Vừa qua, hàng loạt quán karaoke ở Hà Nội bị buộc tạm dừng hoạt động do không đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, tính tới thời điểm tháng 2-2023, nhiều quán karaoke trên địa bàn thành phố đã đóng cửa hơn 5 tháng, chưa có dấu hiệu sẽ được hoạt động trở lại. Vốn đầu tư lớn, dừng hoạt động kéo dài khiến nhiều chủ cửa hàng kinh doanh karaoke điêu đứng, nhiều nhân viên mất việc làm.
Nghiệm thu đủ điều kiện hoạt động, vẫn đóng cửa vì "chưa đủ điều kiện"?
Đầu tư 20 tỉ đồng để mở quán karaoke ở phường Mỗ Lao (Hà Đông), bà Tạ Thị Hà cho biết sau 5 tháng bị tạm dừng hoạt động, mỗi tháng bà phải chi 500 triệu đồng để duy trì cơ sở trên, chưa kể những tổn thất về doanh thu.
Bà nói hiện các quy định về phòng cháy chữa cháy thay đổi thường xuyên, khiến các nhà đầu tư khó thực hiện, đặc biệt có một số quy định khó áp dụng vào thực tế.
"Chúng tôi đề nghị Chính phủ và các ban ngành có liên quan thanh tra lại việc nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở dịch vụ karaoke trên địa bàn Hà Nội từ năm 2017 của lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy đến nay đã đúng theo quy định của pháp luật chưa.
Vì chúng tôi được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy và hằng năm vẫn được các đoàn kiểm tra theo định kỳ và đều nhận được biên bản kiểm tra là đủ điều kiện, tại sao tại thời điểm này lại kết luận các cơ sở của chúng tôi không đủ điều kiện và yêu cầu chúng tôi dừng hoạt động", bà Hà nói.
Khó quá sẽ có karaoke chui
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Thủy - cổ đông quán karaoke Melody Trung Hòa (quận Cầu Giấy) - cho rằng không nên vì một vài cơ sở xảy ra cháy mà đóng cửa tất cả các quán karaoke. Cơ sở nào gây ra hậu quả thì chủ cơ sở chịu trách nhiệm trước pháp luật.
"Không ai mong muốn tài sản của mình đầu tư ra rồi chịu trách nhiệm hình sự, bản thân chúng tôi là những người cẩn thận, nhiều quán karaoke tại Hà Nội được cấp phép hoạt động theo những thông tư, nghị định.
Sau này khi có thông tư, nghị định mới hoặc sau những vụ cháy, các cơ quan chức năng vận động quán karaoke rất cầu thị và tiếp thu. Chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho tài sản của mình, cho chính khách hàng và nhân viên làm việc tại cơ sở bằng cách lắp đặt và nâng cấp rất nhiều lần, nhiều tiền, các thiết bị về phòng cháy", bà Thủy nói.
Bà Thủy còn cảnh báo thực tế vì quá khó khăn nên có cơ sở karaoke hoạt động chui, "nếu xảy ra hỏa hoạn thì nguy cơ hậu quả còn hơn vụ ở Bình Dương".
Ông Nguyễn Đăng Sỹ - đại diện quán karaoke số 16 Nguyễn Khang (Cầu Giấy) - cho rằng lực lượng chức năng cần hướng dẫn cho các chủ cơ sở sửa chữa quán karaoke phù hợp với quy định phòng cháy chữa cháy.
"Số tiền người kinh doanh loại hình này bỏ ra rất lớn, chi phí đầu tư hàng tỉ đồng, có người phải thế chấp nhà cửa với ngân hàng để lấy tiền đầu tư vào hệ thống phòng cháy theo các quy định cũ. Tuy nhiên, hiện hệ thống phòng cháy chữa cháy đã được trang bị trước đó lại bị kết luận không đạt tiêu chuẩn, mặc dù không cải tạo sửa chữa gì so với trước đây", ông Sỹ phản ánh.
Đã chỉ đạo công an hướng dẫn các hộ kinh doanh karaoke
Trước các phản ánh trên, đại tá Phạm Trung Hiếu - trưởng Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an TP Hà Nội) - cho biết đơn vị đã phân công công an 30 quận, huyện, thị xã giải thích cho các hộ kinh doanh trên địa bàn, không để người dân bức xúc.
"Còn khoảng 400 cơ sở được cấp phép đầy đủ giấy tờ mà vẫn bị tạm đình chỉ hoạt động, có thể do vi phạm một số lỗi như đường hành lang, cầu thang bộ đóng kín lại mở cửa, vật liệu trên hành lang thoát nạn là vật liệu dễ cháy, phòng hát bố trí này kia, diện tích phòng hát bị co hẹp… Tất cả những điều này cơ sở buộc phải khắc phục", ông Hiếu nói.
Đại tá Hiếu cũng cho biết trong vài ngày tới sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo đưa ra đề xuất với UBND TP Hà Nội để kiến nghị lên Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng... tháo gỡ cho các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận