19/12/2014 09:26 GMT+7

​Nhiều thay đổi theo thang điểm 20

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ

TT - Tại cuộc họp báo chiều 18-12, Bộ GD-ĐT đã giải đáp thêm về những quy định mới trong dự thảo liên quan tới kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển - Ảnh: Nguyễn Khánh
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển - Ảnh: Nguyễn Khánh

Đặc biệt là những quy định liên quan trực tiếp đến quyền lợi thí sinh.

Lý giải cho việc chuyển từ thang điểm 10 sang thang điểm 20 trong việc chấm thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, ông Mai Văn Trinh, cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, cho biết: kỳ thi nhằm vào hai mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH-CĐ nên cả khâu ra đề và chấm thi cần đảm bảo yêu cầu phân hóa chi tiết hơn kết quả thi của thí sinh ở tất cả môn thi.

Vì thế, Bộ GD-ĐT quy định sử dụng thang điểm 20 cho việc chấm thi.

Chấm thi vẫn có thể chi tiết đến 0,25 điểm

Với thang điểm 20, một số quy định về điểm liệt, điểm ưu tiên sẽ được điểu chỉnh. Cụ thể, điểm liệt sẽ là 2,0 (thay cho 1,0 trước đây) và số điểm nhiều nhất một thí sinh được ưu tiên sẽ là 8,0 (thay cho 4,0 trước đây). 

Trả lời băn khoăn của báo chí về số điểm ưu tiên quá nhiều (8,0) có thể khiến chất lượng tuyển sinh ĐH-CĐ giảm sút, ông Trinh khẳng định việc “nâng điểm ưu tiên” này về bản chất không thay đổi. Vì kết quả kỳ thi THPT quốc gia sẽ có chung hệ quy chiếu trên thang điểm 20.

“Việc xét tốt nghiệp THPT sẽ căn cứ vào 50% kết quả điểm trung bình lớp 12 và 50% kết quả kỳ thi quốc gia. Trong khi điểm trung bình lớp 12 vẫn được tính trên thang điểm 10, kết quả kỳ thi THPT quốc gia theo thang điểm 20. Như vậy sẽ khó khăn cho việc xét” - đây là ý kiến của một số phóng viên trao đổi lại với đại diện Bộ GD-ĐT.

Cũng như việc coi thi, chấm thi sẽ được giao cho các trường ĐH có uy tín, có kinh nghiệm tổ chức tuyển sinh các năm trước chủ trì. Các trường ĐH này có trách nhiệm tuyển chọn người làm nhiệm vụ chấm thi, có thể kết hợp giữa giảng viên các trường ĐH và giáo viên phổ thông

Thứ trưởng NGUYỄN VINH HIỂN

Trao đổi thêm về điều này, ông Vũ Đình Chuẩn, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT, giải thích cách thức tính điểm xét tốt nghiệp sẽ được điều chỉnh. Cụ thể, kết quả bốn môn thi (để xét tốt nghiệp THPT) sẽ được cộng vào chia cho 8 để lấy điểm trung bình (chứ không phải chia 4 như trước đây).

Trao đổi về quy định miễn thi ngoại ngữ cho những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (theo quy định của Bộ GD-ĐT), ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh việc miễn thi này chỉ áp dụng đối với việc xét tốt nghiệp THPT. Thí sinh muốn xét tuyển ĐH-CĐ với môn ngoại ngữ vẫn phải dự thi bình thường.

Với những thí sinh được miễn thi ngoại ngữ, việc xét tốt nghiệp THPT vẫn căn cứ vào tổng điểm bốn môn thi, chứ không phải ba môn như một số ý kiến đề nghị. Môn ngoại ngữ sẽ được quy ra điểm để phục vụ việc xét tuyển. 

Trao đổi thêm bên lề cuộc họp với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Mặc dù thang điểm 20 nhưng mức điểm tối thiểu trong barem điểm của một số môn học vẫn có thể chi tiết đến 0,25, đảm bảo chính xác và quyền lợi của thí sinh.

Tuy nhiên, mức điểm chi tiết này ở mỗi môn thi sẽ có thể khác nhau, tùy theo đặc thù của môn thi và yêu cầu đề thi. Ví dụ môn ngữ văn sẽ khó có thể chi tiết đến 0,25 điểm mà cần linh hoạt hơn để chấm thi những câu hỏi mở”.

Cục trưởng Mai Văn Trinh - Ảnh: Nguyễn Khánh
Cục trưởng Mai Văn Trinh - Ảnh: Nguyễn Khánh

Tất cả cụm thi đều do ĐH chủ trì

Khác hẳn với tinh thần trước đây có hai loại cụm thi: một loại cụm thi do ĐH chủ trì và một loại cụm thi do địa phương chủ trì có sự tham gia của trường ĐH để tổ chức thi cho thí sinh chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT ở vùng khó khăn, hiện tại Bộ GD-ĐT đã quyết định thay đổi cách tổ chức cụm thi, thống nhất theo một mô hình chung: tất cả cụm thi sẽ đều do ĐH chủ trì.

Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề cuộc họp báo, PGS.TS Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT - cho biết bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ quyết định cụm thi tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là tỉnh) và giao cho các trường ĐH chủ trì.

Chúng tôi cũng nghĩ đến việc chỉ tính điểm ba môn thi đối với trường hợp miễn thi ngoại ngữ. Nhưng sau đó vẫn quyết định tính bốn môn thi. Vì thí sinh có thể lấy điểm môn học tốt hơn để gánh cho môn học yếu hơn. Việc này tạo thuận lợi cho thí sinh trong việc xét tốt nghiệp 
Cục trưởng MAI VĂN TRINH

Tham gia coi thi, chấm thi là cán bộ, giảng viên ĐH, CĐ và giáo viên THPT. Các cụm thi liên tỉnh này sẽ có nhiệm vụ tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất hai tỉnh.

Riêng đối với những tỉnh có khó khăn, nếu ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét thành lập cụm thi tỉnh cho các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, ở cả cụm thi tỉnh thì cách thức tổ chức cũng giống như cụm thi liên tỉnh.

“Dự kiến việc tổ chức thi ở cụm thi liên tỉnh hoặc cụm thi tỉnh là giống nhau, theo đúng quy định của quy chế thi, cùng một quy trình và đều do trường ĐH chủ trì nhằm đảm bảo công bằng, độ tin cậy của kết quả thi ở tất cả cụm thi trên cả nước” - ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cho biết quy định này chỉ để thống nhất mô hình tổ chức cụm thi, chứ không hề gây xáo trộn về điều kiện để thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia.

Điều 8 trong dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy đã quy định rõ với thí sinh đăng ký vào trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển thì bắt buộc ngay khi đăng ký dự thi đã phải đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH, CĐ.

Như vậy, trường hợp dù thí sinh đang ở vùng khó khăn, có cụm thi tỉnh để xét công nhận tốt nghiệp THPT, nhưng nếu muốn vào trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển thì bắt buộc phải đăng ký dự thi tại cụm thi liên tỉnh.

Không được tự thay đổi cụm thi

Tại buổi họp báo, ông Mai Văn Trinh thông báo dự kiến năm 2015 cả nước sẽ có 34-35 cụm thi liên tỉnh. Thí sinh sẽ phải đăng ký dự thi tại cụm thi theo hoạch định từ trước, không được từ phạm vi cụm này lại đăng ký thi ở cụm khác để tránh không làm phá vỡ quy mô tổ chức cụm thi, gây khó khăn cho các trường ĐH chủ trì.

Theo Bộ GD-ĐT, sắp tới bộ sẽ có quyết định riêng về danh sách phân bố các cụm thi trong cả nước.

Lấy ý kiến trong vòng 45 ngày

Theo ông Nguyễn Vinh Hiển, dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi quốc gia và quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2015 sẽ được công khai trên website của Bộ GD-ĐT trong 45 ngày. Trong thời gian này, Bộ GD-ĐT vẫn tiếp tục tiếp nhận các ý kiến góp ý để hoàn thiện hai quy chế trước khi ban hành chính thức.

Riêng về quy định cụm thi, do cần phải cân nhắc thêm một số yếu tố nên Bộ GD-ĐT sẽ có quy định riêng.

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên