Nhiều quốc gia trên thế giới đã cấm ứng dụng TikTok - Ảnh: TECHCRUNCH
Trong hai tuần qua, ít nhất 7 bang của Mỹ cho biết họ sẽ cấm công chức sử dụng ứng dụng TikTok trên các thiết bị của chính phủ. Đó là các bang Alabama, Maryland, Oklahoma, South Carolina, South Dakota, Utah, và Texas. Riêng bang Nebraska đã cấm TikTok khỏi các thiết bị của bang từ năm 2020.
Ngày 7-12, chính quyền bang Indiana của Mỹ đã khởi kiện TikTok với cáo buộc ứng dụng chia sẻ video ngắn này thu thập trái phép thông tin cá nhân của người dùng và gợi ý nội dung video không phù hợp với trẻ em.
Ngày 13-12, một nhóm gồm 15 luật sư đã viết thư cho Apple và Google kêu gọi các tập đoàn này ngừng phổ biến ứng dụng TikTok vì có hại cho thanh thiếu niên Mỹ.
Áp lực ngày càng gia tăng đối với TikTok đến từ các bang do các thống đốc Đảng Cộng hòa lãnh đạo. Họ nêu rõ lo ngại thông tin cá nhân của người dùng TikTok có thể lọt vào tay Chính phủ Trung Quốc.
Bộ Tài chính, cơ quan chủ quản của Ủy ban Đầu tư nước ngoài (CFIUS), tuyên bố rằng ủy ban "cam kết thực hiện tất cả các hành động cần thiết trong thẩm quyền của mình để bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ" và từ chối bình luận cụ thể về TikTok. Nhà Trắng cũng từ chối bình luận.
Hiện tại, quân đội Mỹ, Bộ Ngoại giao và Bộ An ninh nội địa Mỹ đã cấm nhân viên sử dụng TikTok.
Lệnh cấm TikTok không chỉ rộ lên ở Mỹ, nhiều quốc gia cũng đã xem xét việc cấm ứng dụng này hoạt động.
Ấn Độ đã cấm vĩnh viễn TikTok, trong khi Indonesia và Bangladesh cấm TikTok trên cơ sở lo ngại liên quan đến các nội dung khiêu dâm.
Armenia và Azerbaijan đã thực hiện các hạn chế để giảm thiểu sự lan truyền thông tin có thể dẫn đến xung đột. Syria cấm TikTok với cáo buộc liên quan đến nạn buôn người vào châu Âu và các nước khác thông qua biên giới chung với Thổ Nhĩ Kỳ.
Mới nhất, Úc cũng đang xem xét phải làm gì với các ứng dụng truyền thông xã hội của Trung Quốc, trong bối cảnh lo ngại dữ liệu cá nhân mà họ thu thập có thể bị Bắc Kinh truy cập.
Bộ trưởng An ninh Anh cũng đã nêu lên mối lo ngại về việc ngày càng nhiều thanh niên đọc tin tức trên các trang mạng xã hội như TikTok do Trung Quốc sở hữu.
TikTok nói gì?
Bà Hilary McQuaide, người phát ngôn của TikTok, cho biết "thất vọng" vì các lệnh cấm, và cho biết họ đang hợp tác với Chính phủ Mỹ để giải quyết tất cả các mối lo ngại hợp lý về an ninh quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận