Cô T. dùng tay nhấn đầu một bé 2 tuổi để bé úp mặt xuống nước học bơi - Ảnh: Quang Phương cắt từ clip |
Hơn 8g một ngày đầu tháng 12-2014, một phụ huynh chở bé trai 2 tuổi đến hồ bơi ở Q.2 (TP.HCM) để học bơi. Bà mẹ giao con trai cho cô T. đang đứng dưới hồ và cậu bé khóc ré lên khi vừa xuống hồ bơi.
Gào khóc, ói mửa tại hồ bơi
Ngay lập tức cô T. liền đẩy bé dúi mặt xuống nước và... tập bơi. Cháu bé vùng vẫy trong bể bơi. Cô T. rà rà tay bên cạnh khi cho bé úp mặt xuống nước. Đuối hơi, cháu bé vùng vẫy để ngửa mặt lên và tiếp tục gào khóc thì cô T. lại dùng tay xoay người cho bé úp mặt xuống nước tiếp.
Lúc này cháu bé tiếp tục vùng vẫy, ngửa mặt lên và gào khóc. Cô T. đưa cháu vào ghế ngồi dưới hồ nghỉ lấy hơi, nhưng chưa đầy một phút cô lại nắm tay cháu kéo tiếp xuống hồ, úp mặt xuống nước để... tiếp tục bơi.
Úp mặt đuối, cháu vùng vẫy ngửa mặt lên gào khóc, phun nước từ miệng ra ngoài. Cứ như thế cháu bé vừa học bơi vừa khóc trong suốt 10 phút, trước khi được cô giáo đưa lên bờ cho mẹ chở về.
Năm phút sau, một đôi vợ chồng trẻ chở theo cháu bé mới 14 tháng tuổi tới học bơi. Cháu bé nằm trên ghế nệm khóc khi được mẹ thay đồ bơi để đưa xuống hồ cho cô T. dạy bơi. Tương tự cháu trai nói trên, bé gái từ khi xuống hồ đã khóc thét lên.
Còn cô T. lặp lại những bài tập trên mặc cho bé gào khóc. Khi thấy cháu bé có dấu hiệu đuối, cô T. dìu cháu vào bờ và lấy thau nhựa hứng để cháu ói nước ra ngoài. Cháu bé vừa ói xong chưa kịp nghỉ, cô T. lại đưa cháu ra tiếp tục úp mặt xuống nước... học bơi.
Hết 10 phút, bố mẹ cháu lại đưa cháu về. Tiếp đến, một bé gái khác 14 tháng tuổi cũng được cô T. dạy bơi theo phương pháp cũ. Học giữa chừng cháu bé này cũng ói mửa ngay tại hồ...
Hệ lụy khó lường
Chúng tôi mang một số video quay được tại hồ bơi nói trên tới một số giáo viên đang dạy bơi lội tại các hồ bơi Văn Thánh (Q.Bình Thạnh), Yết Kiêu (Q.1)... để nhờ phân tích xem phương pháp dạy bơi nói trên có thích hợp với trẻ hay không. Khi xem qua các đoạn video, họ đều lắc đầu bảo: “Đây là phương pháp của nước ngoài nhưng bị áp dụng sai”.
Một giáo viên ở hồ bơi Văn Thánh cho biết ở một số nước trên thế giới họ dạy bơi cho trẻ sơ sinh theo hướng cho trẻ tiếp xúc dần với nước, làm quen với nước và chơi các trò chơi trên nước, dạy cách làm nổi cơ thể trên mặt nước, sau đó mới dạy các kỹ thuật bơi. Tất cả hoạt động này đều có sự kèm cặp của phụ huynh và giáo viên hướng dẫn.
Tuy nhiên, thời gian các bé tiếp xúc với nước không kéo dài liên tục 10 phút như thế. “Các bé giống như bị cưỡng bức đến nỗi phải khóc lóc, nôn ói tại hồ bơi là điều phản tác dụng. Trẻ khoảng 1-2 tuổi chưa ý thức được những hành động của mình, nếu ép như thế sẽ hình thành trong đầu các bé sự sợ hãi, ấn tượng xấu khi tiếp xúc với nước” - một giáo viên ở hồ bơi Văn Thánh nói.
Các bác sĩ nhi khoa cũng khuyến cáo trẻ còn quá nhỏ, nếu cho đi học bơi sẽ gặp nhiều rủi ro. Chẳng hạn nếu hồ bơi không được khử trùng tốt thì các loại ký sinh trùng sẽ xâm nhập trong hồ, trong quá trình học bơi trẻ vô tình uống phải nước hồ sẽ bị đau bụng, tiêu chảy.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Bệnh viện Nhi Đồng I (TP.HCM), cho rằng không nên để trẻ nhỏ tuổi ngâm mình quá lâu trong nước vì như vậy rất dễ bị mất thân nhiệt dẫn đến bị cảm lạnh. Đặc biệt, nếu trẻ úp mặt xuống nước quá lâu sẽ xảy ra tình trạng hít nước vào mũi dễ gây ngạt thở.
Khi chúng tôi tỏ vẻ băn khoăn về cách dạy bơi nói trên, cô T. bảo: “Phương pháp dạy riêng như vậy đó! Phụ huynh nào muốn cho con học thì học, không thì thôi” (?!).
Tránh gây áp lực quá sức lên trẻ Thạc sĩ tâm lý Huỳnh Anh Bình, giám đốc Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống - giá trị sống TP.HCM, cho rằng trẻ nhỏ cần những hoạt động làm quen với môi trường xung quanh để giúp các em có thể rèn luyện sức khỏe và kỹ năng sinh tồn, nhưng tùy sức khỏe của từng bé mà các bậc cha mẹ cân nhắc để tránh áp lực quá sức lên các cháu. “Mọi vấn đề thường có hai mặt, nếu như các em học bơi mà gào khóc, ói mửa vì quá sức và sợ hãi thì hoạt động này sẽ dẫn đến hệ lụy nguy hiểm lâu dài về mặt tâm lý. Nặng nề hơn là sự sợ hãi khi tiếp xúc với môi trường nước, và nguy hiểm hơn nữa là những “dư chấn” tinh thần lâu dài trong các em qua những hoạt động quá sức này” - thạc sĩ Bình nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận