Khu dân cư Dệt Thống Nhất (TP Biên Hòa, Đồng Nai) gần 20 năm qua vẫn nhếch nhác, trong khi tiền dân nộp làm hạ tầng được đem gửi để lấy lãi - Ảnh: PV
Một lãnh đạo của Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết: bà Mỹ Thanh - nguyên giám đốc Sở Công nghiệp, nay là phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai - là người thuộc diện Ban Bí thư quản lý nên về sai phạm của bà, Tỉnh ủy đã có văn bản báo cáo, xin ý kiến xử lý.
Thu tiền nhiều năm, công trình vẫn dở dang
Theo kết luận thanh tra UBND tỉnh Đồng Nai vừa công bố, năm 1996 UBND tỉnh Đồng Nai cho Sở Công nghiệp (nay là Sở Công thương) lập dự án khu nhà tập thể Nhà máy dệt Thống Nhất (P.Tân Biên, TP Biên Hòa) cho cán bộ, công nhân viên với diện tích gần 1,6ha.
Theo đó, sở được phép huy động tiền để có vốn thực hiện dự án, phân thành 121 lô nền, cấp cho cán bộ, công nhân viên tự xây dựng nhà ở.
Để xây dựng hạ tầng theo quy hoạch được duyệt, người dân được cấp đất đã đóng góp bình quân mỗi hộ 11 triệu đồng. Thế nhưng đến năm 2003, dự án này cũng chỉ thi công được đường nội bộ khu dân cư, còn lại như cây xanh, hệ thống thoát nước, điện... không thực hiện.
Năm 2002, tỉnh Đồng Nai ra quyết định giao quyền sử dụng đất cho 115 hộ cán bộ, công chức, viên chức ở dự án trên để sử dụng vào mục đích làm nhà ở với thời hạn sử dụng lâu dài.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm công bố kết luận thanh tra, dù lấy tiền của dân hàng chục năm nhưng những người có trách nhiệm ở Sở Công nghiệp vào thời điểm trên đã không lập hồ sơ dự án theo đúng quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai. Hiện công trình vẫn đang còn dở dang.
Tiền làm hạ tầng đem gửi ngân hàng lấy lãi
Tổng số tiền thu đóng góp làm hạ tầng của người dân ở khu tập thể Nhà máy dệt Thống Nhất hơn 1,4 tỉ đồng. Thế nhưng khi thanh tra vào xác minh, phát hiện sở này khi làm dự án không lập tài khoản riêng và số tiền quỹ còn lại là... 0 đồng.
Đáng chú ý, từ năm 2003, Sở Công nghiệp cho gửi 670 triệu đồng (là tiền của dân đóng góp làm hạ tầng) vào Công ty cổ phần tổng hợp gỗ Tân Mai để lấy lãi hơn 204 triệu đồng.
Sau khi rút tiền gốc và tiền lãi ở Công ty gỗ Tân Mai, số tiền này lại được gửi tiếp vào các ngân hàng để lấy lãi. Kết quả thanh tra còn cho thấy tiền của dân nộp vào làm hạ tầng đã bị cán bộ chi bồi dưỡng, thưởng tết cho cán bộ, "chi quan hệ công tác", đo vẽ... nhưng không có chứng từ kế toán.
Từ kết quả sai phạm trên, UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu Sở Công thương thu hồi số tiền gốc lẫn lãi hơn 747 triệu đồng từng gửi Công ty gỗ Tân Mai. Yêu cầu bà Phan Thị Mỹ Thanh - nguyên giám đốc Sở Công nghiệp và kế toán trưởng bồi hoàn hơn 127 triệu đồng.
UBND tỉnh Đồng Nai kết luận: việc xảy ra sai phạm trên thuộc về giám đốc Sở Công nghiệp, Sở Công thương thời kỳ bà Phan Thị Mỹ Thanh với trách nhiệm là chủ tài khoản của dự án.
Ông Phạm Văn Sáng - nguyên giám đốc Sở Công nghiệp (nhiệm kỳ 1996 đến tháng 2-2003, nay là giám đốc Sở Khoa học - công nghệ) - cũng có trách nhiệm liên quan...
Bộ Công an mời bà Mỹ Thanh làm việc
Liên quan đến sai phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh trong vụ ký văn bản cho công ty của chồng (Ủy ban Kiểm tra trung ương đã kết luận, quyết định kỷ luật cảnh cáo), nguồn tin của PV Tuổi Trẻ xác nhận Bộ Công an đã có giấy mời bà Mỹ Thanh để làm rõ một số nội dung sai phạm.
Như Tuổi Trẻ đã đưa tin, khi làm phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, bà Mỹ Thanh đã ký văn bản chỉ đạo, giao cho Hợp tác xã An Phát (do ông Đỗ Tịnh, chồng bà Thanh, quản lý) để làm đường theo hình thức BOT, lập trạm thu phí.
Điều đáng nói là kinh phí để hỗ trợ giải phóng mặt bằng lại được lấy từ ngân sách nhà nước trái quy định.
Bà Thanh còn ký các văn bản của UBND tỉnh, chấp thuận cho Công ty Cường Hưng đầu tư dự án khu dân cư thương mại xã Phước Tân, vi phạm Luật phòng chống tham nhũng và quy định về những điều đảng viên không được làm.
Trong thời gian này, bà Thanh còn ký các văn bản của UBND tỉnh không thuộc lĩnh vực phụ trách, vi phạm quy chế làm việc và vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư.
8 cán bộ liên quan
Về hướng xử lý những cán bộ liên quan, đại diện Sở Công thương cho biết đang xem xét, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm 6 cá nhân gồm: ông Võ Văn Tỉnh (chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường), bà Nguyễn Ngọc Diệu (chánh văn phòng Sở Công thương), bà Tô Thị Hồng Trang (phó phòng kế hoạch - tài chính - tổng hợp, kế toán trưởng Sở Công thương).
Ngoài ra còn có 3 cá nhân đã nghỉ hưu, chuyển công tác là ông Phạm Văn Dũng (nguyên giám đốc Trung tâm tư vấn công nghiệp), bà Nguyễn Thị Nhỏ (nguyên kế toán trưởng Sở Công nghiệp) và ông Trần Cao Anh Tú.
Đối với lãnh đạo là ông Phạm Văn Sáng (nguyên giám đốc Sở Công nghiệp), ông Trần Văn Quan (nguyên phó giám đốc Sở Công thương), lãnh đạo sở này cho hay việc xử lý thuộc ban thường vụ Tỉnh ủy quản lý "nên không có ý kiến".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận