợp vi phạm pháp luật trong phân lô tách thửa nhằm góp phần giảm sốt đất là động thái cần thiết của các địa phương.

Ông Trần Khánh Quang (tổng giám đốc Công ty CP đầu tư bất động sản Việt An Hòa):

Cấm phân lô bán nền để ngăn sốt đất ảo

Việc các địa phương liên tiếp có các động thái siết phân lô, tách thửa, tạm dừng cấp quyền sử dụng đất là một việc làm đúng, góp phần giảm tình trạng sốt đất. Thời gian qua, việc phân lô tách thửa mang tính tự phát gây ra những hệ lụy đó là phá vỡ quy hoạch của địa phương.

Đặc biệt những "dự án" này chưa có đủ cơ sở hạ tầng về đường sá, điện nước, trường học, công viên, bệnh viện... góp phần tạo nên những nguồn cung giả tạo và kém chất lượng trên thị trường, dễ bị "làm giá" tạo nên sốt đất ảo. Do đó, việc ra các quy định siết phân lô tách thửa thời điểm hiện nay là hợp lý. Thị trường đất đai đang trong tình trạng quá sốt, rất dễ bị "làm giá" nên có giải pháp để hạ nhiệt thị trường là cần thiết.

NGỌC HIỂN ghi

Bình Phước: dừng phân lô, tách thửa đất nông nghiệp

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Văn Trinh - chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Phước - xác nhận tỉnh đã chỉ đạo các địa phương rà soát liên tục, chấn chỉnh tình trạng phân lô bán nền, tách thửa đất nông nghiệp. UBND TP Đồng Xoài đã ban hành công văn hỏa tốc yêu cầu tạm dừng tách thửa đối với đất nông nghiệp, kể cả những hồ sơ đã tiếp nhận làm trước đó, trích lục bản đồ để tách thửa. Tạm dừng các thủ tục tách thửa đối với các thửa đất nông nghiệp không tiếp giáp đường giao thông.

Các huyện Lộc Ninh, Bù Đăng, Chơn Thành cũng lần lượt ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương siết chặt việc phân lô bán nền, tách thửa đất nông nghiệp trái quy định.

A LỘC

ALoc-BinhPhuoc

Hàng trăm "cò" đất kéo đến đường ĐT 753 (huyện Đồng Phú, Bình Phước) "thổi giá" khiến giá bất động sản nơi đây tăng cao - Ảnh: A LỘC

Lâm Đồng: sẽ buộc lập dự án để quản lý

Sau hàng loạt ồn ào về việc nhiều doanh nghiệp hiến đất làm đường, vẽ dự án trên đất nông nghiệp, cuối năm 2021 UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quy định điều kiện tách thửa đất. Trong đó với đất nông nghiệp, diện tích tối thiểu để được tách thửa là 500m2 tại khu vực đô thị, 1.000m2 tại khu vực nông thôn...

Sau khoảng 2 tháng triển khai quy định này, UBND tỉnh Lâm Đồng lại yêu cầu dừng để tiếp tục hoàn thiện phương án quản lý, với lý do các phương án quản lý nêu trên vẫn chưa phù hợp với quy định hiện hành. Sở Xây dựng đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn, đồng thời đề xuất các trường hợp tách thửa đất mà số lượng thửa đất sau khi tách vượt quá số lượng các thành viên trong gia đình được xem là có dấu hiệu tách thửa đất với mục đích kinh doanh, buộc phải lập dự án đầu tư kinh doanh bất động sản.

M.VINH

Khánh Hòa: không chuyển mục đích đất nằm ngoài khu dân cư

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản nêu rõ chỉ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở đối với các thửa đất nằm trong khu dân cư hiện có, đáp ứng được điều kiện hạ tầng khu vực, phù hợp quy hoạch sử dụng đất... đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Nghiêm cấm việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với các thửa đất nằm ngoài khu vực dân cư hiện có nhằm ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền tràn lan. UBND thị xã Ninh Hòa, huyện Cam Lâm cũng đã thông báo tạm dừng tiếp nhận giải quyết đối với hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất.

M.CHIẾN

Đắk Lắk: chặn tách thửa để ngăn đất sốt ảo

Nhằm chấm dứt tình trạng tự ý phân lô mở đường, ngày 21-1 UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành quy định về tách thửa, hợp thửa, diện tích, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất. Sở Xây dựng được giao phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, kiểm tra các dự án kinh doanh bất động sản chậm triển khai, đồng thời thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh bất động sản, dịch vụ bất động sản. Các tổ chức, cá nhân lợi dụng dự thảo quy hoạch làm lũng đoạn thị trường sẽ bị xử lý nghiêm.

TR.TÂN

Làm hồ sơ đất lúc... nửa đêm

Xếp hàng từ mờ sáng để lấy số thứ tự làm hồ sơ liên quan đến đất đai nhưng nhiều người phải thất thểu ra về vì không tới lượt... là thực trạng xảy ra tại một số vùng ven đô ở miền Trung khi tin đồn sốt đất rộ lên.

Số lượng người đăng ký làm hồ sơ liên quan đến đất cát tăng đột biến trong thời gian gần đây khiến chính quyền địa phương ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi cũng bở hơi tai.

Xếp hàng 3 ngày cũng chưa nộp được hồ sơ

Giao dịch đất tại Quảng Ngãi tăng đột biến dẫn đến tình trạng văn phòng một cửa của nhiều địa phương như Bình Sơn, Tư Nghĩa, Đức Phổ... quá tải. Người dân muốn đăng ký thủ tục ở thị xã Đức Phổ phải thức dậy từ 1h sáng để tự ghi danh. Nếu không ghi sớm sẽ không bốc được số để làm thủ tục trong ngày. Nhiều người đã đi liên tục 3, 4 đêm nhưng vẫn không làm được hồ sơ. Ông T. (Đức Phổ) cho biết đã mất 4 đêm thức dậy từ 1h - 5h sáng nhưng vẫn không kịp ghi danh.

Tương tự, nhiều người dân ở huyện Hòa Vang, Đà Nẵng dù xếp hàng từ mờ sáng liên tục nhiều ngày cũng đành bỏ cuộc ra về. Đi làm thủ tục sang tên giấy chứng nhận sử dụng đất cho con nhưng ba ngày qua ông Lê Thanh Liên (xã Hòa Phong) vẫn chưa được gọi lên để nộp hồ sơ. Hôm đầu tiên đi nộp hồ sơ, dù đến trước 7h sáng nhưng đến lượt bấm số thứ tự, ông Liên vẫn xếp sau... 87 người khác. Chờ tới hết giờ làm việc vẫn không được gọi đến nộp hồ sơ, nên ngày tiếp theo ông Liên đến sớm hơn nhưng vẫn không chen chân lại đám trẻ đành ra về để cùng con trai ra xếp hàng vào ngày hôm sau.

Nhiều người dân ở huyện Hòa Vang cũng xếp hàng liên tục 3 ngày nhưng vẫn chưa được nộp hồ sơ giải quyết thủ tục liên quan đến lĩnh vực đất đai, do bộ phận một cửa ghi nhận số người đi lấy số thứ tự lên tới hơn 300 lượt mỗi ngày.

NUA DEM VAT VO CHO LAM SO DO

Người dân phải dậy khi trời chưa sáng để ghi danh, sau đó canh tờ giấy đăng ký lấy số thứ tự ở Đức Phổ, Quảng Ngãi - Ảnh: TRẦN MAI

Hết "cò" đất đến "cò" thủ tục đất đai

Tình trạng trên dẫn đến thực tế xuất hiện "cò" thủ tục hành chính đất đai ở các văn phòng đăng ký đất đai. Họ cùng lúc làm hàng chục hồ sơ mua bán đất, đó cũng là nguyên nhân chính dẫn đến quá tải xử lý công việc. Ông Nguyễn Thanh Hoài, giám đốc Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ngãi, cho biết tại đây luôn có vài chục "cò" thủ tục hành chính, họ xem đó như một nghề, mỗi ngày họ làm rất nhiều hồ sơ mua bán đất đai.

Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ngãi đã cho rà soát những người này và mỗi ngày chỉ tiếp nhận giải quyết 2 hồ sơ do họ gửi đến, dành thời gian giải quyết nhu cầu của người dân. Cũng theo ông Hoài, dù biên chế 8 cán bộ giải quyết và làm đến 12h trưa, buổi chiều tận 5h, thậm chí phải điều động cán bộ ở các vị trí khác qua "chi viện" mới xử lý kịp.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Liên - phó chánh văn phòng HĐND, UBND huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) - cho rằng ngoài nguyên nhân là số lượt người đăng ký tăng đột biến, còn có tình trạng người dân chưa chuẩn bị đầy đủ hồ sơ thủ tục khi nộp vào bộ phận một cửa. "Để giải quyết ùn ứ, chúng tôi đã tăng cường bố trí cán bộ chuyên môn hướng dẫn người dân để thực hiện hồ sơ, lực lượng tình nguyện viên sẽ hỗ trợ bấm số nhằm giảm ùn tắc", ông Liên nói.

TR.TRUNG - TR.MAI

Yêu cầu công an điều tra người Yêu cầu công an điều tra người 'thổi giá' tạo 'sốt đất' ở Vĩnh Phúc

TTO - Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu công an tỉnh này theo dõi các khu vực có dấu hiệu giá đất tăng đột biến, điều tra những người có hành vi đầu cơ, "thổi giá", làm thị trường, tạo "cơn sốt" đất trên địa bàn để kiếm lời.

B.NGỌC - Q.THẾ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên