Tại cuộc họp ứng phó với bão số 3 do Bộ NN&PTNT tổ chức vào chiều 4-9, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nghiêm Xuân Cường cho biết tỉnh huy động gần 2.700 cán bộ chiến sĩ và xung kích phòng chống thiên tai, 68 ô tô các loại, 18 tàu, 59 xuồng, 6 xe đặc chủng sẵn sàng ứng phó với bão số 3.
Ông Cường cho biết toàn tỉnh có 398 tàu du lịch, 98 tàu vận chuyển khách tuyến đảo đang hoạt động bình thường và sẵn sàng di chuyển tránh trú khi có lệnh.
Đối với khách du lịch trên các tuyến đảo Cô Tô và Vân Đồn đã được thông tin về bão và có kế hoạch di chuyển vào đất liền. Đối với khách có nhu cầu ở lại, các doanh nghiệp du lịch trên đảo sẵn sàng phương án đón tiếp chu đáo.
Quảng Ninh, Thái Bình dự kiến cấm biển ngày 6-9
Về tàu cá, Quảng Ninh đã thông báo cho hơn 5.500 tàu cá (trong đó có 257 tàu xa bờ) thông tin về bão, hiện nay không có tàu nào đang hoạt động trong vùng ảnh hưởng của bão.
Toàn tỉnh có gần 2.900 cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển đã thực hiện gia cố và tổ chức di chuyển người lên bờ từ sáng 4-9. Dự kiến tỉnh cấm biển và hoàn thành công việc này trước ngày 6-9.
"Cầu Bãi Cháy sẽ tổ chức tạm dừng cho người và phương tiện thô sơ qua lại khi có gió trên cấp 6" - ông Cường thông tin thêm.
Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ cho biết ngày 4-9 TP đã thành lập đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 3.
"Các địa phương đã xây dựng phương án ứng phó theo diễn biến của bão. Sở Xây dựng đã rà soát các công trình cao tầng, có phương án chằng chắn, đối với chung cư xuống cấp thì có phương án di dời bà con khi có mưa bão lớn.
Huyện Cát Hải còn hơn 4.345 khách du lịch đang ở trên các đảo, trong đó gần 1.200 khách du lịch quốc tế, TP đã thông tin cho khách du lịch với tinh thần đưa về đất liền..." - ông Thọ nói.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Lại Văn Hoàn cho biết dự kiến tỉnh sẽ cấm biển, dừng các hoạt động khai thác, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và các hoạt động khác ở khu vực cửa sông, ven biển, ngoài khơi từ 5h sáng 6-9.
Theo ông Hoàn, tỉnh Thái Bình có khoảng 2.300 chòi canh, lồng bè với 1.900 người nuôi trồng thủy hải sản và 7.990 hộ/19.021 người ở nhà yếu, khu vực nguy hiểm.
"Tỉnh kiên quyết di dời số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy hải sản và các hộ dân sinh sống trong khu vực nhà yếu, nguy hiểm, các vùng bãi thấp ven sông, cửa sông, số ngư dân trên các phương tiện làm ăn trên sông, trên biển vào nơi an toàn" - ông Hoàn nói.
Hành động với tinh thần không hối tiếc
Đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết bộ đã chỉ đạo các hãng hàng không, Công ty Bay dịch vụ hàng không theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để điều chỉnh kế hoạch hoặc thay đổi lịch bay cho phù hợp nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối hoạt động bay.
Căn cứ vào tình hình diễn biến của bão để xem xét dừng khai thác tại một số sân bay nằm trong vùng bị ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh nếu diễn biến đúng như dự báo hiện nay (thời điểm chiều 4-9) thì bão ảnh hưởng bao trùm cả miền Bắc, đặc biệt khu vực dự báo bão đổ bộ là vùng trọng điểm về phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng chúng ta đang đối mặt với một siêu bão rất lớn kể từ năm 2014 tới nay. "Ít có cơn bão nào mà tất cả các dự báo đều trùng khớp về cường độ, hướng di chuyển, tâm bão đổ bộ.
Với cường độ cực đại như vậy thì chúng ta phải hành động, chuẩn bị với tinh thần không hối tiếc. Các địa phương cần có sự chủ động ngay từ bây giờ vì không còn quá nhiều thời gian để chuẩn bị" - ông Hoan nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận