08/07/2011 06:36 GMT+7

Nhiều sai lầm trong điều trị suyễn

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Suyễn (hen) là bệnh lý khá phổ biến với khoảng 5% dân số VN bị mắc bệnh. Tuy đã có nhiều mô hình, biện pháp để kiểm soát suyễn, nhưng thực tế vẫn có bệnh nhân bị điều trị sai lầm bởi chính thầy thuốc!

Wnzqd5LU.jpgPhóng to
Kỹ thuật viên Trung tâm chăm sóc hô hấp Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đo chức năng hô hấp cho bệnh nhân - Ảnh: L.Th.H.

PGS.TS Lê Thị Tuyết Lan - phụ trách Trung tâm chăm sóc hô hấp Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cho biết tỉ lệ bệnh nhân mắc suyễn đang có xu hướng ngày càng tăng tại VN.

Tuy bệnh suyễn chưa thể chữa khỏi hẳn nhưng nếu điều trị đúng, bệnh sẽ được kiểm soát tốt, người bệnh không phải đi cấp cứu thường xuyên, thậm chí tử vong do những cơn suyễn kịch phát.

Ba lần sẩy thai

PGS Tuyết Lan cho biết Trung tâm chăm sóc hô hấp thường xuyên tiếp nhận điều trị những bệnh nhân bị suyễn rất nặng (bậc 3, bậc 4) từ các tỉnh thành khác đến điều trị. Nhiều bệnh nhân bị chẩn đoán sai hoặc điều trị không đúng cách dẫn đến tình trạng bệnh ngày càng diễn tiến nặng.

Có những trường hợp bệnh nhân lên cơn suyễn ở Phan Rang, Cà Mau, Hà Giang phải đón xe vào Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM để điều trị. Việc phải di chuyển rất xa mới đến nơi điều trị trong lúc đang lên cơn suyễn là cực kỳ nguy hiểm cho bệnh nhân, có thể khiến người bệnh tử vong nếu dùng thuốc cắt cơn không đem lại hiệu quả.

Mới đây, Trung tâm chăm sóc hô hấp tiếp nhận bệnh nhi là em N.T.L. (8 tuổi) bị suyễn nhưng điều trị kháng sinh kéo dài hai năm. Khi đến Bệnh viện Đại học Y dược TP, bệnh của em L. trong tình trạng rất nặng, chức năng hô hấp chỉ còn 30%.

Gần đây Trung tâm chăm sóc hô hấp tiếp nhận điều trị bệnh nhân N.T.T.P. (36 tuổi, Phú Yên). Một bác sĩ ở Phú Yên khi khám bệnh nói với chị P. “bệnh này không chữa được, khi nào lên cơn thì dùng thuốc cắt cơn”. Vì vậy, thay vì được dùng thuốc corticoid ngừa cơn dạng hít mỗi ngày, chị P. lại được bác sĩ hướng dẫn khi nào lên cơn suyễn thì dùng thuốc cắt cơn.

Cho nên ngày cũng như đêm chị P. luôn bị mệt, khó thở, tức ngực, ho dai dẳng... Ba năm qua chị P. bị hư thai ba lần vì cơn suyễn kịch phát.

Theo PGS Tuyết Lan, những thai phụ bị bệnh suyễn nếu không được kiểm soát cơn suyễn đúng cách sẽ bị những cơn suyễn kịch phát làm thiếu oxy, dẫn đến thai nhi bị thiếu oxy theo mẹ và chết lưu. Hiện chị P. được Trung tâm chăm sóc hô hấp điều trị để hạ bậc suyễn (khi đến điều trị, bệnh của chị đã ở bậc 3), tránh tái phát các cơn suyễn cấp tính.

Tính đến nay Trung tâm chăm sóc hô hấp Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã điều trị được 33.114 bệnh nhân suyễn, áp dụng phác đồ GINA (điều trị dự phòng bằng cách dùng thuốc xịt không để bệnh nhân lên cơn suyễn, chứ không phải để bệnh nhân lên cơn suyễn rồi mới điều trị cắt cơn) của Tổ chức Y tế thế giới.

Tỉ lệ thành công rất cao, 93% bệnh nhân hết triệu chứng sau 15-30 ngày điều trị, quan trọng nhất là bệnh nhân không bị những đợt cấp nên không phải đi cấp cứu như trước nữa.

Thầy thuốc vẫn còn gặp khó

Nhiều năm qua Hội Hô hấp TP.HCM, Trung tâm chăm sóc hô hấp Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới cũng như các đơn vị khác trong nước thành lập mạng lưới quản lý suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính trong cộng đồng. Đến nay trung tâm mở được 38 lớp huấn luyện; đào tạo 729 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của 178 cơ sở y tế thuộc 45 tỉnh thành trong cả nước.

Hiện có 46 đơn vị quản lý suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính trong cộng đồng được thành lập và đi vào hoạt động ở 25 tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều địa phương không thành lập được đơn vị quản lý suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, khiến bệnh nhân không có điều kiện tiếp cận được điều trị đúng.

Không ít bác sĩ tuy được đào tạo, huấn luyện bài bản nhưng khi về địa phương không làm được vì nhiều lý do. Có nơi do bệnh viện không trang bị máy hô hấp ký (trị giá khoảng 70 triệu đồng/máy). Có nơi mua máy hô hấp ký nhưng đơn vị bán máy không cung cấp bộ lọc không khí (sử dụng khi đo hô hấp ký cho người bệnh, dùng một lần rồi bỏ), hoặc bán bộ lọc với giá quá đắt (100.000đ/cái), bệnh nhân không có khả năng chi trả nên máy hô hấp ký phải “trùm mền”.

Ngoài ra, do bảo hiểm y tế chỉ thanh toán tiền đo hô hấp ký 15.000đ/lần, trong khi riêng một bộ lọc không khí đã có giá 50.000đ (khi đo hô hấp ký, bệnh nhân thổi hơi ra màng lọc sẽ giúp ngăn chặn được 99,99% vi khuẩn) nên có bệnh viện dùng một bộ lọc chung cho nhiều bệnh nhân khi đo, đến khi bộ lọc hư mới thay cái mới. Điều này hết sức nguy hiểm vì có thể làm lây truyền bệnh lao, bệnh nhiễm trùng qua đường hô hấp. C

ó cơ sở y tế cẩn thận hơn thì đem bộ lọc đi hấp. Song khi hấp màng lọc sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng đo hô hấp ký, dẫn đến kết quả sai trong chẩn đoán...

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên