23/09/2015 09:05 GMT+7

Nhiều thách thức cho ca Huế

THÁI LỘC (thailoc@tuoitre.com.vn)
THÁI LỘC ([email protected])

TT - Tối 22-9, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức lễ đón bằng công nhận ca Huế là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cũng là dịp tôn vinh các nghệ nhân và nhạc công ca Huế.

Một đêm ca Huế thính phòng tại tư gia của nhà nghiên cứu Bửu Ý, có sự tham gia của hai “đại thụ” Minh Mẫn và Thanh Hương - Ảnh: Thái Lộc
Một đêm ca Huế thính phòng tại tư gia của nhà nghiên cứu Bửu Ý, có sự tham gia của hai “đại thụ” Minh Mẫn và Thanh Hương - Ảnh: Thái Lộc

Cùng ngày, các nhà chuyên môn đã hội thảo về giá trị, định hướng, bảo tồn và phát huy di sản ca Huế.

“Thị hiếu thưởng thức văn hóa, âm nhạc của một bộ phận người dân, đa số là lớp trẻ, đang có sự thay đổi mạnh mẽ. Nguy cơ tiềm ẩn đối với di sản nghệ thuật ca Huế rất cao, nên cần thiết phải khẩn trương đề ra các giải pháp thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản ca Huế”.

Ông Cao Chí Hải (phó giám đốc Sở VH-TT&DL Thừa Thiên - Huế)

Hầu hết mọi người đều ủng hộ việc xây dựng hồ sơ ca Huế đệ trình UNESCO đề nghị công nhận di sản phi vật thể của nhân loại. Rất nhiều góp ý liên quan đến bộ hồ sơ này. Song, loại hình di sản độc đáo này cũng đang đứng trước những thách thức mang tính sống còn.

Không ít nhà nghiên cứu chỉ ra những hạn chế và mặt trái của hoạt động ca Huế hiện nay. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Sáng đánh giá hoạt động ca Huế trên sông Hương hiện dễ gây hiểu nhầm về ca Huế.

Một chương trình thường bao gồm các bài hò, lý, chầu văn, ngâm thơ và cả nhạc mới. Ca Huế chỉ một vài bài mang tính điểm xuyết, nhưng cũng không được người hướng dẫn giới thiệu rõ ràng.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (Huế) cho rằng: “Người ta nói ca Huế đang biến chất, người Huế đang rất xa ca Huế. Đây hẳn là một hiện tượng lạ đời, giá trị thì người ta nói rất ghê gớm, nhưng người ta lại đặt quá nhiều vấn đề bất cập đối với ca Huế. Những lời than phiền đó, vì sao như vậy?”.

Ông Hoa chỉ rõ: chiếc thuyền được gọi là “thuyền rồng” hiện nay không phải là không gian lý tưởng cho ca Huế, do đó cần thiết phải điều chỉnh. Diễn viên thì mặc trang phục cách tân nửa vời, thậm chí lòe loẹt, khăn vành thì nhiều tầng rất thiếu sự tinh tế.

Việc trình diễn ca Huế cũng đang được đẩy nhanh tốc độ, đến mức xa lạ với đặc trưng của ca Huế, dẫn đến phá nát sự trang trọng, tinh tế vốn có.

Nhạc công ca Huế thì chỉ được học qua loa, chủ yếu để đối phó, chỉ biết tấu vài bài để qua mặt được cơ quan cấp phép. Dàn nhạc thì vừa mỏng, vừa thiếu...

Tương tự, ông Nguyễn Quê (Sở VH-TT&DL Thừa Thiên - Huế) thừa nhận: “Nếu không được quản lý một cách chặt chẽ thì sẽ biến thành một loại sản phẩm thị trường làm mai một và đánh mất tính chất đặc sắc của ca Huế!”.

Nhà nghiên cứu Bửu Ý thì ái ngại đến công tác sưu tầm và đào tạo ca Huế. “Trịnh Công Sơn đối với tân nhạc như thế nào thì Minh Mẫn đối với ca Huế như thế ấy. Vậy mà nghệ nhân Minh Mẫn không được đi dạy ca Huế.

Tương tự là Thanh Tâm và Thanh Hương là những cây đại thụ của ca Huế thì lại không được đi dạy ca Huế. Còn nữa là công tác thu thập, sưu tầm để nghiên cứu các bài bản cũ, tôi có cảm giác chưa được lưu tâm đúng mực. Theo tôi, nên tổ chức thu thập những làn điệu cổ từ những nghệ nhân, những nhân chứng sống của ca Huế, trước khi nó quá muộn!”...

Ca Huế đang được bảo tồn dưới ba hình thức: trình diễn và trao truyền trong các thính phòng ở một số câu lạc bộ và tư gia như vốn có ngày xưa; bảo lưu mang tính đại chúng thông qua hoạt động trên sông Hương; đào tạo trong các trường công lập và nhà hát, đoàn nghệ thuật...

THÁI LỘC ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên