Thạc sĩ Hoàng Việt chia sẻ bên lề Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 14 - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Trao đổi riêng với Tuổi Trẻ Online, thạc sĩ Hoàng Việt cho biết khi đánh giá về tình hình Biển Đông và khu vực, hầu hết các đại biểu quốc tế cho rằng trong bối cảnh thế giới có nhiều biến đổi bất ngờ, cục diện Biển Đông tương đối tĩnh lặng nhưng chỉ mang tính tạm thời.
Việc giữ ổn định cho khu vực Biển Đông vẫn còn nhiều thách thức nhưng chúng ta vẫn có thể thấy được những tín hiệu tích cực được chia sẻ từ hội thảo lần này phải không, thưa ông?
- Chúng ta thấy tại hội thảo lần này các học giả đều cho rằng tình hình an ninh khu vực và Biển Đông một mặt liên quan giữa các nước ven Biển Đông, mặt khác liên quan đến cạnh trạnh giữa các nước lớn.
Rõ ràng thế giới đang gặp những khó khăn thách thức lớn về an ninh và kinh tế. Các quốc gia đều bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch trong hai năm qua khi mà chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn. Trong quá trình phục hồi đứt gãy thì xảy ra cuộc chiến ở Ukraine.
Các quốc gia phương Tây trừng phạt Nga bằng lệnh cấm vận và việc Nga "phản đòn" lại khiến cho chuỗi cung ứng tiếp tục đứt gãy một cách trầm trọng hơn. Đặc biệt cuộc chiến này dẫn đến khả năng thiếu hụt năng lượng ở khu vực châu Âu khi bước vào mùa đông.
Và vai trò của khu vực Biển Đông với khu vực châu Âu được nhấn mạnh như trong phiên dẫn đề của Chuẩn đô đốc Juergen Ehle, cố vấn quân sự cao cấp của Cơ quan đối ngoại EU. Ông nhìn nhận Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực rất quan trọng không chỉ đối với Liên minh EU mà còn của thế giới, không chỉ về hàng hóa mà còn là an ninh năng lượng.
Chúng ta thấy rằng nếu duy trì được khu vực Biển Đông hòa bình, an ninh ổn định sẽ giữ được sự hồi phục kinh tế toàn cầu.
Trường hợp ngược lại, những eo biển quan trọng như Malacca hoặc khu vực Biển Đông căng thẳng thì nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề. Nhất là bối cảnh ảnh hưởng của lạm phát tại nhiều quốc gia, kể cả ở những siêu cường đời sống người dân cũng bị tác động nặng nề trong thời gian qua.
Và bối cảnh này, cạnh tranh giữa các siêu cường nhiều nguy cơ sẽ là "cạnh tranh cùng đi xuống". Do vậy chúng ta thấy cái bắt tay mới đây giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden, các bên đều dành sự tôn trọng lẫn nhau với mong muốn hợp tác cùng có lợi, các bên đều ý thức việc tránh đối đầu về quân sự vì cái giá phải trả khó đo lường.
Và với những nhu cầu bức thiết như thế, chúng tôi đã chia sẻ những tín hiệu tích cực rằng các quốc gia sẽ giữ được "cái đầu lạnh" trong ứng xử trên biển và duy trì hòa bình, an ninh ổn định trên khu vực biển này.
Tàu cá nước ta đánh bắt trên khu vực Biển Đông - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Hội thảo có phiên riêng kỷ niệm 40 năm ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982). Là quốc gia có liên quan trực tiếp trong khu vực Biển Đông, chúng ta càng thấy UNCLOS 1982 có vai trò quan trọng để giải quyết tranh chấp phải không?
- Quan điểm của Việt Nam rất rõ ràng và xuyên suốt từ trước đến nay. Đó là việc kiên trì giải quyết tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông bằng các giải pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982).
Trước đây chúng ta thấy có nhiều cường quốc thậm chí phớt lờ luật pháp quốc tế. Nhưng trong bối cảnh khó khăn, biến động địa chính trị như hiện nay mới thấy hết vai trò của luật pháp quốc tế.
Vì vậy không chỉ tại hội thảo này mà rất nhiều lần các quốc gia đều nhắc tới UNCLOS 1982 là khung khổ pháp lý để các quốc gia ngồi lại với nhau. Ngay như Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị mới đây cũng nhắc tới việc tuân thủ UNCLOS 1982.
Đương nhiên việc nước bạn diễn giải như thế nào thì chúng ta cần có thêm thời gian theo dõi. Tuy nhiên trước mắt chúng ta thấy rằng hầu hết các siêu cường như Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia liên quan đến tranh chấp Biển Đông đều đề cao vai trò của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.
Đây là điều đáng mừng mà chúng ta hướng tới lâu nay.
Thảo luận về xu hướng liên kết tiểu đa phương và đa phương
Chiều tối 17-11, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 14 đã kết thúc bằng bài phát biểu bế mạc của quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao Phạm Lan Dung.
Qua 2 ngày hội thảo, 8 phiên thảo luận, 1 phiên dẫn đề có gần 40 bài tham luận và hơn 160 ý kiến bình luận. Nhiều câu hỏi trao đổi tại hội thảo đã cho thấy Biển Đông không phải là vùng biển đóng kín mà đóng vai trò trung tâm, kết nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Đặc biệt lần này các diễn giả và đại biểu cũng dành thời gian thảo luận về xu hướng liên kết tiểu đa phương và đa phương, trong đó gồm các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.
Đại biểu tham dự Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 14 - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận