Những hình ảnh gây sửng sốt về những mảnh nhựa, dây cao su và các chất thải khác được tìm thấy trong dạ dày một con rùa xanh tại Thái Lan đã cho thấy sự nghiêm trọng của vấn đề rác thải trên biển sau sự việc tương tự đối với một con cá voi được công bố rộng rãi vào đầu tháng 6 vừa qua.
Weerapong Laovechprasit, một bác sĩ thú y tại Trung tâm phát triển và nghiên cứu tài nguyên ven và trên biển miền Đông Thái Lan, cho biết con rùa xanh, một loài động vật được bảo vệ, cũng chịu số phận tương tự như con cá voi sau khi dạt vào bãi biển ở tỉnh Chanthaburi ở phía Đông Thái Lan hôm 4-6. Chất nhựa, dây cao su, các mảnh khinh khí cầu và nhiều loại rác thải khác đã lấp đầy đường ruột của con rùa xanh làm nó không thể ăn được và đã chết 2 ngày sau đó. Weerapong khẳng định: "Nguyên nhân chính gây ra cái chết của con rùa xanh là chất thải biển".
Các bác sĩ thú ý sử dụng tia X phát hiện ra sự tắc nghẽn ruột của con rùa và nỗ lực cứu con rùa bằng cách cho nó ăn qua đường tĩnh mạch, nhưng không thành công.
Weerapong cho biết trong quá khứ khoảng 10% số rùa xanh bị mắc cạn trên các bãi biển đã nuốt phải chất dẻo hoặc bị viêm nhiễm sau khi tiếp xúc với rác thải, nhưng năm nay khoảng 50% trường hợp có liên quan đến rác thải.
Hồi đầu tháng 6, các nhà bảo vệ môi trường đã gây ra sự chú ý của dư luận khi công bố hình ảnh mổ xác một con cá voi tìm thấy gần lãnh hải với Malaysia và phát hiện 80 túi rác nhựa trong dạ dày con cá voi này.
Thái Lan là một trong những nước tiêu thụ đồ nhựa nhiều nhất thế giới. Theo báo cáo của Tổ chức Bảo vệ Đại dương (Ocean Conservancy) năm 2015, hơn một nửa trong số 8 triệu tấn rác thải nhựa được đổ xuống các đại dương của thế giới mỗi năm là từ 5 nước châu Á, trong đó có Trung Quốc và một số nước ASEAN./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận