02/09/2015 15:14 GMT+7

Nhiều thách thức lớn...

 TS VÕ KIM CƯƠNG
TS VÕ KIM CƯƠNG

TT - Trong ngày 1-9, diễn đàn Chung tay xây dựng “thành phố đáng sống” đã nhận được 8 bài viết tham gia của chuyên gia, người dân ở TP.HCM. Chúng tôi giới thiệu bài viết của TS Võ Kim Cương cùng bạn đọc.

Một góc TP.HCM khi vừa lên đèn - Ảnh: Thuận Thắng

“Sống tốt” là một ước vọng tự nhiên của con người nên đề xuất ý tưởng hay mô hình thành phố sống tốt không khó. Vấn đề là làm sao để có được thành phố đáng sống?

4 tiêu chí của đô thị “đáng sống”

Khái niệm thành phố sống tốt hay đáng sống (livable city) xuất hiện trong quá trình nghiên cứu về phương pháp quy hoạch và quản lý phát triển đô thị từ những năm 1950.

Tiếp theo sự ra đời của phương pháp quy hoạch chiến lược (thay cho phương pháp quy hoạch tổng thể với những chỉ tiêu số học và các bản đồ phân khu chức năng cứng nhắc mà cộng đồng quy hoạch thế giới đã cho là lỗi thời), vào năm 2000 Liên minh Các thành phố đã phối hợp Ngân hàng Thế giới đưa ra phương pháp chiến lược phát triển đô thị (City Development Strategy).

Đây là phương pháp quy hoạch và quản lý phát triển theo mục tiêu bền vững với bốn tiêu chí cơ bản là cạnh tranh tốt, sống tốt, tài chính lành mạnh và được quản lý tốt.

Sau đó, trên cơ sở mục tiêu con người, căn cứ vào nhu cầu của con người, các nhà đô thị học đã lấy tiêu chí sống tốt làm trung tâm để xây dựng mô hình phát triển đô thị đáng sống.

Điển hình về mô hình đô thị đáng sống có lẽ là của GS Mike Douglass (Trung tâm Nghiên cứu toàn cầu hóa thuộc ĐH Hawaii, Mỹ). Mô hình đô thị đáng sống này cũng có bốn tiêu chí cơ bản:

(1) Phát triển cá nhân tốt, bao gồm năng lực, sức khỏe, giáo dục, sinh kế, an toàn...

(2) Môi trường sống tốt, bao gồm nguồn vốn xã hội, cuộc sống cộng đồng, văn hóa địa phương, tạo chỗ làm, không gian công cộng...

(3) Môi trường sinh thái tốt, bao gồm không khí, nước, cảnh quan, chỗ ở, đất đai...

(4) Quản lý tốt, trước hết là quan hệ giữa chính quyền và dân tốt, có pháp luật, tổ chức bộ máy, tinh thần phục vụ, hiệu lực, hiệu quả quản lý tốt.

Hiện nay nhiều thành phố trên thế giới đã xây dựng bộ tiêu chí sống tốt cho thành phố mình và phấn đấu thực hiện các tiêu chí đó.

Để có thành phố đáng sống phải xuất phát từ nhu cầu về tinh thần và vật chất của nhân dân để xây dựng bộ tiêu chí cụ thể. Ví dụ về tinh thần, người dân được tôn trọng, bình đẳng, được học tập, có việc làm tốt, có quan hệ xã hội thân thiện, an toàn... Về vật chất, có chỗ ở tốt, được hưởng môi trường sinh thái tốt, các dịch vụ văn hóa, xã hội và dịch vụ đô thị tốt...

Nhà nước cần tạo điều kiện

Muốn có thành phố sống tốt phải nghiên cứu chuyển các tiêu chí có tính lý thuyết trên đây thành các chỉ tiêu cụ thể cho từng hoạt động trong từng giai đoạn phát triển khác nhau của thành phố và triển khai thực hiện chúng. Đây là việc rất khó.

Đối với TP.HCM việc này còn khó hơn so với nhiều thành phố khác trong cả nước. TP.HCM vốn là “thành phố làm ăn”, là thành phố kiếm sống hơn là đáng sống. Để kiếm sống người ta phải cắn răng chịu đựng những điều kiện sống tồi tệ. Để xây dựng thành phố đáng sống, TP.HCM phải vượt qua nhiều thách thức lớn.

Về kinh tế, mặc dù TP.HCM có sức hấp dẫn đầu tư hàng đầu cả nước nhưng sức cạnh tranh quốc tế còn hạn chế, công nghệ còn lạc hậu, năng suất lao động còn thấp. Mức lương tối thiểu không đủ sống nhưng tăng lương lại đe dọa sự sống còn của doanh nghiệp...

Về xã hội, liên quan đến an toàn và hạnh phúc của người dân là sự quá tải của bệnh viện, tệ nạn xã hội còn nhiều, chất lượng giáo dục đào tạo còn hạn chế, chênh lệch giàu nghèo còn quá cao. Nạn tham nhũng và thủ tục hành chính còn gây bất bình trong nhân dân...Về môi trường, tình trạng ngập nước, ùn tắc và tai nạn giao thông, ô nhiễm nước và không khí ở TP.HCM còn phải mất nhiều năm mới khắc phục được...

Mong ước có cuộc sống tốt đẹp đã là mong ước của mọi người qua nhiều thế hệ. Nhưng có lẽ phải đến thế hệ hôm nay, khi đất nước đã được độc lập, hòa bình, nhân dân có cuộc sống tự do để mưu cầu hạnh phúc thì mong ước đó mới có điều kiện để được thực hiện.

Dù còn rất nhiều thách thức như đã nêu ở trên nhưng nếu Nhà nước có quyết tâm thì vẫn có thể tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện được mô hình thành phố đáng sống mơ ước.

Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh vai trò tạo điều kiện của Nhà nước. Tạo điều kiện là Nhà nước tìm mọi cách huy động được nguồn lực từ xã hội để phục vụ mục tiêu sống tốt của dân. Có rất nhiều biện pháp để chính quyền thực hiện việc tạo điều kiện này.

Tuy nhiên biện pháp hàng đầu phải là xây dựng được một bộ máy chính quyền lành mạnh. Khi chính quyền trong sạch tồn tại với mục tiêu phục vụ dân, tìm cách đáp ứng các nhu cầu của dân, được lòng dân sẽ làm cho người dân thấy yêu thích thành phố, sẵn sàng góp công góp của xây dựng thành phố của mình.

Do có nhiều thách thức nên việc xây dựng TP.HCM theo mục tiêu đáng sống khó thể thực hiện trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên phải sớm bắt đầu ngay từ bây giờ, ít ra là có được ý tưởng và quyết tâm. Bắt đầu sớm để sớm có các mục tiêu cụ thể và có kế hoạch thực hiện. Bắt đầu sớm còn là để không làm cho các tình trạng xấu hiện nay của đô thị trầm trọng thêm.

TS VÕ KIM CƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên