Chính phủ có nghị định 74/2024 về lương tối thiểu vùng (tăng 6%), tương ứng tăng từ 200.000 - 280.000 đồng so với hiện hành.
Lương tối thiểu vùng mới
Vùng 1 là 4,96 triệu đồng/tháng (theo giờ tối thiểu 23.800 đồng/giờ).
Vùng 2 là 4,41 triệu đồng/tháng (theo giờ tối thiểu 21.200 đồng/giờ).
Vùng 3 là 3,86 triệu đồng/tháng (theo giờ tối thiểu 18.600 đồng/giờ).
Vùng 4 là 3,45 triệu đồng/tháng (theo giờ tối thiểu 16.600 đồng/giờ).
Tiền lương tối thiểu tháng và lương tối thiểu giờ là lương thấp nhất, làm cơ sở để người sử dụng lao động thỏa thuận và trả lương đối với người lao động.
Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung danh mục các địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng mới với những nơi thay đổi về cơ sở hạ tầng, phát triển thị trường lao động, tăng thu hút đầu tư...
Đáng chú ý vùng 1 gồm nhiều địa bàn, trong đó có tất cả các quận của Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM (tính cả thành phố Thủ Đức)...
Chính phủ điều chỉnh vùng 2 lên vùng 1 đối với các tỉnh Hải Dương (thành phố Hải Dương), tỉnh Quảng Ninh (các thị xã Quảng Yên, Đông Triều và thành phố Uông Bí, Móng Cái), tỉnh Đồng Nai (huyện Thống Nhất) và tỉnh Long An (thành phố Tân An và các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc).
Điều chỉnh từ vùng 3 lên vùng 2 đối với tỉnh Bắc Giang (thành phố Bắc Giang, thị xã Việt Yên và huyện Yên Dũng), tỉnh Hải Dương (thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn và các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Nam Sách, Kim Thành), tỉnh Thái Bình (thành phố Thái Bình).
Các địa bàn cũng tăng từ vùng 3 lên vùng 2 còn có tỉnh Thanh Hóa (các thành phố Thanh Hóa, Sầm Sơn và thị xã Nghi Sơn, Bỉm Sơn), tỉnh Đồng Nai (hai huyện Tân Phú, Cẩm Mỹ), tỉnh Khánh Hòa (thị xã Ninh Hòa), tỉnh Sóc Trăng (thành phố Sóc Trăng) và tỉnh Long An (thị xã Kiến Tường).
Điều chỉnh từ vùng 4 lên vùng 3 đối với tỉnh Hải Dương (các huyện Ninh Giang, Thanh Miện, Thanh Hà), tỉnh Thái Bình (hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải), tỉnh Ninh Thuận (huyện Ninh Phước) và tỉnh Thanh Hóa (các huyện Triệu Sơn, Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Hà Trung, Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Nông Cống).
Tác động tốt đến kinh tế
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mức lương tối thiểu vùng tại một số nơi không còn phù hợp do sự thay đổi về địa giới hành chính (đổi tên, thành lập mới, nhập, giải thể) sau khi thực hiện sắp xếp lại theo các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nhiều nơi thay đổi về điều kiện cơ sở hạ tầng, thị trường lao động, chính sách thu hút đầu tư nên việc phân lại vùng lương tối thiểu là phù hợp.
Các chuyên gia của bộ này tính toán việc điều chỉnh phân vùng tác động tốt đến kinh tế, tạo sự cân đối về giá nhân công giữa các địa bàn lân cận, tăng cạnh tranh về việc làm, thu hút lao động, hình thành các khu/cụm công nghiệp, từ đó thúc đẩy tăng trưởng.
Thực tế các địa bàn dự kiến điều chỉnh đều xuất phát từ điều kiện thực tiễn của địa phương và đã có trao đổi, đồng thuận với các cơ quan, tổ chức có liên quan nên các doanh nghiệp sẽ chuẩn bị trước.
Việc phân lại vùng giúp người lao động cải thiện cuộc sống, tạo tâm lý tích cực và góp phần duy trì ổn định trật tự xã hội.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang, việc nâng lương tối thiểu vùng ở các địa phương đảm bảo quyền lợi, mức sống tối thiểu cho người lao động, tạo sự tương đồng với các tỉnh lân cận. Đây cũng là tỉnh có tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 14,14%, cao nhất cả nước trong 6 tháng qua.
Nâng cao đời sống người lao động
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngọ Duy Hiểu - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết việc tăng lương tối thiểu vùng 6% rất ý nghĩa, góp phần nâng cao đời sống của đoàn viên, người lao động.
"Đoàn viên, người lao động rất mong Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục có các giải pháp kiềm chế lạm phát, kiềm chế việc gia tăng của các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, thực phẩm trực tiếp liên quan đến đời sống người lao động", ông Hiểu cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận