Đầu gà má lợn…
Ngày xưa, các cụ coi “đầu gà, má lợn” là hai món dành cho lý trưởng, chánh tổng ngồi “chiếu trên” mới được ăn. Các bà mối ăn nói khéo, cặp nào nên duyên vợ chồng cũng đền ơn bằng đầu heo. Có thể ngày xưa thiếu thực phẩm, rồi người xưa cho rằng phần đầu sạch sẽ nhất nên chỉ những người quan trọng mới được ưu tiên các món này.
Bây giờ các nhà khoa học cảnh báo rằng: chớ ăn đầu gà, vì khi gà mổ thức ăn, những tạp chất chứa kim loại nặng trong đất vô cơ thể sẽ tích lũy ở phần đầu của chúng. Dưới da cổ gà và má lợn (heo) là một lớp mỡ, nếu ăn vào sẽ bị tăng cholesterol máu. Thời nay ai cũng biết tăng cholesterol là mối nguy cho sức khỏe tim mạch.
Khi bạn bị viêm họng thường hạch dưới hàm, hạch cổ sưng to. Bạn mua thịt heo, đặc biệt là phần cổ, thỉnh thoảng bạn thấy có những cục hạch nhỏ. Chính những cục hạch này chứa mầm bệnh (vi khuẩn, virus), nhưng bạn cứ thản nhiên ăn để rồi bị bệnh mà không biết nguyên nhân từ đâu tới.
Nhất phao câu, nhì đầu cánh
Phao câu có tuyến hôi, chúng ta cắt đi rồi, nhưng phần còn lại là da và mỡ, chả hiểu sao các cụ xếp phần này vào hàng “nhất”, chắc vì nó béo. Tuy nhiên phao câu không chỉ có mỡ, mà đây là nơi tập trung các hạch bạch huyết. Các hạch này chứa đại thực bào nhằm “ăn” vi khuẩn, virus đồng thời “ăn” luôn cả những chất gây ung thư. Những người khoái ăn phao câu gà, vịt xin tránh xa món này vì những chất độc trong nó khi vô cơ thể sẽ bị tích lũy lại, gây độc. Các bà nội trợ khi làm thịt gà, khi nhổ lông nên tránh làm vỡ chất nhầy trong phao câu kẻo chúng ngấm vào thịt gà mà gây hại.
Nội tạng động vật
Óc heo, gan, ruột heo, gà... khi còn tươi đều là đồ bổ nhưng chỉ sau 6 giờ là chúng bị phân hủy, bốc mùi. Vì thế muốn ăn nội tạng động vật phải mua khi vừa giết mổ. Tuy nhiên với những người xơ mỡ động mạch, cao huyết áp thì không nên ăn vì chúng chứa nhiều cholesterol. Điều quan trọng là nếu không làm sạch hoặc mua phải nội tạng của những động vật bị bệnh, thì rất dễ bị lây nhiễm. Vì thế ở các nước phương Tây người ta vứt bỏ ruột. Óc, gan thì đưa đến nơi chế biến, bảo quản ngay khi lấy ra khỏi con vật.
Những lưu ý khi chế biến
Các bà nội trợ mua cá rồi nhờ người bán làm, mang về rửa qua và chế biến, ít ai để ý trong bụng cá có một màng đen, đặc biệt là cá rô phi. Đây là phần tanh nhất của cá, nó chứa mùi bùn, một lượng lớn chất béo và các vi khuẩn độc hại. Vì thế bạn nên dùng kéo cắt hết màng đen, rửa sạch trước khi đưa chúng lên bếp. Tương tự, phần chai ở móng, khuỷu hoặc bàn chân dê cũng cần chú ý cắt bỏ khi chế biến thức ăn, vì đây vốn là một bộ phận bị “bệnh” cấu tạo nên.
Ốc thường là món khoái khẩu của các bạn trẻ ở ta. Tuy nhiên khi ăn tốt nhất bạn chỉ nên ăn phần thịt bên ngoài của con ốc. Phần sâu bên trong xoáy ốc có màu thẫm đen mà nhũn như bùn, là nơi chứa nhiều độc tố, không có lợi cho sức khỏe.
Thịt đông lạnh
Mùa cuối năm, tết nhứt, nhiều gia đình mua thật nhiều thịt về trữ trong tủ lạnh. Có bà còn lười chia thịt ra thành phần nhỏ, mỗi lần nấu đem cả cục lớn ra rã đông, cắt một miếng nấu, phần còn lại cấp đông tiếp. Ít người biết rằng kể cả khi đông lạnh một số vi khuẩn, virus vẫn “sống nhăn răng”. Chúng sinh ra độc tố có thể gây ung thư. Theo một nghiên cứu tại Nigeria, thịt đông lạnh chứa độc tố gây ung thư rất cao, thịt để đông lạnh càng lâu, lượng độc tố càng tăng lên. Việc tái đông của các bà nội trợ khiến cho các thớ thịt bị phân hủy, vừa sinh ra độc tố vừa làm giảm chất lượng của thịt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận